Tham gia đoàn công tác của Thủ tướng có lãnh đạo các bộ: Quốc phòng, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Công Thương, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ…
5 KIẾN NGHỊ QUAN TRỌNG CỦA BÌNH PHƯỚC
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đã báo cáo nhanh tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước năm 2021 và một số kế hoạch, chỉ tiêu cơ bản năm 2022. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cũng đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo bộ, ngành trung ương 5 nội dung, gồm: Bổ sung quy hoạch đất công nghiệp cho Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 2021-2025; Xem xét, phê duyệt dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT 753 và xây dựng cầu Mã Đà để kết nối Bình Phước với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải; Giải quyết dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển năng lượng điện mặt trời.
NÓNG VẤN ĐỀ MỞ ĐƯỜNG QUA KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN ĐỒNG NAI
Các kiến nghị còn lại của Bình Phước, dưới sự điều hành cởi mở của Thủ tướng Phạm Minh Chính, buổi làm việc đã diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, chân thành và có nhiều ý kiến rất trách nhiệm, có chiều sâu, tầm nhìn xa.
Nóng nhất là đề xuất nâng cấp mở rộng đường ĐT 753 và xây dựng cầu Mã Đà để kết nối Bình Phước với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, vì đây là tuyến đường nếu hình thành sẽ đi xuyên qua khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận. Lãnh đạo 11 bộ, trong đó có 2 trưởng, 4 Ủy viên Trung ương Đảng và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đều có ý kiến. Lãnh đạo Bộ Công an, Công Thương, Kế hoạch - Đầu tư còn lấy trường hợp làm đường xuyên qua Vườn quốc gia Cúc Phương để so sánh với trường hợp này.
Hầu hết các ý kiến đều chia sẻ với Bình Phước vì có những bất lợi về giao thông, vị trí địa lý, đồng thời nhất trí với kiến nghị nâng cấp đường ĐT 753 và xây cầu Mã Đà. Bởi đây sự kết nối rất cần thiết đối với phát triển kinh tế không chỉ của Bình Phước, mà còn với cả khu vực Tây Nguyên và tầm nhìn rộng hơn là với địa bàn giáp ranh Campuchia.
Tuy nhiên, làm đường nhỏ không bảo đảm tải trọng phục vụ công nghiệp, làm đường lớn ảnh hưởng đến thiên nhiên và những cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam. Vì thế, vấn đề này cần tính toán kỹ, mang tính chiến lược lâu dài để không ảnh hưởng đến bảo tồn bên Đồng Nai.
Đối với kiến nghị về các tuyến đường cao tốc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đều nhất trí ủng hộ, đồng thời nêu lên tầm quan trọng của việc xây dựng các tuyến đường này.
Trong hệ thống kết nối giao thông với Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh, hạ tầng giao thông Bình Phước còn rất thấp so với Đông Nam Bộ, thậm chí còn thua kém so với Tây Nguyên. Vì vậy, phát triển giao thông của Bình Phước đang là vấn đề cấp bách. Phát triển giao thông Bình Phước không chỉ dành cho Bình Phước mà còn là động lực cho Tây Nguyên. Năng lực của các đường quốc lộ trong thời gian tới không đủ khả năng cho giao thông công nghiệp, chủ yếu chỉ đáp ứng được nhu cầu dân sinh. |
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn |
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc còn cho rằng, sân bay ở Đồng Nai, cao tốc ở Bình Phước, đường giao thông của Bình Phước không chỉ nhằm phát triển kinh tế của Bình Phước, không chỉ tạo điều kiện góp phần thúc đẩy phát triển Tây Nguyên, của khu vực Đông Nam Bộ, mà còn cho cả là điểm trung chuyển hàng hóa với Campuchia.
QUY HOẠCH LẠI KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN ĐỂ ĐI TẮT ĐÓN ĐẦU
Đối với kiến nghị về vấn đề điện mặt trời, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Lê Minh Ngân lưu ý Bình Phước cân nhắc kỹ khi Việt Nam đang tăng cường điện gió, đồng thời tính toán vòng đời của dự án, hạn chế chất thải có khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Không chỉ với các kiến nghị của tỉnh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng đã dành cho Bình Phước một sự quan tâm, trách nhiệm, nghĩa tình khi có nhiều ý kiến rất sâu sắc.
Qua làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Bình Phước được đánh giá rất cao, mở ra cơ hội đón làn sóng hành lang công nghiệp ở phía Nam. Vì thế, Bình Phước cần quy hoạch lại không gian phát triển để đi tắt đón đầu. |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến lưu ý: Chuyển đổi số trong nông nghiệp rất quan trọng. Bình Phước cần cơ cấu lại nội bộ ngành nông nghiệp, trong đó tăng tỷ lệ chăn nuôi lên cho đạt cơ cấu của quy hoạch của cả nước. Đặc biệt là Bình Phước cần quan tâm phát triển thủy lợi, vì không có thủy lợi thì không thể cả trồng trọt và chăn nuôi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất đồng tình với chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Bình Phước.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nói: Cảm xúc là Bình Phước nhiều đất đai quá. Bức xúc là đất đai nhiều mà chưa sử dụng được hiệu quả, cần có chính sách tạo điều kiện để hỗ trợ Bình Phước. Trong đó, giao thông rất quan trọng, khơi thông giao thông để phát huy giá trị của lợi thế đất đai.
Bình Phước phát triển công nghiệp nên dịch chuyển về 3 huyện thị phía Nam, nhiều lắm thêm khu cửa khẩu Hoa Lư. Các địa bàn phía Bắc phát triển du lịch và đô thị sinh thái. Đặc biệt, Bình Phước bên cạnh đầu tư phát triển công nghiệp, phải chú trọng phát triển đô thị để giữ được nhân lực, để không còn “cán bộ 26”, là thứ 2 đi thứ 6 về - không chọn Bình Phước làm nơi sinh sống. Phát triển đô thị là điều kiện để thu hút, giữ chân người lao động, bởi ai cũng muốn sinh sống ở nơi đô thị phát triển. |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng |
Bình Phước cần tái cơ cấu lại toàn bộ đào tạo nghề. Nếu không quan tâm đào tạo nghề thì Bình Phước sẽ tụt hậu. Vì không có lao động lành nghề thì không thể phát triển công nghiệp được. |
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung |
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc