Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Những dấu ấn và vấn đề đặt ra trong tình hình mới

Thứ hai - 08/05/2023 20:54 1.513 0
Trong quá trình hội nhập quốc tế, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động trong nước, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Để chủ trương này tiếp tục phát huy hiệu quả, cần chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao đổi với các thực tập sinh Việt Nam làm việc tại Công ty TNHH Công nghiệp Taisei ở tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. (Ảnh: TTXVN)

CHÚ TRỌNG HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, BẢO HỘ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là hoạt động kinh tế đối ngoại quan trọng đối với mỗi quốc gia, nhất là ở các nước đang phát triển. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, Việt Nam đã chủ động hội nhập với thế giới, tận dụng nguồn lực quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là biện pháp thực hiện chủ trương giải quyết vấn đề an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ lao động, tác phong làm việc... Thực hiện chủ trương này, Việt Nam đã đưa hàng chục vạn người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài (chủ yếu các nước xã hội chủ nghĩa, một số nước ở Trung Đông và châu Phi) dưới hình thức hợp tác lao động và chuyên gia, với mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích giữa hai bên. Đối với nước ta, việc “xuất khẩu lao động và chuyên gia là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; là một bộ phận của hợp tác quốc tế, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với các nước”(1); còn đối với các quốc gia nhận lao động sẽ thu được những lợi ích đáng kể, bù đắp nguồn nhân lực vào những ngành bị thiếu hụt để phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng quan hệ và nâng cao uy tín với các nước cung cấp lao động.

 

 

 

Sau gần 15 năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT-TW, ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị về "Xuất khẩu lao động và chuyên gia”, ngày 8/5/2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”, trong đó xác định: “Việc đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Từ những mục tiêu thiết thực đó, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, chỉ đạo sát sao ngay từ ban đầu, được xem là định hướng phát triển lâu dài của đất nước. Điều đáng ghi nhận, Chỉ thị số 16-CT/TW ra đời đã kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế phát sinh, từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam ở nước ngoài, năm 2006, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, là dấu mốc quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về nội dung có liên quan. Để tháo gỡ những bất cập và các vấn đề nảy sinh trước yêu cầu phát triển mới, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên cơ sở điều chỉnh phù hợp với những thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để thay thế Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006. Cùng với đó, trên cơ sở tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 12/12/2022, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”, yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

NHỮNG DẤU ẤN ĐÁNG GHI NHẬN

Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, việc khai thác, phát triển thị trường lao động ở nước ngoài là yêu cầu tất yếu; tuy nhiên, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chỉ thành công khi chất lượng nguồn nhân lực và ý thức của người lao động được nâng cao. Bởi lẽ, chất lượng lao động và kỷ luật lao động có mối quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau: Trong quan hệ lao động, ý thức kỷ luật lao động góp phần bảo đảm chất lượng lao động, ngược lại, khi bảo đảm chất lượng lao động thì ý thức kỷ luật của người lao động được gia tăng. Khi người lao động thực hiện ý thức kỷ luật lao động là thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình; còn đối với người sử dụng lao động, kỷ luật lao động là phương tiện để thực hiện công tác quản lý lao động. Từ đó, Đảng ta yêu cầu: “Phát triển và khuyến khích đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục ý thức pháp luật, làm rõ quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động về thực hiện hợp đồng, tôn trọng phong tục tập quán, văn hoá, hoà nhập thị trường lao động quốc tế”(2).

Thực hiện chủ trương của Đảng, nhất là từ khi có Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, số lượng doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và lực lượng lao động Việt Nam hằng năm đi làm việc ở nước ngoài đều tăng trưởng ổn định. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc gia đình). Người sử dụng lao động tại các thị trường tiếp nhận đã đánh giá người lao động Việt Nam khéo tay, chăm chỉ, khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, làm việc năng suất, chất lượng. Do vậy, tính từ khi ban hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, có khoảng 150 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đến nay, cả nước đã có trên 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Năm 2022, tổng số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.779 lao động, đạt 158,64% kế hoạch năm 2022; quý I/2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 lao động, đạt 34.48% kế hoạch năm 2023. Điều đáng ghi nhận, thị trường lao động không ngừng được mở rộng, nhất là các thị trường có mức thu nhập cao và điều kiện lao động tốt. Tính đến nay, đã có hơn 40 thị trường tiếp nhận người lao động Việt Nam; những thị trường mới đều là những quốc gia có thu nhập cao, có điều kiện làm việc tốt, như Đức, Ba Lan, Séc... Còn những thị trường truyền thống, như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản..., số lượng người lao động đi làm việc tại đây đều gia tăng hằng năm.

Lao động Việt Nam nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). (Ảnh: TTXVN)

 

 

Có được kết quả trên là do chúng ta đã ban hành những chủ trương, cơ chế, chính sách kịp thời, giúp người lao động tiếp cận nguồn vốn để chi trả chi phí đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với việc chú trọng phát triển, mở rộng thị trường lao động ở các nước, các bộ, ngành liên quan luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nước sở tại, các hội đoàn người Việt Nam để thường xuyên nắm số lượng, tình hình người lao động nhằm hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong nước phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển chọn, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ pháp lý cho người lao động làm thủ tục, hồ sơ khi đi, xử lý các vụ, việc phát sinh và giải quyết các vấn đề cho người lao động khi về nước theo quy định của pháp luật.

Cùng với số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài gia tăng hằng năm, thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể tham gia, bao gồm cả các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ ngày càng lớn. Theo đó, “các giải pháp phát triển thị trường lao động được chú trọng thực hiện; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung - cầu lao động và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động được tăng cường”(3). Đồng thời, luôn quan tâm, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong suốt thời gian làm việc ở nước ngoài, nhất là trong các tình huống khẩn cấp khi có sự cố xảy ra. Điển hình, năm 2011 là cuộc sơ tán khẩn cấp đưa hơn 10.000 lao động về nước khi xảy ra cuộc nội chiến tại Lybia. Khi sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản xảy ra, Chính phủ nước ta đã sẵn sàng ứng phó, kịp thời bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người lao động Việt Nam. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ nước ta đã chỉ đạo đơn vị chức năng, ban quản lý lao động Việt Nam tại các nước (Hàn Quốc, Saudi Arabia, UAE,…) và các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại khu vực Trung Đông, châu Phi phối hợp các cơ quan chức năng nước sở tại để đôn đốc giải quyết các tranh chấp hợp đồng; đăng ký về nước cho lao động giải quyết xong tranh chấp và hỗ trợ các thủ tục cần thiết khi có chuyến bay đưa công dân hồi hương… Chỉ trong hai năm (2020 - 2021), Chính phủ đã đưa về nước 1.008 lao động từ Saudi Arabia, 340 lao động từ UAE, 400 lao động từ Algeria, 216 lao động từ Guinea xích đạo và 226 lao động từ Uzbekistan…

Những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn, đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Người lao động đã góp phần quảng bá hình ảnh, giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hoá, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế; nhiều người khi về nước tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước (hằng năm, số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng từ 2,5 đến 3 tỷ USD). Người lao động không chỉ thoát nghèo, mà còn có khả năng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người thân đầu tư sản xuất, kinh doanh; đặc biệt tại những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài, diện mạo quê hương có nhiều thay đổi với nhà cửa khang trang, hiện đại, an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm.

NHẬN DIỆN NHỮNG THÁCH THỨC, KHÓ KHĂN

Hậu quả của đại dịch COVID-19 gây ra sự suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc, cách thức hoạt động kinh tế, tác động trực tiếp đến xu hướng lao động, việc làm của nhiều quốc gia. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn đến sự thay thế sức lao động bằng máy móc, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tự động hóa, tác động trực tiếp cung - cầu trên thị trường lao động trên toàn thế giới. Già hóa dân số đang là hiện tượng toàn cầu, nhưng xảy ra nhanh hơn ở các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả những quốc gia hiện có đông dân số trẻ. Đối với các nước phát triển, già hóa dân số đặt ra thách thức lớn về bảo đảm nguồn cung lao động, nhất là lao động có kỹ năng, kỹ thuật cao, công nhân lành nghề và một số nghề cần phải có lao động trực tiếp của con người, nên nhu cầu lao động bù đắp cho lực lượng lao động già sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu tiếp nhận lao động từ các quốc gia khác. Sự xung đột giữa một số nước trên thế giới tác động không nhỏ tới nền kinh tế và vấn đề cung - cầu lao động của nhiều quốc gia.

Đối với Việt Nam, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã hình thành các thể chế hỗ trợ quan hệ lao động, thúc đẩy các công cụ đối thoại và thương lượng trên thị trường lao động, bảo đảm cho người lao động tự do di chuyển, tìm kiếm việc làm, tham gia tổ chức đại diện của mình. Tốc độ già hóa dân số của nước ta đang rất nhanh, dự báo đến năm 2036 sẽ bước vào thời kỳ dân số già, dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn chậm phát triển, kỹ năng lao động của người dân vẫn thấp so với mặt bằng chung trên thế giới; nhu cầu lao động làm việc ở nước ngoài để học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề và tìm kiếm thu nhập cao hơn trong nước còn nhiều, áp lực giải quyết việc làm hằng năm cho lực lượng lao động dôi dư và mới gia nhập thị trường lao động vẫn còn lớn.

Ngoài sự tác động từ bối cảnh thế giới và trong nước, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn gặp những khó khăn, thách thức khác là:

Thứ nhất, sau thời gian người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tích lũy được đáng kể của cải vật chất, kinh nghiệm, tác phong làm việc. Tuy nhiên, việc hỗ trợ, khai thác, phát huy nguồn lực lao động này sau khi về nước vẫn chưa thực sự hiệu quả, đã, đang là bài toán đặt ra đối với các bộ, ngành và địa phương.

Thứ hai, việc tập trung nhiều lao động Việt Nam tại một thị trường dễ xảy ra rủi ro khi quốc gia đó gặp suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị hoặc các sự cố do biến đổi khí hậu gây ra. Trong khi, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động chưa đủ mạnh để khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp tích cực tham gia vào xúc tiến mở rộng thị trường tiếp nhận lao động, đa dạng hóa điểm đến cho lao động Việt Nam; việc xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thiếu sự cập nhật thường xuyên, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của lao động, doanh nghiệp và của các cơ quan, tổ chức.

Thứ ba, tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước vẫn xảy ra, chậm được khắc phục. Năng lực của một số tổ chức doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu tính chuyên nghiệp.

Thứ tư, công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động thiếu chặt chẽ, chưa có sự gắn kết giữa hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài, dẫn đến tỷ lệ lao động có tay nghề cao còn thấp, làm giảm năng lực cạnh tranh cũng như ảnh hưởng đến vị thế của người lao động Việt Nam.

Ưu tiên đưa lao động kỹ thuật có tay nghề đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao, an toàn và tiếp tục phát huy nguồn lực này sau khi về nước. (Nguồn: baochinhphu.vn)

 

 

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng, chính sách, pháp luật của công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhất là thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TW. Đồng thời, khắc phục tình trạng thiếu thông tin trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng việc tăng cường thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đưa người đi làm việc ở nước ngoài, công ty môi giới, đơn vị tiếp nhận lao động.

Hai là, để thực hiện chủ trương đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bảo đảm đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương cần chú trọng “phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững. Xác lập các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động phù hợp với sự phát triển của thị trường, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ”(4). “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng”(5). Đồng thời, “ưu tiên đưa lao động kỹ thuật có tay nghề đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao, an toàn và tiếp tục phát huy nguồn lực này sau khi về nước trên cơ sở bảo đảm cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực trong nước”(6).

Ba là, để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Nhà nước sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành văn bản quy định chi tiết để hướng dẫn việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bởi tại Điều 64 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 quy định: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp”, nhưng đến nay chưa có văn bản pháp quy hướng dẫn chi tiết vấn đề này.

Bốn là, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm xây dựng cơ sở dữ liệu để chia sẻ cho các doanh nghiệp, tổ chức liên quan cập nhật, theo dõi danh sách những cá nhân vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật, bỏ trốn. Gắn đào tạo nghề nghiệp với văn hóa, phong tục, tập quán của các nước mà người lao động Việt Nam đến làm việc nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nước tiếp nhận. Xây dựng chiến lược sử dụng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi trở về nước.

Năm là, đẩy mạnh hơn nữa vai trò của các ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp được nhiều hơn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động ở các nước sở tại. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở lao động - thương binh và xã hội trong việc quản lý hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ này trên địa bàn, từ khâu tư vấn, tuyển chọn lao động, đến việc phối hợp quản lý khi lao động ở nước ngoài và sử dụng lao động sau khi trở về nước.

Sáu là, tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các loại tội phạm liên quan đến hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời phát hiện và xử lý các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật./.

_________________

(1) (2) Chỉ thị số 41-CT-TW, ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị về "Xuất khẩu lao động và chuyên gia”.

(3) (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr.33, 127-128.

(4) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.149, 149-150.

(Nguồn: TC Cộng sản)

Tác giả: PHẠM ANH THẮNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập395
  • Hôm nay47,720
  • Tổng lượt truy cập15,276,860
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây