Quốc hội thông qua Nghị quyết đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Thứ năm - 27/06/2024 22:00 2.272 0
Sáng nay (28/6), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.
Với 464/469 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 95,47%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết: Về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp sáng 28.6
 
Nghị quyết đề ra mục tiêu Xây dựng tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và các địa phương khác trong vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản, từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
 
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu
ý kiến đại biểu về dự thảo Nghị quyết
 
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài khoảng 128,8 km, chia thành 05 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1: đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức đối tác công tư; Dự án thành phần 2: đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Đắk Nông; Dự án thành phần 3: đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Bình Phước; Dự án thành phần 4: bồi thường, hỗ trợ tái định cư đoạn qua tỉnh Đắk Nông; Dự án thành phần 5: bồi thường, hỗ trợ tái định cư đoạn qua tỉnh Bình Phước.
 
Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả; Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.111 ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 12 ha; đất nông nghiệp khác khoảng 1.041 ha; đất ở khoảng 12 ha; đất rừng sản xuất khoảng 46 ha. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 25.540 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương là 10.536,5 tỷ đồng, trong đó: nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 là 8.770 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 1.766,5 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương là 2.233,5 tỷ đồng, trong đó: tỉnh Bình Phước là 1.233,5 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông là 1.000 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp là 12.770 tỷ đồng. Thực hiện dự án từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.
 
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tham gia biểu quyết
 
Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt như: cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện dự án đến hết năm 2026; Cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và theo hướng dẫn của Chính phủ; Cho phép trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nghị quyết giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ.
 
Đại biểu Vũ Ngọc Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước
 
Rất mừng là hôm nay tại nghị trường đa số đại biểu thống nhát rất cao việc cần thiết triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Đây là một dự án để khai thông cái nguồn lực của Tây Nguyên và vùng trọng điểm Đông Nam Bộ cũng như Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp nối vùng Tây Nam Bộ. Bên cạnh sự đồng thuận cao của Chính phủ và Quốc hội cũng như quyết tâm của hai địa phương là Bình Phước và Đắc Nông thì cũng rất cần sự đồng thuận của các ngành, các cấp, đặc biệt là khai thông những cái vướng mắc về vật liệu san lấp đang gặp khó khăn đang gặp khó khăn tại một số dự án đường cao tốc đang triển khai.

Theo Nghị quyết, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; đôn đốc kiểm tra các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng dự án; quản lý, sử dụng vốn, các nguồn lực và thực hiện các cơ chế đặc thù tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các địa phương bảo đảm nguồn vốn thực hiện dự án; khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá, nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ tổng thể các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai các dự án chồng lấn với khu vực quy hoạch khoáng sản.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết này, bảo đảm đúng mục tiêu, công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí; hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện dự án; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai dự án.

 Các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc: bảo đảm nguồn vốn theo quy định; tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; tiến độ, chất lượng dự án thành phần được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần, địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền của dự án thành phần có trách nhiệm cân đối bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án thành phần đó. Trường hợp giảm tổng mức đầu tư của dự án thành phần, ngân sách trung ương dự kiến bố trí cho dự án thành phần đó giảm tương ứng.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các y ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này./.

Tác giả: Trần Thể

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập201
  • Hôm nay31,887
  • Tổng lượt truy cập15,326,016
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây