Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1911, là văn phòng làm việc của Công ty cao su Xét - Xô của Pháp, để quản lý việc khai thác mủ cao su ở Lộc Ninh. Nhà được xây dựng theo lối nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số, cho nên Nhân dân trong vẫn quen gọi là Nhà “Cao Cẳng”.
Trong chiến dịch Nguyễn Huệ (1972) ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Tháng 03/1973, trước yêu cầu tình hình công tác trên mặt trận ngoại giao, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thống nhất chọn vị trí nền ngôi nhà “Cao Cẳng” xưa để xây dựng trụ sở cách mạng. Trụ sở được xây dựng năm 1973, do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thiết kế. Ngôi nhà xây dựng để đón tiếp các phái đoàn ngoại giao trong và ngoài nước nên còn có tên gọi “Nhà Giao tế”.
Về kiến trúc, di tích gồm một trệt và một lầu. Tầng trệt xây dựng bằng vật liệu bê tông chắc chắn dùng để hội họp. Tầng lầu được xây dựng bằng gỗ, có lan can bao quanh được thiết kế theo kiểu phòng khánh tiết, mái tôn “5 nóc, 4 mái” được lợp tôn.
Di tích Nhà giao tế Lộc Ninh
Di tích lịch sử Nhà Giao tế đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia ngày 12/12/1986. Là một trong những di tích lịch sử cấp Quốc gia của tỉnh Bình Phước. Nhà Giao tế ra đời đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, là chứng tích chứng minh về sự thất bại của Mỹ và chế độ Sài Gòn; là sự đấu tranh anh dũng khôn khéo của quân và dân ta trên cả 2 mặt quân sự và ngoại giao trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.