Bình Phước: Nhiều giải pháp để ngành điều giữ vị trí số 1 thế giới

Thứ năm - 28/12/2023 21:46 474 0
Nhắc đến hạt điều là nghĩ ngay đến Bình Phước, đến Việt Nam. Hạt điều Việt Nam là thương hiệu mà các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu trong nước đã dày công xây dựng thành ngôi vương trên thị trường quốc tế suốt 17 năm qua (từ 2006). Tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp điều nói riêng và ngành điều nói chung đang đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.
Để nâng cao giá trị ngành hàng trong top 4 mặt hàng nông sản thuộc ngành nông nghiệp (cùng với rau quả, gạo và cà phê, có kim ngạch xuất khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên trong nửa đầu năm 2023) này. Tỉnh Bình Phước – thủ phủ của cây điều Việt Nam - đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ, góp phần để Việt Nam giữ vững vị trí số 1 thế giới về chất lượng và năng lực xuất khẩu.

Thực trạng
 
Nông dân huyện Bù Gia Mập thu hoạch điều
 
Đề cập đến thực trạng của ngành điều tỉnh Bình Phước hiện nay, các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp đã chỉ ra một số vấn đề như: Dù đã nghiên cứu và bình tuyển được một số giống điều có năng suất nhưng vẫn chưa có những giống cho năng suất cao và ổn định, thích ứng với nhiều vùng sinh thái. Hiện nay, dù Bộ NN-PTNT đã ban hành các quy trình kỹ thuật, thâm canh vườn điều nhưng thực tế chưa được áp dụng đồng bộ trên các vườn điều, diện tích trồng điều còn phân tán, không tập trung, chưa tạo được vùng nguyên liệu đủ lớn để hình thành chuỗi giá trị cung ứng điều. Ngoài ra, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, sâu bệnh gây hại điều phát triển đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng điều.
 
Sản xuất cây điều giống năng suất, chất lượng cao ở TP Đồng Xoài
 
Bên cạnh đó, việc quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” còn gặp nhiều khó khăn; vẫn còn tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý hạt điều, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn “Hạt điều Bình Phước”. Việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hạt điều hiệu quả chưa cao, chưa hình thành được chuỗi giá trị ngành điều. Đặc biệt hiện nay ngành điều trong nước đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt của sản phẩm điều nhập từ nước ngoài như: Campuchia, Ấn Độ, các nước châu Phi cũng là những trở ngại. Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước cho biết: “Vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc giảm nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ châu Phi. Do dó, ngành điều đang chịu sự cạnh tranh khá lớn từ các nước khác. Trong chuỗi giá trị điều toàn cầu, Việt Nam mới chỉ chiếm 30% chuỗi giá trị ngành điều, giá trị còn lại thuộc về nhà phân phối, rang chiên quốc tế”.
 
Nhiều diện tích điều tạp ở tỉnh Bình Phước được cải tạo, tái canh, trồng mới bằng giống có năng suất cao
 
Trong khi đó, theo các chuyên gia, mặc dù là nước xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu điều thô, còn hạn chế trong chế biến sâu. Hiệu quả sản xuất thấp, thu nhập từ điều chưa cao, giá trị gia tăng thấp, nhiều diện tích điều bị thoái hóa hoặc chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái... hoặc chuyển sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp. Sản lượng điều trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Nguồn điều nhập khẩu chủ yếu từ Campuchia, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà… Các cơ sở chế biến điều chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; chưa hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với cơ sở trồng điều nên nguồn nguyên liệu chưa ổn định. Ngoài ra, còn nhiều cơ sở chế biến điều quy mô siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế; khi cơ chế, thị trường thay đổi rất dễ bị thua lỗ.

Giải pháp
 
Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước hướng dẫn nông dân huyện Bù Đăng chăm sóc vườn điều để đạt năng suất cao
 
Theo UBND tỉnh Bình Phước, để ngành điều phát triển bền vững trong thời gian tới, tỉnh đã đề ra các giải pháp. Cụ thể, đối với giống điều tiếp tục nghiên cứu, tuyển chọn để có được giống điều cho năng suất cao, ổn định, phù hợp với nhiều vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và quản lý vườn điều giống đầu dòng chất lượng cao tại các đơn vị nghiên cứu và các địa phương; tổ chức nhân giống điều ghép đạt chất lượng, cung cấp đủ cho nông hộ và trang trại trồng điều. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật chuyên sâu về sản xuất điều cho cán bộ khuyến nông và người dân, hỗ trợ công tác khuyến nông để đẩy mạnh việc cải tạo, tái canh vườn điều, hướng sản xuất theo các tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng.
 
Sản xuất, chế biến hạt điều tại Công ty cổ phần Hà Mỵ, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú
 
Bên cạnh đó, chú trọng quản lý chất lượng giống điều; hướng dẫn các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh giống điều theo đúng quy định pháp luật; sử dụng giống điều ghép có năng suất, chất lượng cao để trồng tái canh, trồng mới. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình canh tác và thâm canh điều. Cải tạo vườn điều tạp, tái canh, trồng mới bằng giống có năng suất đạt từ 2,5 tấn/ha trở lên; diện tích trồng xen, chăn nuôi dưới tán điều đạt ít nhất 10.000ha; ổn định công suất thiết kế của mạng lưới chế biến hiện có là 500 ngàn tấn/năm; chế biến sâu nhân điều đạt 10 ngàn tấn/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 800 triệu USD. Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng thương hiệu sản phẩm điều Bình Phước theo Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15-4-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
 
Sản xuất, chế biến hạt điều tại Công ty cổ phần Hà Mỵ, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú
 
Song song đó, đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ chế biến điều, nhất là các công nghệ chế biến sâu từ điều, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng điều. Có cơ chế kiểm soát chặt quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm và chất lượng. Song song đó, không ngừng đẩy mạnh việc đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm và từng bước xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn “Hạt điều Bình Phước” trên thị trường. Cần đầu tư cho nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị điều. Phải có những phương thức quảng bá năng động, sáng tạo để nhanh chóng đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước và thế giới. Tận dụng tối đa giá trị gia tăng từ vỏ hạt điều bằng cách chế biến sâu dầu điều ra dầu sinh học thay thế dầu diezen, nhựa sinh học từ dầu vỏ hạt điều để thay thế nhiên liệu hóa thạch.

 
Bình Phước là thủ phủ của cây điều Việt Nam với hơn 152.000ha, sản lượng 170.000 tấn/năm, chiếm gần 50% diện tích và sản lượng điều cả nước. Bình Phước là nơi sản xuất, kinh doanh điều sôi động nhất cả nước với hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều quy mô nhỏ và vừa, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động. Tỉnh cũng được xem là trung tâm chế biến điều số 1 thế giới, với công suất 500.000 tấn điều thô/năm.




 

Tác giả: Thanh Trúc

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

112-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (01/5/1904-01/5/2024)

lượt xem: 187 | lượt tải:112

111-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024)

lượt xem: 426 | lượt tải:318

109-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975-23/3/2024)

lượt xem: 286 | lượt tải:129
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay11,513
  • Tổng lượt truy cập9,218,285
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây