Toàn tỉnh có 27 đảng viên làm việc ở các khu công nghiệp, khu kinh tế, sinh hoạt đảng ở nơi cư trú; về tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp, có 137 tổ chức công đoàn với 62.103 đoàn viên, 07 tổ chức đoàn thanh niên với 543 đoàn viên trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 khu công nghiệp, trong đó có 36 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước với 1.960 lao động, 147 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 69.423 lao động. Tỉnh có 01 Khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư với 25 doanh nghiệp, 200 lao động. Các doanh nghiệp đăng ký hoạt động với nhiều ngành nghề đa dạng theo các lĩnh vực nông, lâm, nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, khai khoáng, chế tạo, tiểu thủ công nghiệp…
Trong những năm qua, đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh đã lãnh đạo hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị. Tỉnh đã vận dụng có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo được môi trường thuận lợi, thu hút nhiều đầu tư trong nước và nước ngoài; số lượng doanh nghiệp, khu công nghiệp không ngừng tăng lên.
Bên cạnh đó, các tổ chức đảng, đoàn thể mới thành lập đã từng bước đi vào hoạt động ổn định và phát huy được vai trò của mình trong hoạt động chung của doanh nghiệp. Việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong doanh nghiệp được quan tâm. Toàn tỉnh có 27 đảng viên làm việc ở các khu công nghiệp, khu kinh tế, sinh hoạt đảng ở nơi cư trú; về tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp, có 137 tổ chức công đoàn với 62.103 đoàn viên, 07 tổ chức đoàn thanh niên với 543 đoàn viên trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp.
Tuy nhiên, Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về nhiệm vụ phát triển đảng viên, tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp còn thiếu tập trung và chưa thường xuyên; Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả; Công tác tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, lớp đảng viên mới cho đối tượng người lao động trong doanh nghiệp còn gặp khó khăn; Chưa thành lập được tổ chức đảng trong doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu kinh tế; số lượng đảng viên được kết nạp rất ít. Một số tổ chức đoàn thể mới được thành lập trong doanh nghiệp hoạt động còn hạn chế, chưa phong phú về nội dung và hình thức, nên chưa thu hút được đông đảo người lao động tham gia. Do đó việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp còn hạn chế; Một số tổ chức đảng chỉ có đảng viên là công nhân trực tiếp sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy vai trò là hạt nhân chính trị trong lãnh đạo đảng viên và đoàn thể. Mối quan hệ, phối hợp giữa cấp ủy tổ chức đảng chủ doanh nghiệp chưa chặt chẽ, còn lệ thuộc rất lớn.
Để nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên và quản lý đảng viên trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 -2030, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là: Tiếp tục quán triệt tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị, Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư, Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, Quy định số 15-QĐ/TW ngày 28/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương về đảng viên làm kinh tế tư nhân, Hướng dẫn số 08-HD/BTCTW ngày 27/9/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Hai là: Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền cho phù hợp với đối tượng người lao động, chủ doanh nghiệp. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, để người lao động, các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp thấy việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và doanh nghiệp. Tuyên truyền quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chủ trương phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Thực hiện lồng ghép nội dung này vào các buổi tiếp xúc định kỳ của chính quyền với chủ các doanh nghiệp. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp và các tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể.
Ba là: Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các lớp bồi dưỡng, học tập chính trị, nghị quyết cho phù hợp, thuận lợi cho việc tham gia của đối tượng là công nhân, người lao động. Thí điểm việc mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, lớp đảng viên mới dưới hình thức kết hợp giữa đào tạo tập trung và trực tuyến; đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá hoàn thành khóa học nhưng vẫn bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Tổ chức biên soạn lại tài liệu cho phù hợp với mô hình đào tạo thí điểm. Đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt chi bộ, thực hiện sinh hoạt trực tuyến ở những nơi có đủ điều kiện theo Hướng dẫn số 03-HD/TW ngày 27/12/2022 của Ban Bí thư. Xây dựng hướng dẫn sinh hoạt chi bộ trong doanh nghiệp theo hướng ngắn gọn, thiết thực gắn với chức năng, nhiệm vụ của đảng viên, chi bộ trong doanh nghiệp. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức đảng, từng bước nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức đảng trong doanh nghiệp.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp tổ chức Hội thảo giải pháp đẩy mạnh kết nạp đảng viên, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh
Bốn là: Phát triển đoàn viên, hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể. Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, động viên đảng viên là người lao động trong doanh nghiệp tích cực học tập nâng cao trình độ, tay nghề, nêu cao tính tiên phong gương mẫu về đạo đức, lối sống, sinh hoạt, chấp hành nghiêm nội quy của doanh nghiệp, đi đầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động phong trào; những đảng viên này sẽ góp phần lan tỏa, là hạt nhân chính trị, nòng cốt phát triển đảng viên trong doanh nghiệp. Phân công nhiệm vụ cho đảng viên thực hiện công tác tuyên truyền người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú phấn đấu kết nạp vào Đảng; bồi dưỡng trang bị kiến thức đúng đắn về chính trị, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn sự lôi kéo, kích động của các thế lực phản động, thù địch, chống phá.
Năm là: Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Các cấp ủy đảng, đoàn thể cấp trên phải quan tâm xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng các cấp ủy và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là bí thư chi bộ, chủ tịch công đoàn, chủ tịch hội phụ nữ, bí thư đoàn thanh niên trong doanh nghiệp. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho các cấp ủy viên, lãnh đạo các đoàn thể với hình thức đa dạng, thời gian phù hợp, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp.
Sáu là: Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định của Trung ương về các chế độ chi phục vụ công tác đảng, chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên các cấp theo Quyết định số 99-QĐ/TW của Ban Bí thư về ban hành quy định chế độ chi hoạt động công tác đảng của tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ cấp trên cơ sở; Quy định số 342- QĐ/TW của Bộ chính trị về chế độ đảng phí; Quy định số 169-QĐ/TW của Ban Bí thư về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên các cấp.
Bảy là: Tăng cường công tác hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cấp ủy cấp trên, nhất là cấp trên trực tiếp của cơ sở cần tăng cường chỉ đạo, phân công những cán bộ am hiểu tình hình, có kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng để theo dõi, hướng dẫn và giúp đỡ các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định và đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, đoàn viên. Các cơ quan thực hiện quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, để hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp có tổ chức đảng, đoàn thể.