Là đội quân đi đầu trong công tác chính trị - tư tưởng, với chức năng tuyên truyền, cổ động, tổ chức nhân dân đứng lên làm cách mạng vì độc lập, tự do, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, báo chí cách mạng đã trở thành một vũ khí cách mạng vô cùng lợi hại. Báo chí Việt Nam là bộ phận cấu thành văn hóa Việt Nam, đồng thời là phương tiện chuyển tải, truyền bá, tổ chức, giao lưu, đấu tranh trên trận địa văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Với ý nghĩa đó, báo chí là sự nghiệp của nhân dân; các nhà báo là những người được nhân dân ủy thác nhiệm vụ trực tiếp thực hiện.
Trong sự nghiệp ấy, nổi bật vai trò của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Những cống hiến của Hồ Chí Minh với tư cách là người sáng lập, tổ chức, chỉ đạo xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng như với tư cách một người trực tiếp viết báo trong gần nửa thế kỷ là rất to lớn. Di sản báo chí mà Người để lại cho đời sau là di sản của cách mạng Việt Nam, di sản của văn hóa Việt Nam.
Nắm vững lý luận và thực tiễn cách mạng, vận dụng đúng thời cơ, Nguyễn Ái Quốc sáng lập báo Thanh Niên ngay sau khi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đi đôi với việc tổ chức, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt, phát huy cao độ chức năng của tờ báo cách mạng trong thời gian 5 năm, Người đã cùng các bậc tiền bối thống nhất các lực lượng cách mạng, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Mười lăm năm sau ngày thành lập, Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Tiếp bước báo Thanh Niên, nhiều tờ báo cách mạng khác ra đời và hoạt động theo cùng một chí hướng. Báo Thanh Niên là cơ quan ngôn luận chính, chứ không phải duy nhất, do Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên lập nên. Còn có một số báo hoặc tập san, tạp chí khác như Công nông binh và tạp chí Bônsơvích của Kỳ bộ Nam Kỳ (1929), báo Đồng Thanh (1927 - 1928), sau đổi thành Thân Ái (1928 - 1929) của Chi hội của Hội ở Thái Lan, v.v… Bên cạnh đó, còn có những tờ báo và tạp chí do các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc các đoàn thể nhân dân chịu sự chỉ đạo của Đảng thành lập.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành đã lập được danh mục (chưa đầy đủ) báo chí cách mạng Việt Nam ra đời từ sau tờ Thanh niên đến tháng 8/1945, gồm 256 tên báo. Đặc biệt nở rộ là thời kỳ sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/1930) đến tháng 5/1936 (121 tên báo). Ngay trong những năm tháng khó khăn nhất sau khi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai, là thời kỳ thực dân Pháp nhân cơ hội siết chặt hơn nữa guồng máy đàn áp của chúng, cho đến tháng 8/1945, vẫn có 55 báo và tạp chí cách mạng ra đời. Trong số đó có những tờ báo do các nhà lãnh đạo của Đảng trực tiếp phụ trách, đã có tác động rất mạnh mẽ đến phong trào thời tiền khởi nghĩa, như Việt Nam độc lập (1941), Cứu quốc (1942), Cờ giải phóng (1942).
Cách mạng Tháng Tám thành công, các báo Cứu quốc, Cờ giải phóng… tiếp tục xuất bản ở thủ đô Hà Nội với thể tài phong phú, hình thức đẹp và địa bàn phát hành rộng rãi hơn. Nhiều tên báo mới ra đời ở thủ đô và một số thành phố lớn. Chỉ năm ngày sau Lễ Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), theo quyết định của Trung ương và sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ, Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945) và ít ngày sau đó là Việt Nam thông tấn xã thành lập (15/9/1945), với quy mô và nhiệm vụ của những cơ quan thông tin đại chúng quốc gia.
Trên lãnh thổ Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 “sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”, báo chí cách mạng xuất bản công khai, hợp pháp, được nhân dân cả nước nồng nhiệt chờ đón, tác động sâu sắc và có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với công luận. Báo chí cách mạng do báo Thanh Niên mở đường, dần dần tiến lên trở thành dòng chủ lưu trong nền báo chí nước nhà.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, báo chí cách mạng có bị thu hẹp ở Trung ương song ngược lại, được mở rộng trên nhiều địa bàn trong cả nước. Ngoài những báo chí là cơ quan Trung ương xuất bản và lưu hành chủ yếu ở Việt Bắc, thì ở các liên khu III, IV, V, Đông Bắc, các khu tả ngạn, sông Hồng, vùng cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đều có báo chí của mình. Một số nơi như Nam Trung Bộ và Nam Bộ thành lập được đài phát thanh. Năm 1950, Hội nhà báo Việt Nam ra đời ở Việt Bắc. Có được những thành quả ấy là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong những ngày kháng chiến gian khổ cũng như khi trong xây dựng hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo, xây dựng báo chí, đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm báo. Người khen ngợi, biểu dương những nhà báo có việc làm tốt, có tác phẩm hay cũng như phê bình, uốn nắn những thiếu sót, bất cập của báo chí. Người luôn tự nhận mình là người “có duyên nợ đối với báo chí”. Hai kỳ Đại hội toàn quốc của Hội nhà báo Việt Nam tiến hành năm 1959 và 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đến thăm và có những lời chỉ bảo sâu sắc, ân cần.
Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm xây dựng, chỉ đạo báo chí, dành cho báo chí nhiều ưu ái, Người còn trực tiếp viết báo. Hồ Chí Minh là người hoạt động báo chí suốt đời không mệt mỏi. Ngay cả trong thời gian giữ trọng trách của đất nước, nhiệm vụ nặng nề và thời gian eo hẹp, Bác Hồ vẫn viết báo đều đặn. Riêng báo Nhân dân, từ khi báo này ra số đầu tiên (năm 1951) cho đến khi Người đi xa (năm 1969), đã đăng khoảng 1.200 bài báo của Bác, trung bình mỗi năm, Người viết 60 - 70 bài. Trong nửa thế kỷ, tính từ ngày đăng bài báo đầu tiên cho đến khi qua đời, Bác Hồ đã viết không dưới 2.000 bài báo.
Các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài, khi nhìn lại sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhất trí: “Sau chiến tranh thế giới, Nguyễn Ái Quốc là nhà báo viết nhiều nhất tố cáo chế độ thực dân, bênh vực mạnh nhất quyền của các dân tộc bị áp bức giành lại nhân phẩm và tự do, hoạt động, tổ chức nhiều nhất để tập hợp, ở Pari, ở Quảng Châu, các dân tộc Á - Phi vừa mới bị (Tổng thống Mỹ) Wilson và bè lũ lừa gạt một lần nữa ở Versailles[1]. “Người là nhà báo với ý nghĩa chân chính nhất của nghề báo. Không chú ý đến tên tuổi và sự nghiệp riêng, mà chỉ quan tâm tới đích thiêng liêng và đem ngòi bút phục vụ cách mạng”[2]. “Nguyễn Ái Quốc là nhà báo Việt Nam có sự đào luyện công phu nhất, và thực tế là có thành tích cao nhất trong nghề báo chí Việt Nam. Một nhà báo quốc tế viết tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc. Một nhà báo mà những bài viết ra mẫu mực về ngôn ngữ, hùng hồn về lý luận và thức tỉnh lòng người về kết quả. Một nhà báo mà những bài viết ra thu hút sự chú ý của mọi người, bao giờ cũng mới, bao giờ cũng sát với nhu cầu trước mắt và hấp dẫn người xem”[3]. “Ngày nay đọc lại những bài của ông (đăng trên báo Pháp) vẫn thấy vô cùng hứng thú… Văn phong của Nguyễn là văn phong của một nhà luận chiến tài ba”[4], v.v…
Báo chí Việt Nam là bộ phận cấu thành văn hóa Việt Nam, đồng thời là phương tiện chuyển tải, truyền bá, tổ chức, giao lưu, đấu tranh trên trận địa văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. |
Tư duy báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ nhận thức sâu sắc về vai trò của báo chí trong sự nghiệp đấu tranh cải tạo và xây dựng xã hội, mà trọng tâm đối với nhân dân Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là đập tan xiềng xích áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do cho đất nước. Vì vậy, bất kỳ hoạt động ở đâu, Người đều quan tâm trước hết việc sáng lập báo chí và tự mình trực tiếp tham gia công việc báo chí. Sau khi đến Pháp được vài năm, Người đã là cộng tác viên của một số tờ báo lớn như L’Humanité (Nhân Đạo), LaVie Ouvrìere (Đời sống Thợ thuyền), Le Populaire (Người Bình dân)… Người tham gia sáng lập báo Le Paria và chuẩn bị cho ra mắt Việt Nam hồn. Sang Nga, Người viết cho báo chí Xôviết và báo chí của Quốc tế Cộng sản. Về Trung Quốc, Người cộng tác với báo Cứu vong Nhật báo (tiếng Trung Quốc), Canton Gazette (Báo Quảng Châu - Tiếng Anh), Hãng Thông tấn Liên Xô Rosto và sáng lập báo Thanh niên. Đến Thái Lan, Người cho ra mắt kiều bào các tờ Thân Ái, Đồng Thanh. Trở về với đất nước, Người xuất bản báo Việt Nam Độc lập… vừa giành lại được độc lập, Người cho thành lập Đài phát thanh quốc gia và Hãng thông tấn quốc gia…
Tư duy báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất quán với quan điểm của Người về văn hóa: Văn hóa là một mặt trận, một mặt trận cơ bản của xã hội. Người chỉ rõ trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần phải chú ý đến, phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Báo chí vừa là một bộ phận cấu thành văn hóa, vừa là một phương tiện thể hiện văn hóa và thực thi chính sách văn hóa. Báo chí là đội quân đi đầu trong công tác tư tưởng văn hóa. Nhà báo là chiến sĩ. Cây bút, trang giấy là vũ khí. Bài báo là tờ hịch cách mạng. Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào: thời kỳ đấu tranh bất hợp pháp, sau khi đã giành được chính quyền, trong chiến tranh cứu nước hay trong xây dựng hòa bình, báo chí cách mạng đều giữ nguyên vẹn vai trò và vị trí xung kích của nó. Xã hội phát triển, khoa học và công nghệ càng cao thì vai trò báo chí càng tiếp tục tăng lên chứ không hề suy giảm.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là cốt lõi, là vấn đề cần quan tâm trước hết. Trong thư gửi lớp học viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng (1948), Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng tới mục đích chung. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc”.
Bác Hồ khuyên bảo những người làm báo phải luôn tâm niệm điều trên. Nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Người đi thẳng vào vấn đề chính yếu: “Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phục vụ ai?”[5]. Và Người trả lời luôn: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”[6]. Đến Đại hội tiếp sau của Hội, Bác Hồ một lần nữa lại nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.
Hồ Chí Minh luôn đấu tranh cho tự do báo chí. Người coi tự do báo chí là quyền cơ bản của dân tộc, của con người. Từ những bài báo đầu tiên viết bằng tiếng Pháp, Người đã kiên trì đấu tranh đòi quyền tự do báo chí, đòi chủ nghĩa thực dân bỏ lệ kiểm duyệt, đòi các nhà cầm quyền Pháp ở Việt Nam phải thi hành đúng Luật Báo chí đã được Nghị viện Pháp thông qua năm 1881, để người Việt Nam được đứng tên xuất bản báo chí.
Như vậy không có nghĩa là Bác Hồ cho rằng ở Pháp, ở các nước tư bản, đã có đầy đủ quyền tự do báo chí. Người khẳng định: “Có người nói ở các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không có giai cấp. Nói vậy không đúng… Tất cả những báo chí ấy (báo chí tư sản) đều phục vụ lợi ích của giai cấp bóc lột. Báo chí Pháp có thật tự do không? Không! Ví dụ báo Nhân đạo thường bị bọn thống trị tìm mọi cách để phá…”[7]. Người quả quyết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi và cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”[8]. Trong tư duy báo chí của Bác Hồ, quyền tự do báo chí không chỉ là quyền của những người làm báo hay của những người có ý định làm báo, mà báo chí phải là một kênh quan trọng, một diễn đàn mở ra cho mọi người thực hiện quyền tự do tư tưởng, cùng nhau tìm ra chân lý để phục tùng chân lý. Tư duy báo chí của Hồ Chí Minh ngày nay được pháp điển hóa trong Luật báo chí bằng cụm từ báo chí là diễn đàn của nhân dân.
Hồ Chí Minh luôn nêu cao vai trò và sức mạnh của báo chí trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…của đất nước. Nhưng báo chí chỉ là phương tiện, là vũ khí của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh. Báo chí phương Tây thường sính những câu văn hoa để huyễn hoặc người khác và trước hết để tự huyễn hoặc mình. Một số nhà lý luận Âu Mỹ, xuất phát từ quan điểm pháp lý “tam quyền phân lập”: quyền lập pháp (thuộc về nghị viện), quyền hành pháp (thuộc Chính phủ) và quyền tư pháp (thuộc tòa án) tách rời nhau, đã khoác cho báo chí một cái quyền riêng biệt, gọi là quyền lực thứ tư, và coi nó độc lập, thậm chí đứng cao hơn so với ba quyền kia.
Đúng là báo chí nếu làm tốt, nếu được nhân dân chấp nhận, thì có thể có uy quyền và sức mạnh lớn. Nhưng đó là quyền lực do nhân dân ủy thác, đó là quyền lực của nhân dân. Hồ Chí Minh coi trọng và đề cao vai trò của báo chí. Người cho rằng “làm báo là quan trọng và vẻ vang”, “nhà báo là chiến sĩ”, nhưng Người thường nhấn mạnh nhiều hơn đến trách nhiệm của báo chí.
Để thể hiện đầy đủ sức mạnh của mình, báo chí phải có tính chiến đấu cao, có tính khuynh hướng rõ rệt, luôn luôn hướng về mục tiêu kiên định – mục tiêu ấy cũng chính là cái đích mà sự nghiệp cách mạng của nhân dân đang hướng tới. Do bản chất và chức năng của nó, báo chí cách mạng luôn luôn giữ vị trí tiên phong, giương cao ngọn cờ đi trước mở đường trong việc truyền bá những tư tưởng và tri thức tiến bộ. Bài báo là tờ hịch cách mạng để tuyên truyền, động viên, tổ chức quần chúng đấu tranh; phải phát huy sức sáng tạo của quần chúng, phát hiện, biểu dương, giới thiệu những gương tốt để mọi người noi theo; đồng thời chỉ ra và phê phán để khắc phục, ngăn ngừa những cái xấu.
Một vấn đề được Hồ Chí Minh quan tâm là mục đích và đối tượng của báo chí. Người nói với học viên lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng về đối tượng của tờ báo phải là đại đa số dân chúng. Một từ báo không được đại đa số ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo. Thăm Đại hội nhà báo (năm 1959), Người căn dặn: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân… cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”[9]: người làm báo chớ nên nghĩ đến chuyện “viết bài cho oai”, viết “để lưu danh thiên cổ”. Tại Đại hội tiếp sau của Hội nhà báo (1962), Người lại ân cần dặn: “Mỗi khi viết một bài báo, tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì?”.
Đạo đức báo chí, trong tư duy báo chí của Hồ Chí Minh, thể hiện trước hết ở tinh thần nhà báo là chiến sĩ. Người làm báo phải tự coi mình là chiến sĩ cách mạng, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp của nhân dân, vì độc lập, tự do cho chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ: “Những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì mọi việc khác mới đúng được”.[10]
Để làm tốt vai trò chiến sĩ của mình, người làm báo phải đấu tranh khắc phục chủ nghĩa cá nhân. Phải quan niệm “viết cũng như mọi việc khác”; làm báo là làm công tác cách mạng chứ không phải là việc gì ghê gớm lắm; viết báo không nhằm mục đích lưu danh mình lại nghìn đời về sau.
Đạo đức báo chí đòi hỏi người làm báo phải “gần gũi quần chúng”, “đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động” để viết cho thiết thực; khắc phục thói ba hoa, hình thức, bệnh sính dùng chữ nước ngoài. Nhà báo phải trung thực. Bác Hồ luôn đòi hỏi các nhà báo phải coi trọng tính chân thực của tác phẩm. Người nhiều lần nhắc nhở các nhà báo có dịp đi theo phục vụ công tác phải “thận trọng” đến từng chi tiết, từng số liệu trích dẫn trong bài. Phải giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ Việt Nam, “thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc”.
Đặc biệt, nhà báo phải “luôn luôn cố gắng học hỏi, luôn luôn cần tiến bộ”, “phải học tập không ngừng và phải luôn luôn khiêm tốn”. Nhà báo “phải có chí, chớ giấu dốt”, “không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học, thì nhất định học được”. Đồng thời “phải có ý chí tự cường, tự lập, gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn; phải vượt khó khăn, làm tròn nhiệm vụ”. Đó là con đường đúng đắn nhất để nhà báo “nâng cao trình độ văn hóa, đi sâu vào nghiệp vụ”, không ngừng tích lũy kiến thức và vốn sống, tạo nền tảng và tư chất văn hóa sâu rộng cho nghề báo, làm cho nhà báo đồng thời là nhà văn hóa, thật sự là nhà văn hóa.
Hồ Chí Minh là nhà báo thể hiện một cách đầy đủ tư chất, bản lĩnh và tầm vóc một nhà văn hóa lớn. Từ nhân cách, từ căn bản trí tuệ thâm hậu kết hợp nhuần nhị cốt cách văn hóa Việt Nam với tinh hoa văn hóa nước ngoài, với một nền kiến thức rộng và không ngừng được cập nhật hóa, sử dụng tốt nhiều ngoại ngữ, am hiểu cổ kim, đông tây và một tài năng bẩm sinh, không ngừng được mài sắc, được nâng cao qua kiên trì học tập và cần cù lao động sáng tạo với ý chí phi thường, Hồ Chí Minh thực hiện các tác phẩm báo chí cũng như văn học của mình một cách xuất sắc. Người tạo được phong cách riêng - phong cách Hồ Chí Minh, ổn định mà biến hóa với những sắc thái văn chương, những nghệ thuật tu từ và kỹ năng nghề nghiệp hết sức đa dạng, luôn luôn thay đổi phù hợp với bối cảnh, chủ đề tác phẩm và đối tượng người đọc mà tác giả luôn hướng tới. Dường như mỗi lần cầm bút, Người đều nhìn rõ người đọc hiển hiện trước mắt mình - không phải là “độc giả” chung chung như một khái niệm trừu tượng - mà là người đọc cụ thể, những con người bằng xương bằng thịt có nghề nghiệp, có học vấn… Bác Hồ viết cho những người đó. Người trò chuyện với những con người ấy. Người cố viết sao cho những con người cụ thể ấy thấm thía những ý mà Người định diễn tả và thông cảm với tình cảm mãnh liệt của Người.
Chúng ta đều biết, trong kháng chiến chống Pháp và cả sau khi đã về thủ đô Hà Nội, mỗi lần viết xong một bài báo, Bác Hồ thường mang ra đọc cho một vài đồng chí phục vụ gần gũi Người nghe trước. Phần lớn họ là những người lao động bình thường, học vấn không cao. Chỗ nào họ cảm thấy khó hiểu, sửa lại ngay. Thế nhưng những bài chính luận, những tiểu phẩm Người viết trực tiếp bằng tiếng Pháp cho những tờ báo lớn ở thủ đô Pari lại là những tác phẩm mẫu mực cả về nội dung và ngôn ngữ, cho đến nay vẫn làm kinh ngạc nhiều nhà văn, nhà báo lỗi lạc. Vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX, trong khi các báo Nhân dân, Cứu quốc vẫn đều đặn đăng những bài báo ngắn gọn 300 - 500 từ của Bác, thì theo yêu cầu của Ban biên tập Báo Văn học, cơ quan của Hội Nhà văn Liên Xô, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của văn hào Lép Tônxtôi, Người đã viết một tác phẩm ngắn đầy trí tuệ với văn phong nhuần nhị, uyển chuyển thích hợp với chủ đề, bối cảnh và độc giả xác định.
Nhận xét khái quát văn phong của Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh viết: “Cách nói và cách viết của Hồ Chủ tịch có những nét rất độc đáo: nội dung khẳng khái, thấm thía, đi sâu vào tình cảm con người, chinh phục cả trái tim và khối óc của người ta; hình ảnh sinh động, giản dị, dễ hiểu, giàu tính dân tộc và tính nhân dân”.
Là một người viết báo, viết văn từng trải, Hồ Chí Minh mỗi lần cầm bút, luôn ý thức mình viết cho ai. Trước khi viết, Người luôn cân nhắc từng lời, từng chữ, từng dấu chấm câu. Người nói với các nhà báo: “Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí nước ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”.
Hồ Chí Minh luôn khuyên bảo các nhà báo “báo chí phải có tính quần chúng”, phải “viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc”. Song, những lời dạy bảo đó tuyệt nhiên không nên được hiểu là Bác Hồ chấp nhận sự giản lược về nội dung hay dung thứ xu hướng dung tục, dễ dãi trong hình thức. Người dạy các nhà báo: “Phải viết cho văn chương… Người đọc thấy hay, thấy văn chương thì mới đọc”.
Nhìn về mọi mặt, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động báo chí mẫu mực. Người không chỉ có công sáng lập và chỉ đạo xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là một nhà báo trực tiếp cầm bút tài năng xuất chúng, để lại cho đời sau một khối lượng tác phẩm đồ sộ và đa dạng. Không phải ngẫu nhiên mà Người từ chối nhiều danh hiệu đẹp như nhà thơ, nhà văn nhưng lại chấp nhận danh hiệu nhà báo.
Hồ Chí Minh là một nhà báo mẫu mực, một tấm gương sáng, trở thành niềm tự hào của nền báo chí Việt Nam ngày nay và mãi mãi mai sau.
[1] Xem Bùi Đức Tinh: Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết thơ mới, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992
[2] Xem Nguyễn Thành: Báo chí cách mạng Việt Nam 1925 - 1945, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
[3] Xem Hồng Chương: Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam, Nxb. Sách giáo khoa Mác - Lênin, Hà Nội, 1987
[4] Vương Hồng Sến: Sài Gòn năm xưa, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1968
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.166
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.166
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.166.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.378
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.167
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.166
Tác giả: (ĐCSVN)
Ý kiến bạn đọc
Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024
lượt xem: 76 | lượt tải:26Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 258 | lượt tải:90Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 220 | lượt tải:65