Theo Công văn, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, qua đó huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người, nhất là tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi. Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người nghi là nạn nhân. Tập trung triển khai hiệu quả các hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người", "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thông lệ và chủ đề của năm 2024 là "Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người".
Tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các địa phương triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người (Nguồn: Báo Điện tử Đại biểu nhân dân)
Triển khai quyết liệt các kế hoạch, phương án phòng, chống mua bán người. Chủ động nắm chắc tình hình, dự báo sát, giải quyết tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở, khẩn trương điều tra, khám phá các vụ án, đường đây tội phạm mua bán người và các tội phạm có liên quan, nhất là các vụ án đang được thụ lý.
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã tội phạm mua bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (nếu có).
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho quần chúng nhân dân. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7".
Tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu và các khu vực thuộc trách nhiệm quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động mua bán người. Thực hiện tốt nội dung các hiệp định, thỏa thuận hợp tác về phòng, chống mua bán người giữa Bình Phước với Vương quốc Campuchia.
Thực hiện tốt công tác hỗ trợ nạn nhân, nhất là đối với nạn nhân là trẻ em. Tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các hoạt động giới thiệu việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại địa bàn… thực hiện công tác tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác về mua bán người tới Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, đồng thời, là đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111).
Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7".
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực, cơ sở kinh doanh để phát sinh tội phạm mua bán người; làm tốt công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, chú trọng nạn nhân là trẻ em.
Triển khai thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người (thời gian từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 30/9/2024). Thực hiện đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và chú trọng vào các nội dung tuyên truyền năng cao nhận thức cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng tránh.