Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Bình Phước tiếp tục phát huy giá trị lịch sử của chiến thắng 30/4 hào hùng

Chủ nhật - 01/05/2022 19:56 1.383 0
Tiếp nối truyền thống anh hùng vẻ vang trong đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Bình Phước phát huy mạnh mẽ ý chí cách mạng, thần tốc, vĩ đại của Chiến thắng 30/4, cùng đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách, ra sức phấn đấu, thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những ngày này cách đây 47 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc, đánh dấu mốc son chói lọi, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho đất nước.

Cả nước ra quân với tinh thần "đi nhanh đến, đánh nhanh thắng"

Cách đây 47 năm, vào cuối năm 1974, đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khẳng định "Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam và hạ quyết tâm tập trung lực lượng giải phóng xong trước mùa mưa. Lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định và đặt tên cho chiến dịch là chiến dịch Hồ Chí Minh. Cả nước ra quân với tinh thần "đi nhanh đến, đánh nhanh thắng", tư tưởng chỉ đạo là thần tốc, táo bạo, bất ngờ và chắc thắng". Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân - dân đồng lòng, đúng 10h45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng ta tiến thẳng vào dinh Độc Lập, bắt sống ngụy quyền, tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện; 11h30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc phủ tổng thống Ngụy báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng.
 

Đại thắng mùa xuân 1975 đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc; chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên CNXH.

Bình Phước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), nhưng Mỹ không chịu từ bỏ âm mưu duy trì chế độ thực dân mới, chia cắt lâu dài nước ta. Mỹ tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự, chỉ huy chính quyền Sài Gòn ra sức củng cố ngụy quân, ngụy quyền, liên tiếp mở các cuộc hành quân "Tràn ngập lãnh thổ" lấn chiếm vùng giải phóng.

Trước âm mưu và hành động mới của Mỹ - ngụy, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7/1973) xác định: Con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng, bất kể tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, chỉ đạo linh hoạt, kiên quyết đấu tranh trên 3 mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao tiến lên giành toàn thắng.
 
Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Lộc Ninh, ngày 7/4/1972

Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, Đảng bộ, quân và dân Bình Phước với ý chí kiên cường, vượt qua mọi khó khăn thứ thách, đã kiên trì bám trụ, chiến đấu đách địch càn quét, lấn chiếm giành dân, giữ vững lực lượng, giữ vững địa bàn, phát triển căn cứ địa dọc khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Cùng lực lượng chủ lực của Miền, của Khu tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, đánh địch ở Lộc Ninh, An Lộc, Chơn Thành, Bù Đốp, giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh ngày 7/4/1972, tạo địa bàn cho việc xây dựng thủ phủ Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam (tại thị trấn Lộc Ninh), căn cứ Bộ Tư lệnh các lực lượng giải phóng miền Nam (Tà Thiết - Lộc Ninh). Đặc biệt trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13/12/1974 - 6/1/1975) tấn công giải phóng tiểu khu - tỉnh lỵ Phước Long và làm chủ hoàn toàn một tỉnh, nối thêm hành lang chiến lược từ Tây Nguyên vào Đông Nam bộ, tạo bàn đạp tấn công giải phóng Sài Gòn từ phía Bắc, đồng thời là đòn "trinh sát chiến lược", thăm dò phản ứng của Mỹ trước sự thất bại của quân ngụy Sài Gòn, củng cố quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh thực dân mới của Mỹ bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Ngày 20 tháng 3 năm 1975, theo chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước tạm dừng việc hành quân ra giải phóng Gia Nghĩa (nhiệm vụ đã giao ban đầu) và cấp tốc quay lại, từ hướng Bù Đốp, hành quân xuống bao vây Bình Long để lực lượng Bình Long xuống bao vây Chơn Thành. 20 giờ ngày 23 tháng 3 năm 1975, nhận được thông báo của Miền về việc trong đêm địch ở Bình Long rút chạy xuống Chơn Thành để tiếp tục xuống Lai Khê, Tỉnh ủy đưa đại đội địa phương huyện Chơn Thành tổ chức bao vây phía Nam, nghi binh là trung đoàn để cầm chân địch.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Phước Long (06/01/1975)

Được tin giặc bỏ chạy, lực lượng vũ trang huyện Bình Long kết hợp với một trung đoàn của Sư đoàn 341 cùng lực lượng của Sư 9 tiến hành truy kích sau đó bao vây chi khu Chơn Thành. Trưa 24/3/1975 lực lượng tỉnh phối hợp lực lượng Quân đoàn 4 đánh Chơn Thành. Trước tiên quân ta đánh vào các chốt bảo an ở ấp Chơn Thành, Ngọc Lầu, sau đó tiến vào phía Bắc chi khu. Ở phía Đông, ta bắn kìm chân lực lượng biệt động quân đóng ở vườn cao su ngã tư Chơn Thành.

Các cánh quân của ta tiến công mãnh liệt, song hỏa lực của địch mạnh, lực lượng bố phòng dày đặc, địch đã phản kích dữ dội. Pháo từ chi khu, từ tòa hành chính liên tiếp bắn vào đội hình ta, gây cho ta nhiều tổn thất. Mặc dù nhiều chiến sĩ của ta hy sinh nhưng các lực lượng vẫn quyết tâm giải phóng bằng được chi khu. Lực lượng đặc công của tỉnh chỉ huy đã nhanh chóng tìm cách khắc phục những bất lợi về địa hình ở phía Tây, tiêu diệt trận địa pháo của liên đoàn biệt động quân bên cạnh Tòa hành chính, sau đó phối hợp với cánh quân phía Tây từ Nha Bích lên, phá cổng chi khu, mở đường cho quân chủ lực và bộ đội tỉnh đánh vào. Ngày 31/3/1975 ta tiếp tục tăng cường thêm lực lượng mở đợt tấn công vào chi khu Chơn Thành, đến sáng ngày 2/4/1975 địch tháo chạy. Được nhân dân địa phương giúp đỡ, ta tiếp tục truy quét, bắt thêm một số tên địch và một số khác lần lượt ra đầu thú. Chiều ngày 2/4/1975 Chơn Thành được giải phóng.

 
Đồng chí Trần Văn Trà triển khai kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Nguồn ảnh: Bảo tàng Bình Phước

Chiến thắng Phước Long, Chơn Thành và toàn tỉnh Bình Phước đã phá vỡ một trong những tuyến phòng ngự kiên cố của địch ở phía Tây Bắc Sài Gòn, bảo đảm cho các quân đoàn chủ lực hành quân vào vị trí tập kết lực lượng và chiếm lĩnh bàn đạp tấn công Sài Gòn.

Đầu tháng 4/1975, tỉnh Bình Phước được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ các địa phương và chính quyền cách mạng tiếp quản, thu gom vũ khí, truy quét tàn binh, ổn định đời sống nhân dân và động viên nhân dân tình nguyện di dân công phục vụ tiền tuyến, tòng quân giết giặc. Ở Bình Long, Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đốp đông đảo thanh niên đã tích cực tham gia du kích, bộ đội chủ lực. Toàn tỉnh có hơn 2.000 đồng bào tình nguyện đi dân công. Những ngày này các nơi trong tỉnh luôn sẵn sàng cùng cả nước bước vào chiến dịch lịch sử, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trong những ngày tháng 4/1975, tại căn cứ Tà Thiết thuộc sóc Tà Thiết xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh (cách thị trấn Lộc Ninh 17 km, cách thị xã An Lộc-  Bình Long 30 km). Tại đây, đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, chỉ đạo hoạt động của các lực lượng nhằm tập trung sức mạnh tổng hợp thực hiện mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 7/4/1975, tại Hội trường giao ban của Bộ tư lệnh Miền, đồng chí Phạm Hùng đã chủ trì cuộc họp quan trọng giữa đoàn cán bộ của Bộ tham mưu với Trung ương Cục và Quân ủy Miền, đánh giá toàn bộ tình hình, đồng thời quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị ngày 1 tháng 4 về quyết tâm và phương án giải phóng Sài Gòn với phương châm: "Phải thần tốc, thần tốc toàn thắng, nhất định toàn thắng".

Ngày 8/4/1975, tại Tà Thiết, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị, phổ biến tinh thần nghị quyết của Đảng về việc thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Bộ chỉ huy do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm chính ủy. Các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn và Đinh Đức Thiện làm Phó tư lệnh. Sở chỉ huy đóng tại Tà Thiết. Tháng 4/1974, Tư lệnh các quân đoàn 1 và 3 đã trực tiếp đến sở chỉ huy chiến dịch Tà Thiết nhận nhiệm vụ.

Căn cứ Tà Thiết bước vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh với không khí khẩn trương, nhộn nhịp. Cán bộ các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần làm việc nghiêm túc, khẩn trương. Chuông điện thoại đổ hồi ở các văn phòng.

Ngày 14/4/1975, để có một tên gọi xứng đáng với một chiến dịch lớn nhất, có ý nghĩa nhất, kết thúc cuộc chiến tranh dài 21 năm chống đế quốc Mỹ, Bộ chỉ huy chiến dịch đề nghị và Bộ Chính trị quyết định đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Một bộ phận của Bộ chỉ huy chiến dịch - Bộ chỉ huy tiền phương rời Tà Thiết về đóng chỉ huy sở tại Cămxe (Bến Cát). Sở chỉ huy cơ bản vẫn đóng tại Tà Thiết để giải quyết toàn bộ tình hình và chiến trường chung. Để thực hiện thành công Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ tư lệnh 559 chuyển lực lượng và phương tiện vận tải từ Tây sang Đông, từ tuyến Tây Trường Sơn sang quốc lộ 1. Cùng với lực lượng vận tải chiến lược, lực lượng vận tải chiến dịch do Bộ Tư lệnh Miền, các quân đoàn kết hợp với quân dân Bình Phước đã tranh thủ thời gian huy động hết khả năng phương tiện của đơn vị và nhân dân để bảo đảm yêu cầu vận chuyển vật chất và cơ động bộ đội. Với 1.468 xe chở toàn bộ Quân đoàn 3 vào Lộc Ninh và vận chuyển 6.000 tấn vũ khí vào Đồng Xoài. Song song với các tuyến vận tải, quân dân ta mở cuộc tiến công quy mô lớn từ 5 hướng đánh vào Sài Gòn. Trên đường tiến quân, bộ đội ta lần lượt đập tan các tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, hỗ trợ lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương giải phóng các tỉnh xung quanh Sài Gòn.

Từ ngày 2/4/1975, Bình Phước sạch bóng quân thù. Quân dân Bình Phước ra sức ổn định tình hình, xây dựng và bảo vệ vùng mới giải phóng, tham gia phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần vào thắng lợi vĩ đại ngày 30 tháng 4 năm 1975 giải phóng miền Nam, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Phát huy tinh thần cách mạng tiến công, khơi dậy khát vọng phát triển Bình Phước ở tầm cao mới

Sau đại thắng mùa xuân 1975, Bình Phước cùng cả nước bước vào công cuộc xây dựng CNXH. Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng trong chiến tranh vệ quốc, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức xây dựng Bình Phước ổn định và từng bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc được nâng lên rõ rệt, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. 

Khi tái lập tỉnh, quy mô nền kinh tế của Bình Phước chỉ đạt 1.254 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên gấp 62 lần (77.838 tỷ đồng); tốc độ tăng trưởng GRDP trong 25 năm qua đạt 8,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng/ người/ năm, tăng gấp 29 lần so với thời điểm tái lập tỉnh. 
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo tỉnh trong chuyến thăm, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bình Phước (trong ảnh kiểm tra công tác thực hiện mục tiêu kép tại một nhà máy trong KCN Đồng Phú ngày 5/8/2021).

Cơ cấu kinh tế có bước chuyển biến mạnh mẽ, trong đó, chuyển dịch mạnh về công nghiệp-xây dựng-dịch vụ. Thu ngân sách của tỉnh năm 2021 được hơn 13.600 tỷ đồng, tăng gần 80 lần so với năm 1997; kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, từ 33 triệu USD (năm 1997) lên 3,5 tỷ USD (năm 2021). Nhờ có những bước phát triển hạ tầng đồng bộ và có tính kết nối, thu hút đầu tư của Bình Phước cũng tăng mạnh, nhất là nguồn vốn FDI.

Nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước đã phát huy tiềm năng, thế mạnh để tăng tốc vươn lên. Từ chỗ toàn tỉnh không có khu công nghiệp nhưng bằng chính sách ưu đãi thông thoáng, môi trường sạch, thuận lợi cho các nhà đầu tư, đến nay Bình Phước đã có 15 khu công nghiệp (trong đó có 2 khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích 6.061 ha. Tỷ lệ lấp đầy 71,5%, có 8 khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Bình Phước đang là điểm đến của các nhà đầu tư uy tín trên thế giới (C.P. Thái Lan; Hayat Thổ Nhĩ Kỳ; Sung Ju - Samsung, Japfa…) và trong nước (Becamex IDC, Minh Hưng - Sikico…). 

Nhờ bứt phá về hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, có sự đồng hành sát sao của lãnh đạo tỉnh, những năm gần đây, Bình Phước là điểm đến của các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Làn sóng đầu tư vào tỉnh liên tục tăng mạnh, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 346 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 3 tỷ 579,761 triệu USD. Thu hút đầu tư trong nước cũng tăng hằng năm, đến nay toàn tỉnh có 1.190 dự án với số vốn hơn 104.124 tỷ đồng.

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả lĩnh vực. Kết quả đạt được là rất phấn khởi khi có 3 lĩnh vực Bình Phước vươn lên đứng đầu cả nước vào năm 2021, đó là: 100% dịch vụ công trực tuyến được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai, chứng thực điện tử.
 
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Leoch Battery (Việt Nam), Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước. Ảnh: Thanh Liêm

Việc chuyển đổi cơ cấu ngành trồng trọt được tỉnh quan tâm, ưu tiên tập trung trồng các loại cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh và có giá trị kinh tế cao như: cao su, điều, cà phê, hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch được chú trọng đầu tư và bước đầu có kết quả khả quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đặc biệt, một số sản phẩm như: Hạt điều Bình Phước, hồ tiêu Lộc Ninh, nhãn tiêu da bò Thanh Lương, vùng chăn nuôi bò, dê ứng dụng công nghệ cao Bình Long, Bù Đốp, đã được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý... Các mô hình hợp tác kinh tế và hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi sản xuất - chế biến đem lại hiệu quả và thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Những ai đã từng đến và đi qua Bình Phước những năm đầu tái lập tỉnh sẽ có sự so sánh ấn tượng về kết cấu hạ tầng, nhất là về hạ tầng giao thông qua 25 năm tái lập. Với những bước đi mang tính đột phá, hạ tầng giao thông đã được lãnh đạo tỉnh trong các nhiệm kỳ đặc biệt quan tâm, chú trọng, linh hoạt thực hiện phù hợp với điều kiện Bình Phước, hạ tầng giao thông đi trước một bước. Qua đó đã tạo được hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối giữa Tây nguyên với các tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh và kết nối TP. Hồ Chí Minh đến các nước Campuchia, Lào, Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và giữa các địa phương trong tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế.
  1. Bình Phước đã xác định tầm nhìn, mục tiêu sáng rõ, có khát vọng và nỗ lực vươn lên; với sự đồng lòng, quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhất định sẽ thành công
Song song với phát triển kinh tế, Bình Phước cũng chú trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Từng được coi là địa phương có nhiều hạn chế về giáo dục - đào tạo những năm đầu tái lập, đến nay Bình Phước đã vươn lên, là một trong những tỉnh có thương hiệu về giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Bình quân mỗi năm, tỉnh giảm 1,3% hộ nghèo (riêng năm 2021, dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng toàn tỉnh vẫn giảm được 2.000 hộ nghèo). Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách về tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện tốt. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Mối quan hệ đối ngoại rộng mở, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Thiết thực kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Bình Phước tiếp tục phát huy giá trị lịch sử của chiến thắng 30/4 hào hùng. Bằng sự đoàn kết, bản lĩnh, sự chung sức, chung lòng của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh, đến năm 2025, Bình Phước sẽ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam bộ. Đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là điểm đến hấp dẫn, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam bộ. Đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển, giàu mạnh, văn minh.

Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để chúng ta ôn lại và tự hào về trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng; đồng thời, nhận thức sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, giá trị lịch sử của thắng lợi vĩ đại này, về công lao của Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân anh hùng và sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Phát huy tinh thần và hào khí của Chiến thắng 30/4/1975, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, hùng cường, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn./.

 

Tác giả: Gia Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

111-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024)

lượt xem: 147 | lượt tải:49

109-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975-23/3/2024)

lượt xem: 108 | lượt tải:81

05

Tài liệu chuyên đề năm 2024 học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Phước

lượt xem: 1722 | lượt tải:829
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập68
  • Hôm nay18,022
  • Tổng lượt truy cập8,252,736
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây