Điểm sáng trong phong trào nghiên cứu khoa học

Thứ hai - 05/12/2022 20:37 829 0
 “Nghiên cứu khoa học trong trường học không chỉ giúp nâng cao chất lượng dạy và học mà còn giúp trường tiết giảm kinh phí trong việc mua sắm trang thiết bị giảng dạy. Qua đó khẳng định chất lượng giảng dạy, nâng cao vị thế của trường cũng như chất lượng nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động trong tương lai” - Tiến sĩ Bùi Đình Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp cao su (TP. Đồng Xoài) khẳng định.

ĐƯA NGHIÊN CỨU VÀO THỰC TIỄN GIẢNG DẠY
 
Hiện nay, việc xác định hàm lượng lipit trong các nguyên liệu được thiết lập theo bộ dụng cụ đơn lẻ gây lãng phí lớn về điện, lượng nước hồi lưu và nhân công theo dõi suốt quá trình. Để khắc phục hạn chế này, nhóm tác giả của Trường cao đẳng Công nghiệp cao su đã nghiên cứu, chế tạo thành công “Hệ thống tự động xác định hàm lượng lipit trong sản phẩm cao su thiên nhiên”. Thiết bị được tích hợp các ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử và hóa học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, rèn luyện tay nghề cho học sinh, sinh viên (HSSV), giúp các em dễ tiếp nhận công nghệ mới ở doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ cao su thiên nhiên khi ra trường.

Thạc sĩ Hà Văn Đạo hướng dẫn sinh viên nguyên lý hoạt động của “Mô hình điều khiển rơ le”

Theo Thạc sĩ Lê Đức Đẳng, Trưởng khoa Kỹ thuật - Công nghệ, thành viên nhóm nghiên cứu, với những tính năng vượt trội, giá thành thiết kế chỉ bằng ¼ các thiết bị cùng tính năng trên thị trường, nhưng hiệu quả sản phẩm mang lại rất cao. Ngoài phục vụ giảng dạy, thiết bị còn dùng để chưng cất tinh dầu, chiết xuất một số alkaloid trong hợp chất, đồng thời ứng dụng trong chế biến mủ cao su hoặc trong quy trình sản xuất lốp ôtô nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Sản phẩm vừa phục vụ việc học tập của HSSV vừa chuyển giao cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Sản phẩm vừa đoạt giải nhất hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII, năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.  

Để nâng cao chất lượng đào tạo, 2 giảng viên Hà Văn Đạo và Nguyễn Xuân Giáp, Khoa Điện - Điện tử đã nghiên cứu và chế tạo thành công “Mô hình điều khiển rơ le” phục vụ dạy học trong trường. Nhóm tác giả đều là những nhà giáo có kỹ năng nghề cao và từng thiết kế, chế tạo thành công sản phẩm đạt chất lượng, đang áp dụng cho công tác đào tạo tại trường. Thạc sĩ Hà Văn Đạo cho biết, trong trường có 3 ngành đào tạo sử dụng khí cụ đóng tắt bằng rơ le, đó là ngành điện, máy lạnh - kỹ thuật điều hòa và kỹ thuật công nghệ ôtô. Thông thường 1 phụ tải chỉ dùng 1 phương pháp điều khiển, để có được nhiều phương pháp khác nhau phải sử dụng nhiều mô hình, dẫn tới sự so sánh giữa các phương pháp là khó thực hiện hơn, học sinh phải mất nhiều thời gian học tập hơn. Mặt khác, các nghề khác nhau thường mô hình sẽ độc lập, ít bổ trợ cho nhau. Do vậy, nhóm đã nghiên cứu mô hình điều khiển rơ le này có thể sử dụng để lắp đặt mạch điện cho 3 ngành đào tạo nêu trên, vừa tiết giảm chi phí lại tích hợp được nhiều kiến thức cho HSSV.

“Mô hình này tích hợp 7 phương pháp điều khiển khác nhau cho 1 tải. Do vậy, đưa vào giảng dạy, HSSV có thể so sánh các phương pháp với nhau, rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân để ứng dụng vào thực tế” - Thạc sĩ Hà Văn Đạo nhấn mạnh. Em Vũ Đình Khoa, lớp TC 21 điện công nghiệp B, Khoa Điện - Điện tử cho biết: “Từ thiết bị này, HSSV có thể tiếp thu được ngay các môn học, như điện cơ bản, trang bị điện, điện ôtô, điện công nghiệp… cùng một lúc nên rất hiệu quả trong học tập”.   

THỰC HÀNH NHIỀU - TAY NGHỀ VỮNG

Hiện Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe của trường có 3 xe học thực hành tại chỗ không nổ máy và tập lái xe tại chỗ có nổ máy, nhưng đều đã xuống cấp, chỉ đáp ứng được một phần trong chương trình học. Để tạo điều kiện học tập cho học viên học lái xe hạng B1, B2, C, trường đã thành lập nhóm nghiên cứu xây dựng “Mô hình học lái xe tại chỗ” giúp học viên thực hiện thành thạo các kỹ năng về điều khiển ly hợp, ga, hộp số, tín hiệu cảnh báo và chiếu sáng, làm quen với cabin mô phỏng.

Thầy Nguyễn Văn Lực hướng dẫn học sinh lớp TC 21 ô tô A thực hành trên “Mô hình học lái xe tại chỗ”. 

Thầy Nguyễn Văn Lực, giảng viên Khoa Kỹ thuật công nghệ, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, mô hình được xây dựng trên hệ thống lái, hộp số, trục bánh xe, hệ thống phanh, 1 phần hệ thống điện của xe Honda Accord và xe KIA CD5 cũ, có gắn động cơ điện 1 chiều, hệ thống sạc điện lưới và năng lượng mặt trời. Mô hình chuyển động giống với hoạt động thực tiễn, thời gian chạy liên tục từ 8-10 giờ.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa tổ chức hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022. Hội thi có 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của 57 tỉnh, thành phố tham dự với tổng 381 thiết bị đăng ký dự thi. Đại diện cho tỉnh Bình Phước, Trường cao đẳng Công nghiệp cao su mang đến hội thi 4 thiết bị, kết quả có 1 thiết bị đoạt giải nhất và 3 thiết bị đoạt giải khuyến khích.

Mô hình hoàn thiện tương tự buồng lái xe thật, mở khóa các thiết bị điện được cấp nguồn, khởi động động cơ hoạt động, các thao tác với mô hình hoàn toàn như xe thực tế hiện nay như phần đèn tín hiệu, chiếu sáng, cảnh báo, bàn đạp ga, thắng, ly hợp. Với mô hình này, học sinh dễ dàng tìm hiểu nguyên lý hoạt động, các thiết bị cho 1 chiếc xe. Sau khi có mô hình, các em được thực hành nhiều hơn, tay nghề vững hơn.

Khoa Kỹ thuật công nghệ hiện có hơn 400 HSSV theo học 2 hệ trung cấp và cao đẳng. Ngoài dạy lái xe tại chỗ, trường còn đào tạo chuyên sâu cho các em nghề sửa chữa, bảo dưỡng ôtô. Do vậy, việc nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị “Mô hình học lái xe tại chỗ” đã giúp việc giảng dạy các môn học thực hành ngành công nghệ ôtô được thuận lợi. “Chiếc xe này tuy là mô hình nhưng các thầy đã làm rất hoàn thiện. Vì vậy, khi học thực hành, được nhìn thực tế các chi tiết thiết bị, bộ phận trên xe và nguyên lý hoạt động của nó, chúng em hiểu bài nhanh hơn” - em Nguyễn Anh Quốc, lớp TC 21 ôtô A, Khoa Kỹ thuật công nghệ cho biết.

THÚC ĐẨY PHONG TRÀO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

 Trường cao đẳng Công nghiệp cao su hiện có hơn 1.800 HSSV theo học tại 5 khoa đào tạo. Trường có 153 cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên công tác tại 12 đơn vị trực thuộc, trong đó 4 tiến sĩ và 35 thạc sĩ. Nhiều năm qua, trường luôn đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học đi đôi với giảng dạy. Trường xác định không để những ý tưởng mãi trên giấy, phải luôn tư duy sáng tạo ra sản phẩm mà xã hội cần nên Ban giám hiệu khuyến khích cán bộ, giáo viên, giảng viên mang ý tưởng hay của mình ra giúp ích cho xã hội.

Kết quả từ năm 2016 đến nay, trường đã có 37 sáng kiến kinh nghiệm cấp trường được công nhận; 14 bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế; 11 giải thưởng được trao tại hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc; 18 giải thưởng được trao tại hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Phước…

Tác giả: BPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập424
  • Hôm nay32,619
  • Tổng lượt truy cập16,877,374
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây