Để gìn giữ, phát triển và chấn hưng nền văn hóa dân tộc theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, việc lan toả giá trị và nét đẹp của văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hình thành những con người mới có tri thức, đạo đức, nhân cách, lối sống tốt đẹp để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong bối cảnh, tình hình hiện nay.
NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT
Nhận thấy tầm quan trọng của sách, tri thức và văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách lớn để thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.
Tiêu biểu như Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, trong đó đề ra một trong những nhiệm vụ cấp bách là phải “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hoá đọc của các tầng lớp nhân dân”, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi. Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nhấn mạnh đến chủ trương cần phải đa dạng hóa các loại hình giáo dục, đào tạo theo tín chỉ, vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, đòi hỏi người học, học sinh, sinh viên phải không ngừng tự học, tự đọc, tự nghiên cứu. Cùng với chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách kịp thời, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xuất bản, tiêu dùng các ấn phẩm diễn ra thuận lợi, đồng thời huy động các nguồn lực cùng tham gia xây dựng, phát triển văn hóa đọc. Năm 2019, Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua; năm 2017, Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến 2020 định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Những chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa đọc đã truyền đi những thông điệp tích cực, khơi dậy tinh thần ham đọc sách, coi trọng tri thức, sách vở; kích thích tinh thần tự học, nỗ lực vươn lên và khát vọng cống hiến, dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phong trào đọc sách, viết sách, xuất bản sách, xây dựng không gian văn hóa đọc trong cộng đồng được triển khai sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu.
Một trong những kết quả nổi bật trong lan toả văn hóa đọc là sự ra đời và phát triển của nhiều mô hình thư viện với những hình thức đọc sách đa dạng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Bên cạnh các thư viện công do nhà nước quản lý, là sự ra đời của thư viện sách tư nhân, thư viện cộng đồng, Tủ sách gia đình, Tủ sách dòng họ, Câu lạc bộ sách, Xe sách lưu động, Café sách, Phố sách, Đường sách, Thành phố sách (Thành phố Sách Phương Nam Book City)…, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao dân trí.
Bên cạnh đó, các phong trào, các cuộc thi như “Đại sứ văn hóa đọc”; Chương trình “Cùng bạn đọc sách, kết nối yêu thương, lan tỏa tri thức” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; Chương trình “Cùng em đọc sách” (do các thư viện công cộng triển khai). Qua đó, hơn 50.000 cuốn sách đã được các tổ chức, cá nhân tặng cho các thư viện trường học, thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, không gian đọc có phục vụ cộng đồng(1). Nhiều chương trình, dự án như: Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Sách ơi mở ra, Quỹ Bắc Cầu, Mọt sách Mogu, các câu lạc bộ Vùng cao yêu thương, Đọc báo Đảng, Tủ sách giải trí và giáo dục, Sách chuyền tay… mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, nâng cao kỹ năng đọc, tạo hứng thú đọc cho trẻ em và mọi tầng lớp nhân dân.
Việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong phát triển văn hóa đọc đã phát huy những hiệu quả tích cực. Dự án Xe ôtô thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” của Quỹ Thiện Tâm (do Tập đoàn Vingroup sáng lập), từ năm 2016 đến nay đã trao tặng 44 xe, mỗi xe có 4.500 cuốn sách, 6-10 máy tính, cùng máy chiếu phim, tài liệu điện tử, sách nói… và thực hiện hàng nghìn chuyến luân chuyển sách phục vụ lưu động tới hơn 6 triệu lượt người(2). Đây là dự án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hỗ trợ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đem lại nhiều cơ hội cho việc đọc sách của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật không có cơ hội đến thư viện được tiếp cận với sách báo, với tri thức. Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên cũng đồng hành trong nhiều chương trình, hỗ trợ hàng trăm nghìn bản sách cho các thư viện và cộng đồng. Mô hình “Thành Phố Sách - mô hình văn hóa đọc trong thời đại 4.0” do Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (Phương Nam Book City) cũng đã được triển khai mạnh mẽ tại 5 tỉnh/thành phố lớn trên toàn quốc. Mô hình này không đơn thuần là nơi bán sách và văn hóa phẩm, mà là nơi để nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau trải nghiệm một không gian văn hóa đa chiều, đa tiện ích. Ngoài ra, Phương Nam Book City còn tham gia tích cực vào tiến trình chuyển đổi số với website thương mại điện tử nhasachphuongnam.com nhằm xóa mờ ranh giới online, offline, tạo nên trải nghiệm liền mạch và xuyên suốt và phục vụ khách hàng liên tục 24/7.
Cùng với việc đa dạng hoá các mô hình thư viện, các hình thức đọc, mở rộng không gian kết nối tri thức, thời gian qua, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết lập mạng lưới thư viện cơ sở (cấp xã) cũng đã được các cấp, các ngành quan tâm, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để các tầng lớp nhân dân tiếp cận tri thức, thông tin, nâng cao trình độ dân trí. Theo thống kê của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2020, hệ thống thư viện công cộng có 24.102 thư viện, với 45.000.000 bản sách. Gần 59.000.000 lượt người đến thư viện, tăng 99,8% so với năm 2017. Tổng lượt sách, báo phục vụ của thư viện đạt 87.000.000 lượt. Những kết quả này đã mang lại diện mạo mới cho ngành Thư viện, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện. Nhằm hiện thực hóa “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021-2025”, Vụ Thư viện cũng đã tích cực vận động hàng trăm máy nghe nói, sách nói, điện thoại thông minh (smart phone) tặng cho người khiếm thị, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Góp phần lan toả và cung ứng những xuất bản phẩm có giá trị và ý nghĩa với cộng đồng, thời gian ngành Xuất bản cũng không ngừng đổi mới, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu, mang lại những món ăn tinh thần bổ ích cho nhân dân. Giai đoạn từ 2014 - 2019, số cuốn sách tăng 22%, số bản sách tăng 55%. Hằng năm, tổ chức Giải thưởng sách quốc gia và 10 nhà xuất bản đầu tiên đã chuẩn bị cho việc xuất bản điện tử nhằm đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của công chúng bạn đọc trong bối cảnh mới.
Có thể nói, qua những phong trào thiết thực được tổ chức hiệu quả ở các địa phương, qua các việc làm cụ thể, đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp các ngành, của toàn thể nhân dân về vai trò của sách, tri thức; ý nghĩa của văn hóa đọc đối với việc xây dựng, hình thành con người mới - nguồn nhân lực quan trọng bậc nhất, quyết định đến quá trình phát triển bền vững đất nước.
NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA
Phát triển trong bối cảnh mới, nhất là những tác động trực tiếp của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức.
Trước sự lấn át của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là các thông tin, hình ảnh thời sự, các chương trình vui chơi, giải trí trên không gian mạng đã thu hút phần lớn thời gian rảnh rỗi của giới trẻ. Điều này cũng là một nguyên nhân dẫn đến một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên tỏ ra xa lánh, hờ hững và thiếu quan tâm đến sách và việc đọc sách truyền thống.
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhịp sống hiện đại nhanh, hối hả nhưng có một nghịch lý là tỷ lệ người đọc sách ngày một giảm đi. Theo một khảo sát quốc tế năm 2016, Việt Nam chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Thời gian dành cho đọc sách hằng tuần, cao nhất là Ấn Độ với gần 11h, một số nước như Đài Loan là 5h (xếp thứ 27), Nhật Bản là 4h (xếp thứ 28), Hàn Quốc là 3h (xếp thứ 29). Việt Nam khoảng 1h. Người Việt Nam thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi người, mỗi năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Mỗi người chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách trong một năm thuộc nhóm thấp trên thế giới(3).
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo còn tác động mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực xuất bản. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử ở nhiều đơn vị xuất bản còn chậm, lúng túng. Nhiều nhà xuất bản gặp khó về nguồn nguyên liệu đầu vào (bản thảo sách) và đầu ra khi sức tiêu thụ sách của thị trường nội địa yếu, tình trạng sách in lậu, xâm phạm bản quyền diễn ra phổ biến, công khai nhưng chậm được xử lý dứt điểm.
Việc xuất bản các chương trình, ấn phẩm sách cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng chính ngôn ngữ, chữ viết của họ còn hạn chế, chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong khi đó, tình trạng chênh lệch về mức sống, mức thụ hưởng văn hóa, khả năng chi tiêu cho văn hóa của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng núi ngày càng cách xa so với vùng đồng bằng, đô thị.
Chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để tôn vinh, khuyến khích và huy động sự tham gia của các cá nhân, tổ chức có nhiều cống hiến trong phổ biến, tuyên truyền và nâng cao tri thức cho người dân qua việc xây dựng, hình thành mô hình thư viện tư nhân; các chương trình sách thiện nguyện. Việc đầu tư về nguồn lực (vật lực và nhân lực) cho hệ thống thư viện cấp xã còn thiếu và yếu; nhiều địa bàn không có thư viện, không có cán bộ phụ trách, theo dõi mảng thư viện và văn hóa đọc.
Một số nơi, do chạy theo các mục tiêu kinh tế, thương mại, dịch vụ, đề cao yếu tố vật chất, lợi nhuận mà lãng quên nhiệm vụ phát triển văn hóa nói chung và phát triển văn hóa đọc nói riêng. Thiếu những quỹ đất cần thiết để xây dựng các hạng mục công trình, thiết chế văn hóa, trong đó có thư viện. Thiếu những đầu sách và ấn phẩm cần thiết để phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân.
Việc tổ chức và lan toả ngày hội đọc sách và văn hóa đọc ở một số nơi vẫn nặng về tính phong trào, hình thức; chưa thực sự hiểu sâu sắc, toàn diện về ý nghĩa của các chương trình, các phong trào nên chưa tạo được sức ảnh hưởng lớn trong công chúng. Nhiều xuất bản phẩm được đầu tư tiền bạc, cấp phát miễn phí cho công chúng theo mô hình bao cấp mà không quan tâm đến nhu cầu, thị hiếu của người dân dẫn đến sự lãng phí lớn.
LAN TỎA NÉT ĐẸP CỦA VĂN HÓA ĐỌC TRONG CỘNG ĐỒNG
Để Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có sức lan toả mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp các ngành, các tổ chức, cá nhân, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Với các cơ quan ban ngành, cần giáo dục, tuyên truyền và lan toả mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn về ý nghĩa nhân văn, nhân bản của việc đọc sách, vai trò của sách và việc hình thành không gian văn hóa đọc. Được sống, học tập, làm việc trong không gian của những tri thức khoa học, của những nét đẹp văn hóa sẽ góp phần truyền cảm hứng tích cực, góp phần giáo dục, điều chỉnh hành vi suy nghĩ của mỗi người, giúp họ ngày càng trưởng thành, tiến bộ, từ đó, có nhiều cống hiến cho đất nước, quê hương.
Làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, nắm bắt dư luận, nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng sách của công chúng để có những định hướng kịp thời. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tạo ra hệ sinh thái sách lành mạnh với những ấn phẩm có chất lượng. Kiên quyết đẩy lùi những luồng thông tin xấu độc, những ấn phẩm kém giá trị, đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin và quyền thụ hưởng văn hóa của mỗi người dân.
Có cơ chế, chính sách để khuyến khích tinh thần sáng tạo, khát vọng cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trong việc tạo ra những ấn phẩm hay, có ý nghĩa, mang lại món ăn tinh thần bổ ích cho cộng đồng, xã hội.
Các đơn vị xuất bản cần đổi mới mô hình, phương thức xuất bản, kinh doanh, phát hành theo hướng tiên tiến, hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, hướng đến mô hình xuất bản số, xuất bản điện tử với những ấn phẩm phong phú, đa dạng, có nội dung tốt, hình thức đẹp, đáp ứng tốt nhu cầu ngày cao của công chúng, bạn đọc.
Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hóa, huy động các nguồn lực và sự đóng góp, cống hiến của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống thư viện cơ sở, nhất là thư viện ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có chính sách khuyến khích, tôn vinh và ghi nhận những cống hiến của những cá nhân trong việc phát triển và lan toả văn hóa đọc.
Chính quyền địa phương cần dành những ưu tiên cần thiết về nguồn vốn, nguồn quỹ đất để xây dựng các không gian văn hóa đọc. Bố trí nguồn nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ để tham mưu, tổ chức và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Để duy trì và phát triển văn hóa đọc, mỗi công chúng, bạn đọc phải hình thành và nuôi dưỡng tình yêu với sách; có lý tưởng, khát vọng vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức, mở rộng tầm hiểu biết để không ngừng tự hoàn thiện mình.
Sách là tri thức, là kho tàng kinh nghiệm, là nơi lưu giữ truyền thống lịch sử - văn hóa của cha ông; là điểm tựa để hướng đến tương lai. Việc duy trì, phát triển văn hóa đọc sẽ góp phần hình thành không gian, môi trường lành mạnh với những giá trị nhân văn, khoa học, góp phần hình thành những con người mới có tri thức, đạo đức, có lý tưởng, khát vọng cống hiến để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Tác giả: tuyengiao.vn
Ý kiến bạn đọc