Trong những năm qua, Bình Phước đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng làm động lực quan trọng cho sự phát triển, trong đó giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ có ý nghĩa to lớn trong công tác chính trị, tư tưởng hiện nay. Những năm qua, cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy, hình thức giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng cho học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ. việc tuyên truyền, giáo dục đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, góp phần bồi đắp niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Các em học sinh Trường THCS Tân Phú tham gia chương trình hoạt động ngoại khóa
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp biên soạn, phát hành nhiều tài liệu phục vụ công tác giáo dục lịch sử: Bình Phước - Di tích và danh thắng; Lịch sử Trường Chính trị tỉnh Bình Phước (1997 - 2021); “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước 1930 -2020” phục vụ chương trình bồi dưỡng lịch sử Đảng tại các trung tâm chính trị cấp huyện. Các huyện, thị, thành ủy cũng chủ động tái bản, bổ sung lịch sử Đảng bộ địa phương như: Tái bản bổ sung cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Bù Đốp (1930- 2020); lịch sử Đảng bộ thị xã Bình Long (1930 - 2019)… Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục, tổ chức đoàn thể đã đổi mới công tác giáo dục lịch sử cho thanh niên, học sinh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, bồi dưỡng được phương pháp tự học, tự rèn luyện, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm hứng thú, say mê trong học tập lịch sử Đảng, lịch sử địa phương.
Xác định giáo dục lịch sử truyền thống cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ trọng tâm, kim chỉ nam trong công tác thanh niên, hằng năm, vào những dịp lễ, ngày kỷ niệm của đất nước. Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo và Trường Chính trị tỉnh đã biên soạn và đưa nội dung lịch sử Đảng bộ địa phương vào giảng dạy trong Trường chính trị, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thị và các Trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ. Công tác giảng dạy giáo dục lịch sử địa phương đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, hiểu biết, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; bồi dưỡng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng và động viên mọi người tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Hoạt động tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử địa phương với nhiều phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp, như: Tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sỹ… Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động nhất, vừa tri ân, vừa nhắc nhở thế hệ trẻ của tỉnh ngày nay phải tiếp bước cha anh, kế tục sự nghiệp cách mạng bằng việc góp sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Cụ thể là luôn nêu cao lòng tự hào dân tộc, gương mẫu chấp hành nghiêm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội….
Tại thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long, huyện Đồng Phú… tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu lịch sử Đảng bộ địa phương... Thông qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc về truyền thống cách mạng của Đảng, quê hương, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tin của thế hệ trẻ vào sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng còn những hạn chế: Nhận thức của một số thanh thiếu niên về lịch sử địa phương còn mờ nhạt, phương pháp giáo dục lịch sử chưa hấp dẫn; việc tôn tạo, bảo vệ và phát huy các di tích lịch sử trên địa bàn thiếu đồng bộ, chưa thu hút được thế hệ trẻ trong học tập, tìm hiểu lịch sử.
Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lịch sử Đảng trong hệ thống giáo dục, cấp ủy các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và ngành Giáo dục cần quan tâm đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng tăng thực hành kỹ năng, giảm thời lượng lý thuyết, gắn lý luận với thực tiễn, kết hợp phương pháp giáo dục truyền thống với giáo dục hiện đại, tạo hứng thú thu hút, hấp dẫn người học. Tăng cường các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng, chú trọng các hoạt động về nguồn, noi gương người tốt, việc tốt; các hoạt động vui chơi, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, hoạt động từ thiện, hiến máu nhân đạo... để thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Bằng những việc làm cụ thể, có thể nói thời gian qua, Bình Phước đã luôn quan tâm thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, làm giúp cho thanh thiếu niên nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước.
Công tác giáo dục lịch sử truyền thống đã tạo động lực tích cực, giúp thế hệ trẻ hiểu đúng, tự hào, trân trọng về truyền thống cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, sống có lý tưởng. Để từ đó xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình trong học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc, góp phần viết tiếp trang sử hào hùng của Đảng. Đồng thời, xác định công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng cần tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, nhằm định hướng tư tưởng và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.