Trong đó, đề ra các mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt, triển khai và tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo; đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Hệ thống khám chữa bệnh bằng Đông y và quản lý nhà nước về Đông y, Đông dược trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Toàn tỉnh có 1.484 hội viên; Ban Chấp hành Hội gồm 25 ủy viên; có 209 nhân viên y tế làm công tác y dược cổ truyền trong tổng số 3.020 cán bộ, nhân viên y tế toàn ngành (chiếm 7% nhân lực toàn ngành). Có 02 bác sĩ chuyên khoa cấp II về y học cổ truyền, 07 bác sĩ chuyên khoa cấp I về y học cổ truyền, 71 bác sĩ y học cổ truyền, 92 y sỹ y học cổ truyền, 16 y sỹ định hướng y học cổ truyền. Hệ thống công lập, toàn tỉnh có 285 giường bệnh, chiếm hơn 14,3% trên tổng số 1.990 giường bệnh chung. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh toàn tỉnh có 304 giường bệnh, chiếm gần 13% trên tổng số 2.400 giường bệnh chung toàn tỉnh.
Công tác khám chữa bệnh bằng Đông y luôn được coi trọng và áp dụng ở tất cả các tuyến điều trị. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, tăng cường bổ sung nhân lực, tăng cường giường bệnh cho khoa YHCT để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân. Các loại bệnh mãn tính thường gặp như đau lưng, đau khớp, thoái hóa cột sống, tai biến mạch máu não,… đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại nên được nhiều bệnh nhân lựa chọn. Tổng số lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh thường xuyên: 8.699.515 lượt người (trong đó số người dùng thuốc nam: 3.840.326; châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng: 2.013.807 người; bó xương, bong gân: 40.957 người; trị rắn cắn: 7.452 người). Đã khám, chữa bệnh miễn phí bằng thuốc nam, châm cứu miễn phí cho bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn: 3.767.213 lượt người, với tổng số tiền miễn phí hơn 8 tỷ đồng.
(Ảnh Internet)
Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực khám, chữa bệnh trong những năm qua toàn tỉnh đã cử 84 cán bộ y tế đi đào tạo về YHCT (trong đó có 02 bác sỹ chuyên khoa cấp II về YHCT, 13 bác sỹ chuyên khoa cấp I về YHCT, 45 bác sỹ YHCT, 05 bác sỹ định hướng YHCT, 19 y sỹ YHCT, định hướng YHCT) tại Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Hà Nội và các đơn vị liên kết khác. Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao tay nghề, giáo dục y đức cho cán bộ, hội viên cũng luôn được chú trọng, toàn tỉnh đã có 15 hội viên học bác sỹ chuyên tu, 107 hội viên học y sỹ y học cổ truyền và 05 hội viên học dược tá đông.
Công tác phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu: toàn tỉnh hiện có 308 vườn thuốc tại các cơ sở Hội và hội viên, với diện tích khoảng 41.550 m2; có 15 cửa hàng đông dược, có vườn cây thuốc nam mẫu với 60 cây thuốc đúng theo danh mục thuốc nam của Bộ Y tế và các loại cây thuốc khác. Điển hình có Chùa Tịnh Độ, thị xã Bình Long đã xin phép chính quyền địa phương và các khu rừng đặc hộ, khu bảo tồn, hàng năm khai thác hàng trăm tấn thuốc nam và sơ chế thành thuốc khô, thuốc thành phẩm để điều trị miễn phí cho bệnh nhân. Các loại cây, dây leo thường khai thác như: dây chạc chìu, dây gấm, dây gùi, dây hoàng đằng, câu đằng, vàng đắng, dây đau xương, rê bá bệnh, cây bưởi bung, củ móp, thiên niên kiện v.v...
(Ảnh Internet)
Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Dược phẩm Bình Phú thực hiện xây dựng thí điểm mô hình cây dược liệu đối với 5 giống: bạc hà, hương nhu, tía tô, húng chanh và sả chanh để chiết xuất tinh dầu nhằm đánh giá sự phù hợp của các loại giống với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Với quy mô: 2.500 m2 (500 m2 cho mỗi loại cây dược liệu).
Công tác nghiên cứu khoa học Đông y: từ năm 2008 đến nay có 10 đề tài khoa học (05 đề tài cấp tỉnh, 05 đề tài cơ sở), trong đó có 02 sản phẩm từ đề tài được ứng dụng trong công tác khám, chữa bệnh. Hàng năm, Hội Đông y tỉnh phối hợp với Hội Đông y cấp huyện và Trung tâm Chính trị cấp huyện mở từ 3-5 lớp chuyên về lý luận cơ bản Đông y; châm cứu, dưỡng sinh; dược liệu thuốc nam, bình quân mỗi năm có từ 200-250 lượt hội viên tham gia học tập; tuyên truyền về Chỉ thị số 24; Kế hoạch số 54-KH/TU ngày 20/10/2008 cuả Tỉnh ủy và Quyết định số 454/QĐ-UBND ngày 12/3/2012 của UBND tỉnh về, triển khai, thực hiện tốt Điều lệ Hội quy định. Các cấp Hội cơ sở tổ chức nhiều buổi thảo luận chuyên đề về bài thuốc kinh nghiệm, cây thuốc quý có tác dụng chữa bệnh đạt hiệu quả cao, tiêu biểu như: Hội thảo về phương pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng đông y của Hội Đông y huyện Bù Đăng; những cây thuốc chữa đau nhức xương khớp của Hội Đông y huyện Bù Gia Mập; cây thuốc, bài thuốc chữa bệnh theo kinh nghiệm được Nhân dân tín nhiệm của Hội Đông y thành phố Đồng Xoài; bài thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ theo quan điểm y học cổ truyền, dược liệu cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu nhằm bảo tồn động vật quý hiếm và phương pháp châm cứu và chẩn đoán sau tai biến liệt nửa người của Hội Đông y tỉnh...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong thời kỳ mới, trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị chưa thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền. Đội ngũ cán bộ làm công tác y học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu về số lượng, năng lực chuyên môn vẫn còn hạn chế. Vườn thuốc nam mới chỉ là vườn mẫu với một số loại thông dụng, chưa sơ chế thành thuốc nguyên liệu. Việc bảo tồn, nuôi trồng, khai thác, chế biến dược liệu chưa được quan tâm đúng mức... Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng với các cấp Hội Đông y tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Đông y, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc phát triển Nền Đông y Việt Nam; Kiện toàn ban chỉ đạo các cấp, tổ chức bộ máy quản lý y dược cổ truyền từ tuyến tỉnh đến cơ sở, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý Nhà Nước về y dược cổ truyền. Hội Đông y tỉnh phát triển chi hội ở 100% số xã, phường, thị trấn; xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Sở Y tế và Hội Đông y tỉnh về phát triển y, dược cổ truyền.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến YHCT, các phương pháp điều trị của y dược cổ truyền, giúp Nhân dân hiểu đúng về tác dụng, hiệu quả của thuốc và các phương pháp điều trị của y dược cổ truyền; về các thành tựu của y dược cổ truyền, tổ chức các hoạt động tôn vinh danh y, thầy thuốc y dược cổ truyền; tăng cường công tác quản lý thông tin, tuyên truyền, quảng cáo về y dược cổ truyền.
Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bổ sung nguồn nhân lực, kinh phí cho Bệnh viện YHCT tỉnh đạt chuẩn bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế về y dược cổ truyền, đến năm 2030 bệnh viện đạt chỉ tiêu 200 giường bệnh; củng cố và phát triển khoa YHCT trong các trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; kết hợp hiệu quả giữa YHCT và YHHĐ trong điều trị bệnh; xây dựng và thực hiện chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở khám, chữa bệnh bằng YHCT ngoài công lập; tăng cường, củng cố và phát triển cơ sở khám, chữa bệnh của các cấp Hội Đông y từ tỉnh đến cơ sở theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên khoa về YHCT đối với đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng YHCT đảm bảo đủ về số lượng, hiệu quả về chất lượng; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tay nghề từ tuyến tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn. Áp dụng chính sách khuyến khích, đãi ngộ thu hút đội ngũ y, bác sỹ chuyên khoa về YHCT về phục vụ tại tỉnh theo quy định chung; tổ chức đào tạo liên tục và cấp chứng chỉ hành nghề cho đội ngũ cán bộ hoạt động về y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Xây dựng đề án bảo tồn và phát triển các vùng nuôi, trồng dược liệu theo tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hoạch dược liệu theo quy mô công nghiệp, gắn liền với đẩy mạnh công tác quy hoạch, ưu tiên các loại cây, con chữa bệnh tốt, giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn; khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng thuốc nam, thuốc dân gian, thuốc gia truyền để đưa vào sản xuất với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng trong công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở khám chữa bệnh y dược cổ truyền và hoạt động mua bán, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền; Phát huy vai trò các hiệp hội, hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực y dược cổ truyền trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển y dược cổ truyền, phát triển dược liệu, thương mại hóa sản phẩm, thuốc cổ truyền; phối hợp với các liên ngành có liên quan, các địa phương đẩy mạnh sưu tầm, phát hiện, tập hợp các cây con, cây làm thuốc, quy hoạch bảo tồn gen các cây con làm thuốc, đặc biệt những cây con quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về y dược cổ truyền, tập trung hợp tác trong các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật và học tập kinh nghiệm các nước có nền y dược cổ truyền phát triển.