Tại Hội thảo, Thạc sĩ Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế cho biết, Bộ Y tế đề xuất Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm các nhóm bệnh như: ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C, B.
Việc Bộ Y tế đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng bảo hiểm y tế của người dân nhằm đồng bộ về chính sách với luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực vào năm 2024, cũng như chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đề xuất này dựa trên kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng khoa học, mô hình bệnh tật cần quan tâm.
Theo Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, dự án Luật bảo hiểm y tế sửa đổi đang được đề xuất với 5 nhóm chính sách lớn, trong đó, chính sách mở rộng phạm vi quyền lợi của người được bảo hiểm y tế là một trong những điểm nổi bật và được quan tâm.
“Điều này không chỉ được quan tâm đối với người dân mà còn đối với các cơ sở khám chữa bệnh, các nhà hoạch định chính sách, nhằm đảm bảo người bệnh được đặt ở trung tâm của hệ thống chăm sóc sức khỏe và được cung cấp các điều kiện tốt nhất trong việc khám chữa bệnh”, Thạc sĩ Trần Thị Trang chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Trần Thị Trang, hiện nay chỉ có các dịch vụ y tế mang tính chất thuần túy là điều trị mới được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, việc sàng lọc, chẩn đoán bệnh sớm là một phần quan trọng để việc điều trị đạt kết quả tốt.
Khi bệnh được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu, việc điều trị trở nên đơn giản hơn, giảm chi phí điều trị, tránh được việc phải nhập viện dài hạn hoặc sử dụng các dịch vụ y tế đắt tiền, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho cá nhân và hệ thống y tế cũng như Quỹ Bảo hiểm y tế. Việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh sẽ giúp giảm các chi phí y tế, điều trị bệnh sau này, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém như ung thư, đột quỵ, bệnh lý tim mạch…
Những dịch vụ khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú… đã được chứng minh mang lại hiệu quả điều trị và kinh tế rất lớn và được nhiều quốc gia chi trả từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo quy định hiện hành, việc sàng lọc và điều trị sớm chưa được chi trả từ quỹ này.
Theo Thạc sĩ Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), việc đề xuất năm nhóm bệnh được chi trả bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh ban đầu, sẽ giúp sàng lọc được những nguy cơ nếu bệnh chuyển nặng, sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí điều trị và thời gian.
Về mặt sức khỏe, nếu phát hiện sớm, người bệnh sẽ được điều trị sớm và đỡ tốn kém cả về ngân sách, thời gian và sự tổn hại về tinh thần.
Quy định về sàng lọc, dự phòng, tư vấn, chẩn đoán sớm sẽ có điều kiện, có lộ trình cụ thể. Thí dụ, một bệnh nhân tiểu đường khi khám sức khỏe định kỳ, nếu phát hiện ra bệnh sớm (ở mức nhẹ) sẽ được dùng thuốc ở mức phác đồ điều trị ban đầu. Hồ sơ bệnh án sẽ được quản lý theo dõi bệnh thường xuyên, trong những lần tái khám tiếp theo sẽ được điều chỉnh thuốc theo tình trạng bệnh.
Những bệnh có dấu hiệu của ung thư cổ tử cung, u vú hay đại trực tràng đều được thực hiện theo đúng quy trình khám, chữa bệnh…
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Lê Văn Phúc, đây mới chỉ là dự kiến, cần phải có đánh giá toàn diện, cụ thể, nhất là cần có đánh giá tác động và khả năng chi trả của quỹ.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 12-2022, toàn quốc có trên 91,067 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 92,03% dân số. Các chỉ tiêu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở ngày một tăng, đến nay đã đạt hơn 70% lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến huyện và xã, 80% trạm y tế xã tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Năm 2023, dự kiến số thu và chi Quỹ Bảo hiểm y tế chỉ bảo đảm cân bằng. Giai đoạn (năm 2022-2023), bảo hiểm y tế chi trả cho ung thư là 10%.
Tác giả: Bích Thủy (TTXVN)
Ý kiến bạn đọc
Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024
lượt xem: 204 | lượt tải:56Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 313 | lượt tải:96Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 270 | lượt tải:71