Bước tiến trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

Thứ ba - 05/07/2022 03:12 1.711 0
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 được tổ chức vào ngày 30/6/2022, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới. Hội nghị đã cho thấy những bước tiến quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam thời gian qua.
 

 

Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương; sự vào cuộc đồng bộ của các ban, bộ, ngành, địa phương; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, làm cho vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được củng cố và tăng cường.

Những bước tiến quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam được thể hiện trên các mặt cơ bản như sau:

CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐƯỢC TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ, QUYẾT LIỆT, HIỆU QUẢ

Nhận thấy tình trạng tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện ngày càng gia tăng, ngay từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta đã xác định nạn tham nhũng, tệ quan liêu, là một trong bốn nguy cơ làm cản trở thực hiện mục tiêu chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng ta chỉ rõ: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệnh hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Các nguy cơ đó có liên quan mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau”(1). Từ đây, Đảng ta có nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tham nhũng như Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa IX về “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí”; Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII…

Để cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước cũng ban hành cả hệ thống các văn bản pháp luật để chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng từng bước được kiện toàn, phát huy hiệu quả trong việc phát hiện và xử lý những vụ việc tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương được thành lập và hoạt động ngày càng có hiệu quả, thực chất. Nhà nước cũng ban hành Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí… Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, cho đến nay, “nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống; khắc phục được một bước những sơ hở, bất cập trước đây làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng..., các chủ trương, quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta cơ bản đã tương đối đầy đủ”(2).

Nhờ đó, “công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”(3). Vì vậy, trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, vừa có tác dụng cảnh báo, răn đe; vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ; được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử nhanh chóng, khắc phục đáng kể tình trạng án đọng kéo dài gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đánh giá về điều này, báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 đã nêu rõ: “Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ”.

Gần đây, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng chống tham nhũng có thêm một bước tiến mới. Theo đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng có thể được xem như là “cánh tay nối dài của Trung ương” nhằm giải quyết một cách kịp thời những vấn đề tồn đọng, kéo dài gây bức xúc dư luận ở địa phương. Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế và góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

CÔNG TÁC GIÁO DỤC, TUYÊN TRUYỀN, GIÁM SÁT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐƯỢC TĂNG CƯỜNG

Theo sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, thời gian qua, công tác giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng đã được tăng cường, góp phần thay đổi đáng kể nhận thức, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các cơ quan, đơn vị và nhân dân.

Ở hầu hết các cơ quan, đơn vị, chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng đã được tuyên truyền, quán triệt, trở thành nội dung cốt lõi trong quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên những biểu hiện của tham nhũng và cách thức phòng, chống phù hợp, hiệu quả.

Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Gần đây, nội dung về phòng, chống tham nhũng đã được lồng ghép thường xuyên trong các chương trình thời sự, phóng sự chính luận trên các chuyên mục: Xây dựng Đảng, Đảng trong cuộc sống hôm nay, Đối diện…  càng góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo độ lan tỏa rộng rãi về sự quyết tâm, quyết liệt và những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng.

Các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội cũng ngày càng phát huy được vai trò to lớn trong giám sát công tác phòng, chống tham nhũng. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội không chỉ giám sát thường xuyên tại các kỳ họp mà tần suất giám sát chuyên đề về phòng, chống tham nhũng cũng được tăng lên. Hội đồng nhân dân các cấp quan tâm giám sát nhiều hơn đối với công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các thông tin do báo chí nêu về tham nhũng. Nhân dân ngày càng tích cực tham gia giám sát, phản biện với hoạt động của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên…, phản ánh, tố giác nhiều vụ, việc tham nhũng gây thất thoát tài sản lớn của Nhà nước. Đúng như đồng chí Tổng Bí thư khẳng định trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, công tác phòng, chống tham nhũng giờ đây không còn manh mún, vụ việc nhỏ lẻ nữa mà đã trở thành một phong trào rộng khắp, thu hút sự hưởng ứng, sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng như của các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước và trở thành “một xu thế không thể đảo ngược”.

 Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can).

Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ.

SỰ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ LÀM CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀ CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ NGÀY CÀNG HIỆU QUẢ

Thời gian qua, ở cấp Trung ương, cùng với sự ra đời của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là sự thành lập Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực về phòng, chống tham nhũng. Từ sau Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, nhiều tỉnh trên cả nước cũng áp dụng mô hình này của Trung ương là thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính cấp tỉnh. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cấp tỉnh đã làm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được tiến hành bài bản, đồng bộ theo đúng phương châm “dọc ngang thông suốt”, khắc phục đáng kể tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Điều này xuất phát từ nhu cầu tất yếu của thực tiễn bởi tham nhũng là hiện tượng tiêu cực không chỉ xảy ra ở các cơ quan, bộ ngành Trung ương mà cũng diễn ra ở các địa phương, trở thành vấn đề nổi cậm gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy, các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng đã phối hợp thường xuyên, đồng bộ với các cơ quan thi hành pháp luật như công an, tòa án, kiểm sát để điều tra, truy tố, xét xử những cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng. Do đó, các vụ án đã nhanh chóng được điều tra, xét xử, hạn chế đáng kể tình trạng án kéo dài, đọng án gây bức xúc trong dư luận. Nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử trong thời gian gần đây đã thể hiện rõ tính chuyên nghiệp, bài bản, đúng trình tự của quá trình xử lý sai phạm. Đó là kết quả của công tác phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát, nội chính của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra; giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan điều tra; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, địa phương và các bộ, ngành chức năng.

Ngoài ra, hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng cũng đã được tăng cường. Nhiều vụ án tham nhũng có dấu hiệu tẩu tán tài sản hay đối tượng trốn chạy ra nước ngoài đã được các tổ chức pháp luật quốc tế phối hợp, giúp đỡ để truy tố, xử lý vừa theo đúng quy định quốc tế, vừa phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam. Công tác phòng, chống tham nhũng cũng từng bước được mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng trong việc chỉ đạo xử lý những sai phạm của cán bộ ở tất cả các thành phần kinh tế.

Có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Những thành quả đó là một bằng chứng thuyết phục để phản bác những hoài nghi, mọi sự xuyên tạc của các phần tử phản động, cơ hội chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội, có ý kiến cho công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam chỉ là “trò đánh trống khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, thực chất là “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng phe phái”(4); hay đó chỉ là những cách Đảng “che mắt thế gian theo kiểu đánh ai và ai đánh?”, “ta đánh mình, mình đánh ta”, “cộng sản chỉ nói chứ không dám làm”, hay “chỉ dám đánh con tôm, con tép”(5) … Cũng có những người do nhận thức mơ hồ hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nên cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước.

Thực tiễn cho thấy, những kết quả không thể phủ nhận trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là những người có chức, có quyền “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Điều đó cũng làm cho các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Do đó, những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam thời gian qua thể hiện rõ dã tâm chính trị muốn hạ thấp vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng; chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định: “Chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”(6)

Những bước tiến mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam thời gian qua là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Đảng; sự vào cuộc đồng bộ, có trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, địa phương; sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. Những kết quả đó chính là điều kiện, tiền đề để đất nước ta tiếp tục vượt qua những khó khăn, thử thách, từng bước thực hiện thành công những mục tiêu Đại hội Đảng XIII đã đề ra và xa hơn nữa là thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

__

 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 1994, tr.25

(2) (6) https://vtc.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-ve-tong-ket-10-nam-phong-chong-tham-nhung-ar685072.html.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.2, tr.206.

(4) (5) Võ Văn Hải: “Những luận điệu lạc lõng của RSF”, trong sách Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Cục Tuyên huấn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2017, tr.101-102, 101.

Tác giả: TS. Lê Thị Chiên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1587-CV/BTGTU

Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024

lượt xem: 79 | lượt tải:27

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 260 | lượt tải:90

1494-CV/BTGTU

Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

lượt xem: 221 | lượt tải:65
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập231
  • Hôm nay29,278
  • Tổng lượt truy cập14,561,195
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây