Bình Phước hiện có 3 thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long. 2 huyện Đồng Phú, Chơn Thành đang rà soát để hoàn tất hồ sơ theo quy định mới, trình trung ương công nhận đạt chuẩn NTM.
Về xã đạt chuẩn NTM, toàn tỉnh có 70 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Tiến Hưng, Tân Thành (Đồng Xoài), Tân Tiến (Đồng Phú), Phước Tín (Phước Long), Minh Hưng (Chơn Thành), Lộc Thái, Lộc Hiệp (Lộc Ninh), Bù Nho (Phú Riềng) và 6 xã đang trình hội đồng thẩm định để công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Về các xã xây dựng NTM, tỉnh hiện có 20 xã đạt từ 11 - 18 tiêu chí.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Bình trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa X về thực trạng công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn, xây dựng nông thôn mới
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Bình, công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi. Hệ thống chính trị đã tích cực chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện; đã đánh giá đầy đủ, khách quan các cơ chế, chính sách trong giai đoạn 2016-2020, làm tiền đề xây dựng chính sách giai đoạn mới ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phong trào xây dựng NTM tiếp tục lan tỏa sâu rộng và được người dân đồng tình hưởng ứng; nhận thức của người dân về xây dựng NTM ngày càng được nâng cao, người dân thực sự là chủ thể trong xây dựng NTM. Các huyện, thị xã, thành phố đều dành nguồn lực cho xã về đích, đây là yếu tố thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được các tổ chức, cá nhân áp dụng cho hiệu quả cao về kinh tế, môi trường và tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lao động tại địa phương; phát triển sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị dần được hình thành và phát huy hiệu quả.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác xây dựng NTM của tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định. Tại các xã, phần lớn các tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa chưa đạt. Đây là các tiêu chí khó do vốn đầu tư lớn, một số địa phương còn thiếu quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng. Giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như cao su, điều, tiêu giảm; tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm gây thiệt hại nặng về kinh tế. Từ đó, việc vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công thực hiện xây dựng NTM ở địa phương còn khó khăn. Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến nhưng còn hạn chế về hiệu quả hoạt động; liên kết sản xuất với người dân chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều hợp tác xã nông nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, quản trị, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, kế hoạch kinh doanh ngắn hạn, thiếu tính chiến lược. Nhiều địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển nhưng thiếu sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã...
Tác giả: TB
Ý kiến bạn đọc