Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với lớp lớp thanh niên khắp mọi miền đất nước, ông Phạm Thanh Côn (SN1944) sẵn sàng gác tình riêng lên đường cầm súng chiến đấu giành độc lập cho dân tộc. Hơn 10 năm chinh chiến trên khắp chiến trường từ Bắc vào Nam, ông luôn được giao nhiệm vụ ở đơn vị pháo. Trong những năm tháng khốc liệt ấy, ông Côn không quên được hành trình kéo pháo từ Đắk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum) về tiếp quản Hóc Môn (Sài Gòn).
Ông Côn chia sẻ: Là lính pháo binh, chúng tôi có nhiệm vụ canh giữ trên không, yểm trợ bảo vệ lực lượng chủ lực bộ binh và các lực lượng khác tránh máy bay, pháo kẻ thù từ trên dội xuống. Chính những kinh nghiệm từng là pháo thủ 100mm, pháo 14,5mm, 37mm ở các mặt trận từ Bắc vào Nam… đã cho tôi nhiều bài học, kinh nghiệm để vượt chặng đường khó trong hành trình tiếp quản Sài Gòn sau này. Tôi vẫn còn nhớ, sau những chiến thắng ở các trận đánh trong Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, năm 1974, khi nhận nhiệm vụ kéo pháo 37mm bảo vệ lực lượng dọc đường 14 từ Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk về Đồng Xoài, Bình Dương, Tây Ninh, Sài Gòn, mỗi một chặng đường chỉ được họp mặt với đơn vị 1 lần và chỉ nghe lệnh cấp trên qua bộ đàm. Chấp hành mệnh lệnh cấp trên: “Đồng chí phải đến vị trí này trước giờ này và phải hoàn thành nhiệm vụ”, trong suốt chặng đường đó, dù máy bay địch liên tục đánh xuống, anh em pháo cao xạ vẫn hành quân. Để thuận lợi vượt qua tai mắt của địch, trước khi anh em trung đội pháo chuẩn bị cơ động đều ngụy trang pháo theo màu xanh của lá cây rừng, kéo đi trong những con đường rừng dưới sự hướng dẫn của bộ phận trinh sát. Điểm cuối, vào những ngày cuối tháng 4-1975, sau khi đánh xong ở núi Bà Đen (Tây Ninh), chúng tôi có lệnh tiến về Hóc Môn (Sài Gòn) thì hay tin tướng Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Ở trận địa nào chiến sĩ trung đội pháo cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chúng tôi nhận nhiệm vụ, chưa biết khi nào sẽ chiến thắng nhưng mọi người đều chung lòng vì Tổ quốc, không ngại gian khổ, hy sinh, chỉ mong sao hoàn thành nhiệm vụ. Trong hành trình tiến về Sài Gòn, khi trung đội pháo đi qua Đắk Tô (Kon Tum), thế và lực của quân ta như chẻ tre. Càng tiến về Đồng Xoài, Bình Dương chiến sự càng mạnh. Đến 1-2 ngày cuối tháng tư, tiếng súng của địch đã thưa thớt. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở núi Bà Đen, chúng tôi được lệnh tiến về Sài Gòn, khi đến Hóc Môn thì nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, tin thắng trận vang dội, niềm vui vỡ òa. |
Ông Phạm Thanh Côn, cựu chiến binh xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập |
Ông Côn là một trong hàng triệu người Việt Nam đã sẵn sàng lên đường vì khát vọng hòa bình, vì nền độc lập dân tộc. Theo thống kê, riêng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, toàn lực lượng ta đã có hơn 250 ngàn quân chủ lực, 20 ngàn quân địa phương và du kích; 180 ngàn dân công phục vụ hậu cần; được trang bị 265 xe tăng, 127 xe thiết giáp, 241 pháo xe kéo, 88 pháo mang vác, hơn 400 pháo cao xạ… Với sức mạnh tổng hợp, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm nên đại thắng, đưa non sông thu về một mối. Đất nước độc lập, hòa bình lập lại, nhân dân ta bắt tay tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Qua đau thương mới cảm nhận hết giá trị hòa bình
Tham gia kháng chiến chống Mỹ với một thời chinh chiến ở chiến trường Quảng Trị ác liệt, không chỉ mang thương tật trong người, ông Võ Chính ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp còn bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và để lại di chứng cho các con. Hiện nay, trong 6 người con còn sống, người con trai út đã 35 tuổi vẫn cứ ngô nghê như một đứa trẻ. Ông Chính đau xót: Lúc mình tham gia chiến đấu chỉ biết xả thân vì hòa bình độc lập, không nghĩ đến hậu quả tai hại kéo dài đến hôm nay. Hậu quả chiến tranh để lại thật khủng khiếp! Cho nên những ai đang sống trong hòa bình hôm nay cần phải trân trọng và gìn giữ.
Ở Bình Phước, qua khảo sát có hơn 4.000 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, đang được hưởng chế độ 1.098 nạn nhân. Chiến tranh hóa học đã hủy hoại sự sống và để lại di chứng lâu dài cho môi trường và con người. |
Cũng mang nỗi đau từ chiến tranh, gia đình cựu chiến binh Vũ Văn Diệm ở TP. Đồng Xoài đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt của anh trai. Ông nghẹn ngào: “Cũng như nhiều gia đình Việt Nam, gia đình tôi có 2 anh là liệt sĩ, nhưng chỉ có một anh tìm được hài cốt. Vết thương ấy, nỗi đau ấy không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai khi thấy nước mắt mẹ tôi mãi rơi mỗi lần nhìn lên di ảnh. Cũng chính vì chứng kiến nỗi đau, mất mát của gia đình, dân tộc, chúng tôi càng trân quý những giá trị của hòa bình, độc lập hôm nay”.
Nếu như về vật chất chúng ta có thể thống kê thiệt hại nhưng tinh thần thì không. Thế mới thấy không ai có thể đo, đếm hết những tổn thất do chiến tranh gây ra. Do đó, được chứng kiến thời khắc quan trọng của đất nước - ngày 30-4-1975 lịch sử luôn là một ký ức không thể nào quên. “Giờ phút nghe thông báo trên truyền thanh miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi và mọi người dân đều vỡ òa trong niềm sung sướng, hạnh phúc vô biên. Lúc ấy từ chỉ huy đến chiến sĩ trong đơn vị và người dân cứ gặp nhau là tay bắt mặt mừng nói tin đại thắng. Niềm hân hoan khắp cả hai miền Nam - Bắc” - ông Vũ Văn Diệm nhớ lại.
Dù trong điều kiện nào, khó khăn, gian khổ hay đứng trước nguy cơ chiến tranh, hoặc những vấn đề xung đột khu vực thì nhân dân Việt Nam vẫn luôn khát vọng hòa bình và làm mọi cách để đạt được hòa bình. |
Ông Vũ Văn Diệm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Đồng Xoài |
Niềm vui giải phóng cũng được ông Phạm Thanh Côn miêu tả: “Khi chúng tôi mới tiến đến Hóc Môn thì nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn giải phóng. Anh em vui mừng phấn khởi reo hò, có một số anh em sung sướng nhảy từ trên đỉnh xe cao 2m xuống đất, một số cầm súng bắn chỉ thiên… Bởi khát khao hòa bình, độc lập đã lâu, giây phút 30-4 ấy chúng tôi không bao giờ quên.
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc