Chiều 8-6, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh chủ trì họp Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh nhằm thống nhất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo trong thời gian tới.
Theo dự thảo báo cáo tại cuộc họp, thời gian qua, chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm toàn tỉnh giảm 2.211 hộ nghèo, tương ứng giảm 0,96%. Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân mỗi năm giảm 1.038 hộ.
Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều, số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh tăng lên 4.870 hộ, chiếm 1,76%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 2.820 hộ; 1.343 hộ nghèo không có khả năng lao động. Đây được xem là khó khăn, thử thách rất lớn bởi Bình Phước có 3 huyện biên giới, 5 xã đặc biệt khó khăn, 25 thôn đặc biệt khó khăn, 3 xã thuộc vùng kinh tế - xã hội khó khăn.
Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới, giai đoạn 2022-2025, Bình Phước đặt mục tiêu mỗi năm giảm khoảng 2.000-2.500 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, trong đó có 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số.
Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước trao nhà ở Đại đoàn kết và tặng quà cho bà con đồng bào DTTS vùng biên giới huyện Lộc Ninh
Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài việc đề ra các chỉ tiêu cụ thể như: đảm bảo vốn vay cho 100% hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển 22 mô hình giảm nghèo mỗi năm; phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo ít nhất 1 thành viên trong gia đình có việc làm…, tỉnh còn tập trung vào một số hoạt động hỗ trợ phát triển hạ tầng các khu vực kinh tế khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình, dự án giảm nghèo bền vững…
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phân tích, làm rõ một số ý kiến góp ý của các sở, ngành tại cuộc họp trước đó. Trong đó, đối với nguồn vốn trung ương phân bổ chương trình mục tiêu giảm nghèo năm 2022 trên 22 tỷ đồng, nguồn vốn này chỉ được phân khai theo định mức phân bổ được HĐND tỉnh phê duyệt. Đối với nguồn vốn đầu tư công năm 2022 được giao 80 tỷ đồng, sở đã trình UBND tỉnh kế hoạch phê duyệt thực hiện chương trình giảm nghèo 2 đợt trên 56 tỷ đồng, số còn lại gần 24 tỷ đồng đang chờ số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh để xác định nguồn vốn đối ứng…
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh khẳng định: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng mà trước đó đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần khẩn trương bắt tay triển khai thực hiện. Trước mắt, lập danh sách hộ nghèo cần hỗ trợ gửi về cơ quan thường trực để sớm giải ngân nguồn vốn, phát huy hiệu quả công tác giảm nghèo.
Đối với một số công việc cấp bách, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần ấn định thời gian cụ thể để gắn trách nhiệm đối với những người liên quan.
Tác giả: XT
Ý kiến bạn đọc