Mặc dù trong thời gian qua toàn ngành BHXH tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong việc khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT nhưng số người tham gia tuy đã tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn so với cuối năm 2022.
Nguyên nhân:
+ Chủ quan: Một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật về lao động, BHXH, BHYT; còn có đơn vị còn trốn đóng cho người lao động.
Nhận thức của một bộ phận người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân còn chưa cao, dẫn đến chưa hiểu rõ về giá trị, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện; một bộ phận người dân còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước…
+ Khách quan: Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực. Bên cạnh đó, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn nên gây khó khăn cho công tác phát triển số người tham gia BHXH, BHYT.
- Xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư thiết bị y tế phục vụ người dân khi đi KCB BHYT.
Nguyên nhân: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; vướng mắc cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; công tác tổ chức triển khai mua sắm, đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại tỉnh còn chậm trễ.
- Tại một số địa phương, công tác phối hợp truyền thông và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN chưa được thường xuyên, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, chưa có nhiều giải pháp sáng tạo, đột phá trong công tác tuyên truyền, vận động.
Nguyên nhân: phương pháp quản lý, điều hành của một số lãnh đạo BHXH huyện còn chậm được đổi mới, chưa rõ người, rõ việc; thiếu linh hoạt, chưa thích ứng với tình hình thực tế.
- Công tác thu hồi trợ cấp thất nghiệp và BHXH một lần do hưởng sai quy định gặp rất nhiều khó khăn (số tiền chưa thu hồi được vẫn còn cao, chủ yếu rơi vào những năm về trước).
Nguyên nhân: Do người lao động không hợp tác, không liên hệ được với người lao động, người lao động không tham gia đóng BHXH hoặc di chuyển đi nơi khác, không còn ở địa phương.
Chiều 19/4/2023, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh đã có buổi làm việc với BHXH tỉnh Bình Phước về việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Hình ảnh: Tạp chí BHXH.
*Bài học kinh nghiệm rút ra
Một là, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo BHXH Việt Nam, của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh đối với công tác BHXH, BHYT; chủ động, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Hai là, phát huy truyền thông đoàn kết, kỷ cương của toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH tỉnh; lấy khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu; phát huy vai trò trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện.
Ba là, nắm chắc, bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn, chủ động phân tích, đánh giá, nâng cao năng lực dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành “từ sớm, từ xa” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; có nhận thức và hành động đúng đắn, kịp thời, thống nhất, xuyên suốt từ BHXH tỉnh đến BHXH các huyện, thị xã. Đồng thời, nâng cao năng lực thích ứng, phát huy tư duy sáng tạo, đổi mới, linh hoạt và hiệu quả.
Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phân công công việc cần phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; khen thưởng và xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Năm là, phối hợp với các cấp, các ngành phải giải quyết cho được, hài hòa 02 vấn đề quan trọng, đó là: (i) giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia thụ hưởng; (ii) kiểm tra, giảm sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ.
*Nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành trong 6 tháng cuối năm 2023
Trong 6 tháng cuối năm 2023 để hoàn thành tốt những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao; toàn ngành BHXH tỉnh tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
1. Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo BHXH Việt Nam, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước; Chương trình hành động của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh tổ chức thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Cụ thể: phấn đấu số người tham gia BHXH chiếm 38% lực lượng lao động, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 93% theo Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Tiếp tục đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương; chú trọng phát duy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng Internet, mạng xã hội; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT. Công tác truyền thông phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, chủ động, kịp thời, đi trước một bước, nhằm tạo sự đồng thuận, nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHTN, BHYT.
3. Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; tăng cường các giải pháp đôn đốc thu, giảm nợ, thu hồi nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT cho người tham gia. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.
4. Tổ chức các Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn để nắm bắt tình hình sử dụng lao động, phổ biến những chính sách mới và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Qua các Hội nghị này, cung cấp thông tin từ dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp về những lao động đã làm việc, hưởng lương và thu nhập đã kê khai tỉnh, nộp thuế thu nhập cá nhân hàng tháng nhưng chưa đóng BHXH, BHTN, BHYT. Yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH, BHTN, BHYT theo đúng quy định, trường hợp các đơn vị sử dụng lao động cố tình không thực hiện thì tiến hành thanh tra đóng BHXH, BHTN, BHYT theo đúng quy định pháp luật.
5. Đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT cho người tham gia. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.
6. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BHTN; tăng cường chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT; phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng trục lợi quỹ.
7. Tiếp tục rà soát, đề nghị BHXH Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của ngành; đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính; đổi mới phương thức phục vụ, đẩy mạnh chi trả qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của BHXH Việt Nam và UBND tỉnh.
8. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHTN, BHYT theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh; nâng cao năng lực quản lý và chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Quản lý và vận hành an toàn hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành đảm bảo thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an toàn thông tin, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
9. Chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT. Tập trung thu hồi các khoản chi sai mục đích, sai quy định, các khoản nợ đóng, chậm đóng…
10. Tiếp tục rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm; rõ kết quả.