Phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân Bù Đăng (1971-1975)

Thứ sáu - 31/03/2023 06:05 2.780 0
       Năm 1971, do yêu cầu củng cố, sắp xếp tổ chức đảng, Thường vụ K ủy K29 đã quyết định thành lập Đảng bộ Đội công tác X3, gồm 30 đồng chí với 3 chi bộ mật. Hệ thống đoàn thể và các tổ chức cách mạng khác cũng được xây dựng lại với chi đoàn có 7 đoàn viên, 3 tổ binh vận, 4 tổ an ninh mật, 5 tổ thanh niên chống bắt lính. Sau khi củng cố tổ chức, Chi bộ đã vận động nhân dân đấu tranh chống địch bằng nhiều hình thức khác nhau. Tháng 2-1971, Thường vụ K ủy 29 đã họp đánh giá hai bộ phận: dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số. Người Kinh ở trong các dinh điền trên địa bàn là kết quả của việc thúc ép di dân thời Mỹ - Diệm 1958 - 1963. Nhưng đại bộ phận họ là những người có gắn bó, tham gia cách mạng trong thời kỳ chống Pháp. Một bộ phận dân tộc thiểu số tại chỗ tuy có hiểu biết, gắn bó với cách mạng nhưng do bản tính thật thà, chất phác, yêu thích tự do, muốn giúp đỡ cách mạng nhưng sợ địch theo dõi, gây khó khăn và làm hại gia đình cũng như bản thân, nên chưa dám bung ra rẫy làm ăn và liên hệ với cách mạng. Những đối tượng này cần phải tiếp tục tuyên truyền và vận động.

      Đi đôi với công tác an ninh và binh vận, phong trào đấu tranh chính trị và tiến công quân sự khá phát triển. Riêng trong bốn năm từ năm 1969 đến năm 1972, đồng bào đã tổ chức nhiều đợt đấu tranh chống bắt lính và vận động 23 bảo an và dân vệ trở về buôn, sóc làm ăn. Các cuộc đột ấp để “diệt ác, phá kìm” của các mũi công tác và lực lượng B271 làm cho địch hoang mang, lo sợ. Ta đánh gần 200 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương 1.486 tên địch. Qua phong trào đấu tranh, ta đã kết nạp 9 đồng chí vào Đảng ở 3 chi bộ của 13 xã vùng căn cứ. Chi bộ các đội, mũi công tác kết nạp 27 đồng chí vào Đảng; 7 chi bộ vùng giải phóng kết nạp 42 đồng chí vào Đảng; 4 chi bộ vùng yếu khu kết nạp 18 đồng chí vào Đảng.
 
Quân và dân Bom Bo giã gạo nuôi quân trong những năm kháng chiến chống Mỹ

       Những thắng lợi của ta trên mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari năm 1973, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhưng đế quốc Mỹ vẫn tìm mọi cách “hà hơi, tiếp sức” để thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. Ở Bù Đăng, địch tiến hành cuộc chiến tranh lấn đất, giành dân nhằm xóa thế “da báo” giữa ta và địch. Chúng tăng cường đôn quân, bắt lính để bổ sung và phát triển lực lượng, kết hợp với việc củng cố ngụy quyền xã, ấp và tăng cường điệp báo, thám báo. Địch kiểm tra chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển lương thực nhằm ngăn chặn nguồn tiếp tế cho cách mạng, đẩy mạnh do thám vùng căn cứ, tung biệt kích, gián điệp luồn sâu vào khu vực hành lang vận chuyển và kho tàng của ta để nắm tình hình.

       Về phía ta, tháng 7-1973, K ủy 29 tổ chức Đại hội lần thứ II Đảng bộ huyện Bù Đăng. Đồng chí Út Minh thay đồng chí K’Ban làm Trưởng ban Binh vận huyện. Cũng tại Đại hội này, các đồng chí trong K ủy quán triệt tinh thần Chỉ thị số 02-CT/TW của Trung ương về nội dung của Hiệp định Pari, về chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc và chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

     Cùng với phong trào cách mạng sôi nổi trong cả nước, từ sau Hiệp định Pari, phong trào cách mạng ở Bù Đăng như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới. Ở các đội mũi tiến công X1, X2, X3 và Ban An ninh đã xây dựng được 15 tổ với 113 người, tổ thanh niên chống bắt lính có 45 người, 6 tổ du kích mật với 20 người, an ninh mật là 13 người, binh vận có 36 tổ với 114 người, 2 chi bộ mật kể cả đảng viên sinh hoạt đơn tuyến gồm 21 đồng chí.

      Mùa khô năm 1974, Tỉnh ủy Bình Phước trực tiếp chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Đình Tuyến, Bí thư K29 với nội dung: “Thời cơ đã đến, chuẩn bị cho kế hoạch mùa khô trong hai năm 1974 - 1975 để giành thắng lợi to lớn, góp phần giải phóng miền Nam”. Nhận được chỉ thị trên, Thường vụ K29 đã triệu tập cuộc họp bất thường đề ra kế hoạch các giải pháp tích cực phát động phong trào quần chúng, giữ vững khí thế cách mạng và phát huy truyền thống đoàn kết của các tầng lớp nhân dân để chống kẻ thù. Phát huy thắng lợi đã giành được, củng cố niềm tin tất thắng vào sự lãnh đạo của Đảng để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các đội mũi công tác và lực lượng an ninh tiếp tục đẩy mạnh ba mũi giáp công để giành quyền làm chủ. Đầu năm 1966, Khu 10 được thành lập lại, gồm ba tỉnh: Phước Long, Bình Long và Quảng Đức. Địa bàn K59 trực thuộc Tỉnh ủy Phước Long, vùng Đạo Nghĩa giao cho Quảng Đức, phần còn lại tách ra làm hai đơn vị gồm K10 và K19 cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ thực tế.

      Từ năm 1973 đến năm 1974 là giai đoạn chuyển biến rất lớn của cách mạng miền Nam nói chung và Bù Đăng nói riêng. Địch bị đánh những đòn đau, tinh thần chiến đấu của binh sĩ ngụy sa sút nhanh chóng. Ngược lại, lực lượng cách mạng ngày càng trưởng thành và dạn dày kinh nghiệm trong chiến đấu, ta càng đánh càng thắng và nắm quyền chủ động đẩy quân ngụy vào thế bị động. Đứng trước cục diện mới, Trung ương Đảng nhận định: Thời cơ đã đến. Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn thành giải phóng miền Nam, giành thắng lợi cuối cùng. Giữa năm 1974, Trung ương Cục chỉ rõ nhân tố mới đã xuất hiện và chuẩn bị kế hoạch để mùa khô 1974 - 1975 mở đợt tấn công lớn, giành thắng lợi có tính chất quyết định, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam.
      Ngày 19-11-1974, Tư lệnh Quân đoàn 4 đã chỉ đạo triển khai công tác tiến công quận lỵ Đức Phong, giao nhiệm vụ chính cho Sư đoàn 3 và một số lực lượng phối hợp khác. Đây là trận đánh hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn, mở màn cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở phía Nam tạo điều kiện cho Bộ Chính trị đánh giá thực lực, khả năng cơ động và chiến đấu của quân địch trên chiến trường, đồng thời thăm dò khả năng phản ứng và can thiệp trở lại của Mỹ ở Việt Nam nhằm mở ra cục diện mới trên chiến trường Nam Bộ. Để bảo đảm thắng lợi, đồng chí Hoàng Cầm - Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn 4 cùng cán bộ lãnh đạo hai Trung đoàn 271 và 201 thuộc Sư đoàn 3 đã trực tiếp đi trinh sát nghiên cứu mặt trận từ ngày 16-11 đến ngày 6-12-1974, trước khi ta quyết định tấn công tiêu diệt địch.
     Chiến dịch đường 14 Phước Long mà Chi khu quân sự Đức Phong được chọn làm trận đánh mở màn thắng lợi đã góp phần quan trọng mở thông hành lang chiến lược đường 14, tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng hoàn toàn Đồng Xoài và tỉnh lỵ Phước Long, tạo tiền đề cho Chiến dịch đại thắng mùa Xuân 1975.

Tác giả: Minh An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập190
  • Hôm nay31,282
  • Tổng lượt truy cập15,374,839
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây