Bình Phước hiện có hơn 13.000 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, mỹ thuật có liên quan đến lịch sử kháng chiến, lĩnh vực dân tộc học, khảo cổ học… được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, trong đó có 01 bảo vật quốc gia là Đàn đá Lộc Hòa. Để góp phần bảo tồn và phát huy tốt giá trị hiện vật, từ năm 2017 đến nay, Bảo tàng tỉnh Bình Phước đã tổ chức và phối hợp với các bảo tàng ngoài tỉnh tổ chức gần 30 đợt trưng bày thu hút gần 45.000 lượt khách, qua đó giới thiệu về vùng đất, con người Bình Phước, nhất là sự hình thành của vùng đất Bình Phước và quá trình lao động sản xuất, đấu tranh với thiên nhiên, đấu tranh cách mạng của quân dân Bình Phước đến với các đoàn khách tham quan, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.
Di tích Lịch sử - văn hóa Mộ 3.000 người
Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động như: về nguồn, giao lưu nhằm giới thiệu các di tích trên địa bàn và giáo dục truyền thống anh hùng, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ thanh, thiếu niên. Tổ chức tuyên truyền về các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh thông qua hoạt động trưng bày hình ảnh di tích tại các trường học, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh qua giai đoạn 2017 - 2022 đã thu hút 30.000 lượt người tham quan, tìm hiểu; trưng bày hình ảnh di tích tại Lễ đón nhận văn bằng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, thu hút hơn 1.000 lượt người tham quan; thực hiện trưng bày hình ảnh chuyên đề “Ban Liên hợp quân sự bốn bên - Từ trại Davis đến Nhà Giao tế Lộc Ninh” tại di tích Nhà Giao tế, thu hút hơn 2.000 giáo viên, học sinh và du khách tham quan. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về di tích trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11; Tổ chức thành công cuộc thi “Hành trình di sản Văn hóa tỉnh Bình Phước” lần thứ I, lần thứ II, lần thứ III. Phối hợp và hỗ trợ các cơ quan, báo chí, truyền hình, trường học thực hiện chương trình, phóng sự về hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh và các hoạt động tại di tích; cung cấp tư liệu, tài liệu, hình ảnh về di tích cho các cơ quan trong công tác bảo tồn, phát huy di tích trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan báo chí tham gia tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các tác giả, tác phẩm, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của tỉnh trên các loại hình báo chí; đã có nhiều tin, bài viết phản ánh đa dạng về văn hóa, văn học, nghệ thuật. Trong đó, có 537 tác phẩm tham gia cuộc thi sáng tác văn học về truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước; 33 tác giả, tác phẩm sáng tác văn học, nghệ thuật được trao giải cấp tỉnh; 35 cá nhân được trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật; đồng thời, tham gia xử lý tốt các vấn đề nảy sinh trong đời sống văn học, nghệ thuật; phòng, chống “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi Chỉ thị số 26-CT/TU được ban hành ngày 14/8/2017 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, nhận thức cũng như sự vào cuộc của các cấp, các ngành về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích được nâng lên. Các cấp, các ngành, địa phương quan tâm tăng cường sự lãnh đạo quản lý đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Các di tích bị xâm hại đều được kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định.
Các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Phát huy hơn nữa lợi thế của tỉnh về các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nhằm quảng bá hình ảnh của địa phương với các tỉnh trong nước và bạn bè quốc tế. Công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa và các danh lam thắng cảnh trên địa bàn được thực hiện tốt. UBND tỉnh phân công trách nhiệm cho các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn công tác quản lý di tích theo quy định. Xây dựng kế hoạch, quy hoạch, dự án xây dựng, sửa chữa, trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích; thường xuyên chỉnh trang cảnh quan tại di tích; bảo vệ an ninh, trật tự, chống mất cắp di vật, cổ vật thuộc di tích; thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ, thiên tai; bảo vệ môi trường và cảnh quan tại các di tích được phân cấp cho địa phương quản lý. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc kiểm kê, bảo vệ, quảng bá và công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích được chú trọng hơn.
Nhìn chung, công tác bảo tồn, phát huy di tích trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa, phục vụ khách tham quan góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động du lịch của địa phương, đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân, trở thành điểm tham quan về nguồn, tìm hiểu lịch sử cách mạng của nhân dân, cán bộ, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần tự chủ, lao động sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua các hoạt động về nguồn, đã kết hợp tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá du lịch, giáo dục các giá trị lịch sử, văn hóa giúp người dân và du khách nắm bắt được các thông tin, ý nghĩa của các di tích để nâng cao nhận thức và hành động nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích.