Khuyến cáo phòng, ngừa bệnh dại
Kim Dung (tổng hợp)
2024-03-11T22:34:11-04:00
2024-03-11T22:34:11-04:00
https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/thong-tin-khoa-giao/cac-khuyen-cao-phong-ngua-benh-dai-2602.html
https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/uploads/news/2024_03/image-20240311103657-1.jpeg
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước
https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/uploads/logo-btg.png
Thời gian gần đây, liên tục nhiều địa phương phát đi cảnh báo về sự gia tăng các trường hợp bị chó dại cắn, thậm chí tử vong vì bệnh dại. Đặc biệt, một trường hợp tử vong vì bệnh dại đã được ghi nhận tại Cà Mau.
Thời gian gần đây, liên tục nhiều địa phương phát đi cảnh báo về sự gia tăng các trường hợp bị chó dại cắn, thậm chí tử vong vì bệnh dại. Đặc biệt, một trường hợp tử vong vì bệnh dại đã được ghi nhận tại Cà Mau. Cũng trong vòng một tuần, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 90 trường hợp bị động vật cắn hoặc cào. Trong đó có những trẻ bị chó cắn rất thương tâm. Trẻ em là nhóm có nguy cơ cao nhiễm virus dại vì lứa tuổi này thường vuốt ve và chơi đùa với các loại động vật (như chó, mèo…).
Ảnh Internet
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.
Ngoài ra, virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng; vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của người bị dại.
Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Bệnh dại chủ yếu lưu hành ở các nước nhiệt đới. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).
Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Các chuyên gia khuyến cáo những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus dại cần tiêm phòng trước phơi nhiễm. Những người bị phơi nhiễm với động vật bị bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cần điều trị dự phòng bằng vaccine, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng bệnh dại đầy đủ và đúng lịch. Khi bị chó, mèo cắn, cào, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng dại kịp thời, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa tại nhà…
Khi không may bị động vật cắn, cào, liếm, nên bình tĩnh xử trí cẩn thận theo các bước sau:
- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, phải rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị động vật cào/cắn.
- Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 45-70%, cồn iot hoặc povidone, iodine để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Ngoài ra, có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
- Đưa nạn nhân đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Việc tiêm phòng là cách ngăn ngừa để không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Những điều cần tránh sau khi bị chó cắn
Tại vết thương tuyệt đối không được đắp các chất gây kích thích mạnh như bột ớt, nước ép hoặc nhựa cây, chất có tính axit hoặc kiềm, không băng bó kín và chặt vết thương.
Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất cứ phương thuốc điều trị bệnh dại gia truyền như đắp lá, nặn máu loại bỏ nọc độc hoặc được thầy lang bốc thuốc nam, bởi hiện nay trên thế giới tiêm vắc xin phòng ngừa dại và huyết thanh kháng dại là phương pháp duy nhất được công nhận để điều trị hiệu quả bệnh dại sau khi phơi nhiễm.
Nếu các vết cắn sâu trên 2cm và nhiều, tập trung gần hệ thần kinh trung ương cần khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu vết thương đúng cách, kiểm tra thể trạng và chỉ định tiêm chủng phòng dại sau phơi nhiễm càng sớm càng tốt.
Cách phòng ngừa chó cắn
Giữ bình tĩnh, không hoảng sợ hoặc bỏ chạy nếu con vật đuổi theo: Bởi điều đó có thể làm chúng thêm kích động. Cố gắng giữ khoảng cách an toàn với con vật. Trong trường hợp tiếp tục bị tấn công, hãy cuộn tròn người như quả bỏng để bảo vệ những vị trí trọng điểm của cơ thể như đầu, mặt, cổ, bộ phận sinh dục. Càng hạn chế được vết thương tại những vị trí này thì càng giảm bớt sự nguy hiểm.
Không trêu, chọc chó lạ nơi công cộng: Hầu hết chó ở nơi công cộng đều không có chủ, không được rọ mõm và chích vắc xin phòng dại, rất khó có thể biết được liệu chú chó này có mắc bệnh dại hay không. Do đó, tuyệt đối không nên trêu, chọc, vuốt ve chó lạ nơi công cộng, đặc biệt là những con chó hung dữ, gầm, sủa liên tục, hai tai dựng thẳng, đuôi cụp vào giữa hai chân, ngáp lớn,… Nếu con vật lại gần hãy giữ bình tĩnh, không hoảng sợ, lo lắng và không bỏ chạy đột ngột.
Báo cáo cho chính quyền địa phương nếu có chó đi lạc hay lang thang ngoài cộng đồng để bảo vệ an toàn cho chính mình và những người xung quanh.
Tóm lại, việc cần làm sau khi bị chó cắn là trấn an người bị cắn, nhanh chóng sơ cứu vết thương đúng cách và khẩn trương đưa người bị cắn đến cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra cũng như tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
Tác giả: Kim Dung (tổng hợp)