Nhà báo Đoàn Như Viên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước chia sẻ: Thế hệ làm báo chúng tôi không được trải qua giai đoạn hội nhập, toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, tôi cho rằng người làm báo hiện nay chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ thôi chưa đủ, mà phải ngày càng hiện đại, đổi mới và bắt nhịp nhanh hơn. Phải am hiểu, sử dụng công nghệ thành thạo; giỏi về ngoại ngữ, phong phú về vốn từ. Vốn từ không phải chỉ để thể hiện tác phẩm mà còn giúp nhà báo am hiểu các vấn đề của xã hội. Trong lĩnh vực báo chí, có ngôn ngữ trong hình ảnh, ngôn ngữ trong âm thanh, ngôn ngữ trong đồ họa… Nhà báo giỏi về ngôn ngữ, vốn từ phong phú, đa dạng sẽ có nhiều cách để thể hiện tác phẩm của mình tốt nhất.
Nhà báo Đoàn Như Viên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước
Ông Phan Minh Hoàng, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước cho rằng, đây là bài toán hết sức hóc búa đối với những người làm báo trong giai đoạn hiện nay. Bởi hiện nay mạng xã hội gần như “bao phủ” toàn diện, đòi hỏi người làm báo ngoài có cái tâm, cái tầm thì phải am hiểu về công nghệ để xử lý nhanh và chính xác nhất các vấn đề, truyền tải mọi nhịp đập, hơi thở của cuộc sống. Người làm báo, đặc biệt là giới trẻ phải biết mình đang nói gì, nói như thế nào, ai là người xem, người nghe để truyền đạt được hết các ý tưởng. Tuy nhiên, không vì thế mà vội vàng, chạy theo số lượng. Phải đảm bảo tính trung thực, đây là vấn đề cốt yếu để thu hút và giữ chân công chúng.
Nhà báo Phan Minh Hoàng, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước
“Tôi có dịp được đi nhiều nơi, kỷ niệm khiến tôi trăn trở nhất là kỹ năng tác nghiệp nhanh nhạy của một nhà báo nữ ở Washington, Mỹ. Trước một sự việc là vụ cướp ngân hàng, cô ấy gần như đảm đương tất cả công việc của một nhà báo truyền hình, một nhà báo phát thanh và làm báo điện tử. Và chỉ trong vòng 5-7 phút là đã có sản phẩm đưa về đài phát sóng. Bởi vậy, để làm truyền thông đa phương tiện, nhà báo phải học hỏi, nâng tầm hơn nữa mới có thể thích ứng tốt trong thời đại công nghệ số hiện nay”. nhà báo Phan Minh Hoàng chia sẻ.
PV: Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ra đời có làm mất đi vai trò, vị trí của người làm báo không?
Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Phan Văn Thảo, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập BPTV nhấn mạnh: Phải khẳng định chắc chắn là không thể. AI có thể giúp nhà báo rất nhiều, nhưng không thể thay thế nhà báo. Trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, AI phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành phát thanh - truyền hình khiến nhiều người sửng sốt. Đầu tiên AI làm phát thanh viên rồi xây dựng nên những clip, những câu chuyện điện ảnh mà nếu không phải người trong nghề thì khó có thể phát hiện do AI thực hiện. Điều này đặt ra vấn đề liệu AI có thể làm mọi việc thay cho nhà báo không?
Nhà báo Phan Văn Thảo, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập BPTV
Về vấn đề này, nhà báo Phan Văn Thảo cho biết, nhiều người trong ngành và nhiều chuyên gia đã khẳng định điều đó là không thể. Người làm báo có cái tâm, có cảm xúc. Đây là điều mà AI không thể có được. Hơn nữa, một bài báo hay không phải là đưa nhanh, kịp thời mà là ở chất lượng của nó, có chạm được đến trái tim công chúng không. Tuy nhiên, nói như thế không phải là phủ nhận hoàn toàn giá trị AI mang lại. Người làm báo hiện nay hoàn toàn có thể tranh thủ ứng dụng AI vào công việc chuyên môn của mình.
AI có thể giúp nhà báo tư duy mở rộng vấn đề, chuyển giọng nói thành văn bản và ngược lại; đồng thời phân tích dữ liệu, thu âm giọng nói, lược bớt các từ khóa, vẽ biểu đồ cho báo in… AI không thể thay thế công việc của nhà báo nhưng ngược lại nhà báo cần có AI.
Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bất kỳ ai, ở đâu, chỉ cần có internet và điện thoại thông minh đều có thể trở thành nhà báo - nhà báo công dân. Vì vậy, những người làm báo nếu thiếu nhạy bén và kỹ năng tiếp cận công nghệ thì rất dễ thua, ngay cả với những người làm báo trên mạng xã hội - nhà báo công dân. Trong khi chúng ta có lợi thế hơn nhà báo công dân là sự tin cậy - một cơ quan truyền thông chính thống. Chúng ta có kỹ năng, kinh nghiệm và cả nghiệp vụ. Vấn đề là mỗi nhà báo cần chủ động nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, ứng dụng công nghệ thông tin trong làm báo hiện đại.
Đại tá, nhà báo Phan Tùng Sơn, Trưởng Ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Tôi cho rằng đây là mối quan hệ tương sinh, cộng sinh, cộng hưởng. Nhà báo nên coi AI là một người bạn lớn của mình, là một phương tiện lớn và mình phải dựa vào đó để đồng hành cùng phát triển. Điều này đặt ra thách thức, đòi hỏi người làm báo phải đổi mới về tư duy, đẩy mạnh chuyển đổi số để bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ. Trong lĩnh vực báo chí, AI có thể hỗ trợ, làm thay con người rất nhiều công đoạn, tuy nhiên, AI hoặc công nghệ dù phát triển đến mức nào thì cũng đều là sản phẩm của con người chứ không phải là kẻ thù của con người.
PV: Công nghệ, mạng xã hội phát triển đặt ra những thách thức như thế nào với người làm báo?
Đại tá, nhà báo Phan Tùng Sơn chia sẻ: Chúng ta đang sống trong một “thế giới phẳng”, tất cả cơ quan báo chí, các nhà báo đều chung một sân chơi, cạnh tranh sòng phẳng, bởi vậy có những tài khoản mạng xã hội có được nguồn thu rất lớn, có những trang thu nhập hàng chục tỷ đồng, có những trang thì không… Điều này đặt ra câu hỏi: Vậy sản phẩm họ cung cấp cho thị trường, cho công chúng như thế nào để thành công? Và làm báo hiện nay cũng vậy. Thay vì làm theo nhiệm vụ, làm những gì chúng ta có, phải chuyển sang làm những gì công chúng cần và chất lượng tác phẩm báo chí vẫn là điều cốt lõi. Bởi dù tác phẩm có hình quay đẹp đến mấy, phương tiện hiện đại đến mấy, nhưng sản phẩm không chạm được đến trái tim độc giả, khán - thính giả thì sẽ không bền vững.
Đại tá, nhà báo Phan Tùng Sơn, Trưởng ban Đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP. Hồ Chí Minh
Đôi khi chúng ta cứ giật tít, làm những đề tài câu view… nhưng những điều đó vẫn không thể giúp báo chí cạnh tranh được với mạng xã hội. Bởi mạng xã hội mọi người đều có thể làm và chỉ trong tích tắc thông tin của họ đã được hòa mạng quốc tế, nhưng báo chí thì không. Để đưa được một sản phẩm phát sóng đến với công chúng phải có sự thẩm định, “nói có sách, mách có chứng”… Vì vậy, báo chí không thể đua với mạng xã hội về độ phủ sóng và nhanh nhạy được. Báo chí phải đi vào cốt lõi của nó.
Tôi tin rằng, đến một lúc nào đó, khi công chúng đã “no nê”, đã bão hòa nhu cầu về nắm bắt thông tin trên mạng xã hội sẽ tìm đến giá trị chân - thiện - mỹ, vì giá trị cốt lõi của con người là chân - thiện - mỹ nên làm báo cũng vậy, phải trung thành với điều đó. Đừng ăn xổi, đừng chạy theo những xu hướng thức thời, làm được điều này bước đi tuy chậm nhưng sẽ tiến thật chắc.
“Đừng vội thấy mạng xã hội phát triển, AI phát triển rồi hốt hoảng chạy theo nó. Hãy đặt nó bên cạnh mình để cùng bước đi song song, hòa vào nhau, cùng tạo ra mối quan hệ tương sinh, cộng sinh, cộng hưởng để phát triển” - Đại tá, nhà báo Phan Tùng Sơn chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc