Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa X diễn ra sáng 4-7, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đã thông tin, làm rõ thêm các nội dung mà đại biểu, cử tri quan tâm như vấn đề: Nông nghiệp bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, đặc biệt là với các cây trồng chủ lực; thu hút vốn đầu tư, thu ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công và vấn đề môi trường.
Đối với vướng mắc, bất cập trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt giải ngân nguồn vốn 6 tháng đầu năm đạt thấp hoặc chưa giải ngân, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết: Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của Ủy ban Dân tộc tại Công văn số 920/UBDT-CTMTQG ngày 9-7-2021 đã trình Chính phủ, tỉnh Bình Phước được phê duyệt 8 dự án. Tháng 7-2022, Chính phủ phân bổ nguồn vốn, các địa phương xây dựng dự án, trong đó Bình Phước có 3 dự án thuộc 3 xã biên giới đã về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ, tại Điều 3 quy định: “Các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực”. Do đó, khó khăn cho UBND tỉnh trong triển khai thực hiện.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền phát biểu làm rõ thêm
các nội dung cử tri và đại biểu quan tâm tại kỳ họp
Đối với quy hoạch và khu vực dự trữ bô xít, do quy hoạch có phạm vi rất rộng với tổng diện tích quy hoạch và dự trữ hơn 90.000 ha. Vì vậy, tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch bô xít trên địa bàn tỉnh gây nhiều khó khăn cho hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đối với lĩnh vực y tế, chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Bình Phước năm 2024, một số trạm y tế xã của huyện Bù Đăng vướng quy hoạch bô xít theo Quyết định 866/QĐ-TTg. Hiện nay, Sở Y tế đã báo cáo Bộ Y tế xin điều chỉnh danh mục đầu tư các trạm y tế xã nên đến nay chưa phê duyệt dự án. UBND tỉnh và Sở Y tế sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Y tế để sớm thống nhất.
Các đại biểu dự kỳ họp
Từ năm 2019, tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS hằng năm. Thông qua chương trình, các hộ nghèo đồng bào DTTS đã được hỗ trợ các chính sách theo nhu cầu thực tế để có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Trong giai đoạn 2022-2023, tỉnh đã thực hiện giảm được 2.565 hộ nghèo đồng bào DTTS. Mặc dù đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập của các hộ đồng bào DTTS còn thấp, nằm sát chuẩn nghèo, do đó cần tiếp tục được quan tâm, theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời để đảm bảo phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình đời sống của đồng bào DTTS, nhất là các hộ đồng bào DTTS vừa mới thoát nghèo giai đoạn 2022-2023 để có sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, hạn chế tình trạng tái nghèo.
Đối với công tác quản lý nhà nước và thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng một số dự án BOT giao thông trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài chưa được giải quyết. Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh đã thành lập tổ rà soát các dự án BOT và BT và hiện tổ rà soát đang kiểm tra từng dự án trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; đánh giá toàn diện, đầy đủ về quy trình, thủ tục đầu tư, hợp đồng và thi công công trình theo quy định pháp luật tại từng thời điểm cụ thể.
Lĩnh vực tài nguyên môi trường cũng được nhiều cử tri kiến nghị, tập trung vào tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương kiểm tra thực tế việc xả thải, xét nghiệm nước thải và yêu cầu doanh nghiệp cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh. UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra thường xuyên và xử lý theo quy định đối với hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm theo nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thống nhất với các giải pháp điều hành kế hoạch đã trình tại kỳ họp. Trong đó, UBND tỉnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm sau: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ tỉnh năm 2024; tập trung thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời và chống thất thu thuế; điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó đặc biệt chú trọng hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 2 dự án cao tốc; tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng với đó hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đảm bảo đủ thuốc và vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh; các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo tốt việc điều trị bệnh; tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; theo dõi, nắm sát, nắm chắc tình hình từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”; hạn chế tối đa việc công dân khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đề nghị: Ngay sau kỳ họp, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ đã được HĐND tỉnh thông qua; nghiêm túc rà soát, bổ sung kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2024 của ngành, địa phương mình và triển khai thực hiện ngay nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2024.