Những nhân vật, nhà nghiên cứu mà phóng viên TTXVN có cơ hội tiếp xúc ở các quốc gia khác nhau đều thể hiện lòng kính yêu và ngưỡng mộ chân thành đối với Bác, có mong muốn truyền tải và quảng bá tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến cho đông đảo độc giả.
Con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam được khởi nguồn bằng hành trình đi tìm “hình của nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm nghiên cứu về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang, nhà nghiên cứu người Canada gốc Việt, đã dành hơn 1/4 thế kỷ để sưu tầm, khảo cứu và viết sách về Người, góp phần bắc những nhịp cầu đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Bà đã cho ra đời nhiều cuốn sách về Bác như “Hồ Chí Minh: Tâm và tài của một nhà yêu nước” (2010); “Hồ Chí Minh: Nhân văn và phát triển” (2013); “Hồ Chí Minh: Các tác phẩm chọn lọc về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới”.
Năm 2021, Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang giới thiệu cuốn “Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc”, gồm 13 bài trong tác phẩm “Chủng tộc da đen” và 7 bài viết của Bác trong thời gian 1922-1924 và 1963-1966 về vấn đề phân biệt chủng tộc. Những tác phẩm này giúp bạn đọc hiểu được tầm ảnh hưởng sâu rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi cũng như phong trào chống chiến tranh và đòi quyền bình đẳng cho người gốc Phi tại Mỹ. Bà chia sẻ: “Mỗi cuốn sách ra đời đều ẩn chứa những điều tâm đắc riêng, theo chặng đường nghiên cứu của tôi và theo sự quan tâm của bạn đọc".
Đối với tác giả Bang Hyeon Seok, nhà văn Hàn Quốc nổi tiếng với các đề tài về Việt Nam và hiện đang giảng dạy tại Đại học Chungang, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thực sự nhất quán trong lời nói và hành động, là tấm gương của một lãnh tụ suốt đời cống hiến, hy sinh vì đất nước. Trong quá trình nghiên cứu, ông Bang Hyeon Seok nhận thấy rõ tư tưởng hòa bình tiến bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người luôn tìm kiếm nền hòa bình chính nghĩa cho người dân toàn thế giới và luôn cố gắng hết sức để tránh chiến tranh. Tư tưởng lớn thứ hai của Bác Hồ là tầm nhìn đón trước lịch sử để chuẩn bị lực lượng hậu bối của dân tộc.
Đặc biệt, triết lý “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ngữ nghĩa dùng sự tĩnh tại của bản thân để ứng phó với biến động của vạn vật, của thế giới xung quanh, được nhà văn Bang Hyeon-seok nhận định là triết lý luôn có giá trị ở mọi thời đại, đặc biệt trong giai đoạn thế giới nhiều biến động như hiện nay, qua đó, ông khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là lãnh tụ của thời đại.
Với mong muốn quảng bá tư tưởng Hồ Chí Minh đến với người dân Italy, dịch giả Sandra Scagliotti, hiện là Lãnh sự danh dự Việt Nam tại thành phố Turin, cũng đã dành nhiều tâm huyết với việc nghiên cứu về Bác Hồ. Bà chia sẻ luôn cảm thấy tò mò về Bác, người có nụ cười cởi mở và khí chất giản dị. Qua những bài viết của các chuyên gia, những câu chuyện kể của những người thầy, bà Scagliotti từng bước tìm hiểu chi tiết cuộc đời của Người.
Học giả Fourniau đã nhớ lại “bất cứ ai gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hoàn toàn bị chi phối bởi tính cách”, bị lôi cuốn bởi sức hút phi thường theo đúng nghĩa đen. Đây cũng chính là lý do mà bà Scagliotti đã tự đặt cho mình sứ mệnh làm cho người dân Italy biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều hơn thông qua chính những tác phẩm của Người. Đây cũng là động lực để bà cho ra đời ấn phẩm đầu tiên về Bác Hồ mang tên "Hồ Chí Minh. Tiểu sử chính trị", do NXB Harmattan Italia phát hành năm 2004. Gần đây, bà cũng đã tham gia biên tập hai tác phẩm, được chuyển ngữ trực tiếp từ tiếng Việt sang tiếng Italy, là "Hồ Chí Minh với những bức thư mong muốn hòa bình cho Việt Nam" và "Đường kách mệnh", được NXB Anteo Edizioni ở Reggio Emilia phát hành trong bộ sách Banyan/Đông Nam Á.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho tôi” - là lời tâm sự của nhà báo, tác giả Hellmut Kapfenberger, nguyên là phóng viên hãng thông tấn ADN của Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây, từng có thời gian thường trú 7 năm tại Việt Nam. Khi được cử sang công tác tại Việt Nam những năm 1970-1980, ông đã có cơ hội trực tiếp cảm nhận tình cảm, sự tôn kính của những người dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó mang tới cho ông ấn tượng hết sức sâu đậm và định hình quan điểm, tình cảm của ông về một nhà lãnh đạo thiên tài của dân tộc Việt Nam. Những cuốn sách của ông sau này cũng đã thể hiện rõ điều đó, trong đó phải kể đến tác phẩm "Hồ Chí Minh - Một biên niên sử" được ông viết từ năm 2006 và "Tiểu sử chính trị Hồ Chí Minh" được hoàn thành năm 2020. Ông chia sẻ thông qua những tác phẩm này, ông muốn miêu tả đầy đủ nhất có thể về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với “vô vàn bài học quý giá”.
Phó Tiến sĩ ngữ văn học Anatoly Sokolov của Viện Nghiên cứu Phương Đông trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga (RAS) đã có hai bài nghiên cứu “Hồ Chí Minh - nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà báo trong thời gian làm việc ở Quốc tế Cộng sản (1923-1938)" và “Các bí danh và bút danh của Hồ Chí Minh”, được Viện Nghiên cứu Phương Đông công bố năm 2021. Trong đó, ông cảm thấy vô cùng thú vị khi nghiên cứu về các bí danh và bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho thấy sự sáng tạo trong việc sử dụng ngôn ngữ cũng như những dấu ấn cuộc đời cách mạng của Bác.
Nghiên cứu đã thống kê được tổng cộng hơn 160 bí danh và bút danh của Bác trong các hoạt động cách mạng, chính trị, văn học và báo chí. Nhà nghiên cứu Sokolov phân loại các bí danh và bút danh của Hồ Chí Minh theo hai khía cạnh: thực tiễn sử dụng căn cứ theo nhiệm vụ cụ thể của hoạt động chính trị và chức năng. Đơn cử như thời kỳ khó khăn mà Bác phải đối mặt khi đi từ Paris đến nước Nga Xô Viết mùa Hè năm 1923, các bí danh của Bác có đặc điểm là gần như giấu hoàn toàn tên thật và quốc tịch, thích ứng với điều kiện chính trị cụ thể ở một quốc gia cụ thể. Vì vậy, ở Trung Quốc, Bác sử dụng những cái tên "Lý Thụy", "Hồ Quang", "Sung Man Cho", ở Moskva là "Lin", ở châu Âu là "Paul", "Victor Lebon" hay ở Thái Lan là "Thầu Chín". Chuyên gia Sokolov cũng tổng kết về những bút danh ý nghĩa trong các bài viết của Hồ Chủ tịch để khuyến khích, cổ động nhân dân hăng hái đóng góp vào sự nghiệp cách mạng. Như năm 1960, Bác Hồ đã viết hơn 20 bài báo về sự cần cù, tiết kiệm trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa trên cả nước. Phía dưới các bài báo này là bút danh "C.K.", chữ cái viết tắt của từ “cần kiệm”.
Như chia sẻ của tác giả Kapfenberger: "Tôi muốn miêu tả đầy đủ nhất có thể về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời của Người, đơn giản là để lại vô vàn bài học quý giá" - Bác đã đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách và những bài học của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục khơi nguồn cảm hứng cho các học giả, nhà nghiên cứu.
Tác giả: Phương Oanh (TTXVN)
Ý kiến bạn đọc