Là người lính từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Nam Tây Nguyên, hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin thị xã Phước Long, cựu chiến binh Lê Lý Trịnh và đồng đội đã từng anh dũng xông pha trong chiến trận, hứng chịu nhiều trận mưa bom, bão đạn của đế quốc Mỹ. Ký ức về chiến tranh và ngày đầu giải phóng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức của ông. “Trưa 30-4-1975, nhận được tin đất nước giải phóng, tôi và các đồng đội vui mừng ôm chầm lấy nhau reo vang. Lúc này không ai bảo ai, trong súng còn viên đạn nào là nổ hết, tiếng súng vang rền thay cho tiếng pháo mừng ngày chiến thắng, ngày giải phóng”, cựu chiến binh Lê Lý Trịnh hạnh phúc kể lại.
Còn với cựu chiến binh Đỗ Thám ở ấp Quản Lợi A, xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thành quả của lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết và tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” của toàn dân tộc, là bước phát triển ở quy mô cao nhất trong toàn bộ tiến trình cách mạng ở miền Nam. Ký ức về ngày giải phóng miền Nam trong ông vẫn còn vẹn nguyên: “Lúc này, tôi công tác ở Tỉnh đội Bình Long, đang trên đường đi công tác qua huyện Bù Đốp thì nghe được trên loa phóng thanh thông báo giải phóng miền Nam, chiếm được thủ phủ Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, chấm dứt chế độ Việt Nam Cộng hòa. Tôi dừng xe lại, trong súng ngắn của tôi có 2 băng đạn là tôi bắn chỉ thiên hết luôn. Tôi mừng vui không tả nổi. Nhưng cũng chính lúc đó tôi lại ngậm ngùi bởi trong cuộc kháng chiến đồng đội mình hy sinh nhiều quá”.
Các cựu chiến binh Lê Lý Trịnh và Đỗ Thám (giữa) và anh Nguyễn Trọng Lâm, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Phước (bìa phải) tham gia buổi tọa đàm “Giữ lửa truyền thống”, của BPTV
Giá trị của hòa bình phải đánh đổi bằng máu xương của bao người, biết ơn thế hệ cha anh đã dâng hiến thanh xuân cho độc lập tự do của dân tộc. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, truyền thống yêu nước, xây dựng lý tưởng, hoài bão, truyền lửa cho thế hệ trẻ biết trân quý cuộc sống bình yên. Anh Nguyễn Trọng Lâm, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh cho biết, những hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sĩ, các cựu chiến binh trong cuộc kháng chiến là bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ ngày nay. Lớp thanh niên hôm nay phải có trách nhiệm hơn với chính mình, với xã hội, với đất nước, tiếp tục phát huy tinh thần dựng nước và giữ nước của cha ông, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. “Với tất cả sự khâm phục, niềm tự hào và lòng biết ơn, tuổi trẻ Bình Phước sẽ luôn nỗ lực hết mình, đem tất cả tinh thần, trí tuệ, sức trẻ, lòng nhiệt huyết, tài năng và sự sáng tạo viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, làm nên những Đại thắng mùa Xuân mới trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, anh Nguyễn Trọng Lâm nói.
Cựu chiến binh Lê Lý Trịnh chia sẻ, đã từ chối đi du học ở Liên Xô xung phong vào miền Nam tham gia kháng chiến
“Người Việt Nam chúng ta không bao giờ được quên quá khứ, nhưng luôn hào khí, hòa hiếu và nhân văn. Vì vậy, người Việt Nam mong muốn gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, xây dựng đất nước nói chung và Bình Phước nói riêng ngày càng phát triển văn minh hơn, tốt đẹp hơn, giàu có hơn. Muốn làm được như vậy rất cần đội ngũ kế cận đó là lực lượng thanh niên”. |
Cựu chiến binh Lê Lý Trịnh |
Bình Phước - đất thép nở hoa
Bước qua khói lửa chiến tranh, Bình Phước hôm nay đang ngày càng khẳng định vị thế, vai trò quan trọng trong khu vực Đông Nam Bộ cũng như trong cả nước. Vùng đất chiến địa năm xưa đã được phủ xanh bằng cây công nghiệp, cây ăn trái. Những khu công nghiệp được phủ kín các nhà máy, công xưởng với hàng trăm ngàn công nhân lao động. Với chuỗi đô thị Đồng Xoài - Phước Long - Lộc Ninh - Bình Long - Chơn Thành trẻ trung, năng động và phát triển từng ngày.
Bình Phước có hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, kết nối với Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam Bộ qua tuyến quốc lộ 13, 14, đường ĐT 741 đã được đầu tư hoàn chỉnh. Tỉnh còn có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 69%. Bình Phước có nguồn nhân lực dồi dào, với dân số hơn 1 triệu người, trong đó lực lượng lao động chiếm 61% dân số.
Với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt từ 9-10%, tăng thu nhập, giảm đói nghèo, xây dựng đô thị hiện đại, nông thôn mới văn minh, Bình Phước đang hoạch định nhiều chiến lược phát triển với nhiều bước đột phá, mang lại bước tăng trưởng mới trong tương lai. Trong đó, chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài.
Theo đó, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI. Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều phức tạp, khó lường. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn thì càng phải thi đua” nhằm huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước đã chuyển từ vị trí “dự trữ” thành động lực tăng trưởng và phát triển cho cả vùng bằng công nghiệp hóa và đô thị hóa, nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, các chuỗi giá trị và cụm ngành của cả vùng. Theo đó, thứ tự ưu tiên phát triển đến giai đoạn 2030-2035 là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, sau đó sẽ là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Bình Phước sẽ tập trung ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông và hạ tầng công nghệ thông tin.
Ngày nay, cuộc sống trở nên tất bật, nhưng tinh thần bất diệt của những ngày tháng 4 lịch sử năm xưa vẫn như vừa mới hôm qua. Bởi, với bao lớp thế hệ đi trước, phần ký ức hào hùng ấy vẫn nằm trọn trong sâu thẳm tiềm thức với cả đau thương và hạnh phúc. Còn thế hệ trẻ, dẫu không được chứng kiến những năm tháng hào hùng ấy nhưng niềm tự hào dân tộc vẫn được cha ông “truyền lửa” từ đời này qua đời khác. Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và thịnh vượng.
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc
Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 84 | lượt tải:41Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 58 | lượt tải:33Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029
lượt xem: 438 | lượt tải:208