Lễ hội Mừng lúa mới là lễ hội truyền thống của người S’tiêng, với quan niệm rằng để có một mùa bội thu, người dân được no đủ là nhờ sự phù hộ của các đấng thần linh, trời đất. Vì vậy, cứ đến tháng 12 âm lịch hằng năm, khi những cánh đồng lúa chín vàng đã được gặt hái xong xuôi thì đồng bào S’tiêng lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Mừng lúa mới để dân làng được quây quần, tụ hội làm lễ tạ ơn các đấng thần linh, đất trời đã phù hộ cho họ có được mùa màng bội thu. Đồng thời cũng là để cầu chúc cho năm sau thần linh tiếp tục ban mưa thuận, gió hòa cho mùa màng tươi tốt. Lễ hội cũng là dịp để người dân được nghỉ ngơi sau một mùa làm việc vất vả, đồng thời đây còn là nơi để mọi người trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thanh niên, nam nữ được vui chơi, nhảy múa, ca hát và uống rượu cần, ăn cơm mới…
Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào S'tiêng
Việc tổ chức lễ hội vào thời điểm giáp Tết và đúng vào thời điểm bà con đã thu hoạch xong nên thu hút rất đông người dân tham gia. Đây là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của người đồng bào S’tiêng. Theo quan niệm của người đồng bào S’tiêng, dù khó khăn hay sung túc, hàng năm đồng bào vẫn phải duy trì mừng lúa mới.
Hiện nay, Lễ hội mừng lúa mới không chỉ đơn thuần là lễ hội của người S’tiêng mà đã trở thành ngày hội vui xuân của cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung vui. Việc tổ chức lễ hội vừa giúp đồng bào có thêm không khí vui xuân, nâng cao đời sống tinh thần, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc S’tiêng.