Test nhanh Covid-19 lúc nào để tránh lãng phí?

Thứ hai - 07/03/2022 22:56 1.463 0

Độ chính xác của test nhanh phụ thuộc lớn vào thời điểm thực hiện, theo TS. BS Trần Nam Trung, chuyên gia Dịch tễ học tại Mỹ.

Hiện nay, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, khiến nhiều người dân lo lắng. Nhiều người ngày nào cũng mua kit test nhanh để xét nghiệm hoặc không tin kết quả test nhanh lại làm xét nghiệm RT-PCR.

Các chuyên gia khẳng định việc này không cần thiết và gây lãng phí. Theo TS. BS Trần Nam Trung - chuyên gia Dịch tễ học sống và làm việc tại Mỹ, test nhanh tìm kháng nguyên virus (một loại protein của virus, khác với PCR là tìm RNA của virus). Nồng độ virus càng cao thì test nhanh càng dễ phát hiện nhiễm (dương tính), nhất là lúc có triệu chứng. Nếu mới nhiễm virus, chưa đủ thời gian cho virus nhân lên đủ tới ngưỡng test phát hiện được thì vẫn âm tính. Do vậy, thời điểm test rất quan trọng.

"Độ nhạy của test nhanh phụ thuộc vào nồng độ virus, nhưng nói chung là kém nhạy hơn PCR. Ước tính khoảng 1/5 các test âm tính là âm tính giả (nhiễm nhưng test không phát hiện được). Test nhanh thường có độ đặc hiệu cao. Nói cách khác, nếu test nhanh dương tính thì nhiều khả năng đúng là đã nhiễm covid. Nếu âm tính thì chưa chắc", bác sĩ chia sẻ.

T.S Trần Nam Trung cũng đưa ra 3 trường hợp khuyến nghị thời điểm cần test nhanh:

Một là, nếu có triệu chứng (bất kể đã tiêm vaccine hoặc từng nhiễm Covid hay chưa) thì nên làm test nhanh (hoặc PCR) luôn. Dương tính dù là vạch mờ cũng khá chắc chắn là đã nhiễm, không cần làm PCR khẳng định, trừ phi cần chứng nhận F0. Nếu nghi ngờ thì đợi vài tiếng hoặc hôm sau làm lại một test nhanh khác hoặc có thể làm PCR để khẳng định.

Hai là, nếu tiếp xúc F0 và không có triệu chứng: đợi tới ngày thứ 4 tới thứ 6 sau tiếp xúc mới nên test. Không nên test hàng ngày bắt đầu ngay hôm mới tiếp xúc.

Ba là, người sắp tham gia tụ tập chỗ đông người, đi làm, thăm người ốm/già, suy giảm miễn dịch... Kết quả test nhanh có thể thay đổi nhanh chóng. Âm tính chỉ có giá trị trong 12 giờ. Nếu làm test nhanh vì mục đích này thì nên làm gần lúc sắp tụ tập.

Ngoài ra, nhiều người sau khi mắc Covid-19 cũng nghĩ đến việc test PCR để làm "bằng chứng" có thể tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, theo chuyên gia, PCR rất nhạy và có thể phát hiện mảnh RNA của virus tới 3 tháng sau nhiễm, nhưng không có bằng chứng lây, nên không cần làm PCR để khẳng định không lây mới cho tái hòa nhập. Test nhanh có âm tính giả nên nếu dùng test nhanh thì làm 2 test âm tính liên tiếp sẽ giảm mức độ âm tính giả. Quyết định tái hòa nhập dựa vào triệu chứng, thời gian từ lúc dương tính/triệu chứng, và mức độ Covid thể nhẹ, vừa, hay nặng, chứ không đơn giản chỉ là test nhanh âm tính.

"Tóm lại, không phải ai cũng cần làm test nhanh. Nếu cần thì cũng không nên làm hàng ngày khi chưa có triệu chứng vì nó ít giá trị", bác sĩ Trần Nam Trung khẳng định.

Đồng tình với ý kiến này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, khẳng định, không cần test nhanh "vô tội vạ" mỗi ngày. Bác sĩ cũng không khuyến khích việc test nhanh mẫu gộp tại nhà. Với các F0 điều trị tại nhà, nếu không phải nhập viện, tải lượng virus cũng như kết quả test nhanh sẽ có dạng như hình mình họa dưới đây.


Bảng theo dõi diễn biến bệnh Covid-19 và tải lượng virus SARS-CoV2. Ảnh: Medicon

Bác sĩ Hoàng hướng dẫn cách test cụ thể như sau:

+ Nếu có các dấu hiệu như cảm cúm tầm này, nhiều khả năng bạn đã nhiễm SARS-CoV2, cần lập tức tự cách ly ngay, nhưng chưa nên test vội. Ta gọi ngày này là ngày D.
+ Một ngày sau khi có các dấu hiệu cảm cúm (D+1), nếu test 2 vạch, bạn đã nhiễm SARS-CoV2. Đối chiếu với bảng trên để tự đánh giá mình đang ở ngày thứ bao nhiêu. Nếu test 1 vạch, ngày hôm sau (D+2) nên test thêm lần nữa. Nếu ngày (D+2) test âm tính, bạn đợi thêm 2 ngày (D+4) rồi tiếp tục test. Nếu vẫn âm tính thì có thể tạm yên tâm.
+ Nếu dương tính ngày (D+1), bạn ước tính ngày P5 của mình theo hướng dẫn trong hình. Đến ngày P5, chưa cần test vội. Ngày (P5+1), bạn test. Nếu âm tính chúc mừng bạn. Nếu vẫn còn vạch T mờ, 2-3 ngày sau test lại lần nữa. Sau khi test lại mà vẫn còn vạch T mờ, bạn cũng không nên quá lo lắng, vì đến ngày này nguy cơ lây cho người khác rất thấp.

"Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế cho biết, nếu bạn tiêm đủ vaccine, không phải nhập viện thì sau 10 ngày (14 ngày nếu chưa tiêm đủ vaccine), bất kể còn vạch mờ hay không, bạn không cần phải cách ly nữa. Như vậy, nếu biết cách tiết kiệm, mỗi F0 chỉ tốn 2-3 que test nhanh. PCR cũng không quá cần thiết nữa, đo SpO2 thường xuyên quan trọng hơn", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Tác giả: Nguồn: VNE

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1618-CV/BTGTU

Đề nghị cung cấp báo giá mua sắm máy tinh xách tay

lượt xem: 13 | lượt tải:2

1587-CV/BTGTU

Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024

lượt xem: 210 | lượt tải:58

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 316 | lượt tải:96
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập271
  • Hôm nay29,984
  • Tổng lượt truy cập15,259,124
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây