1.1. Quốc hội đã xem xét, quyết định bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Thanh Mẫn; bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Tô Lâm; bầu Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XV đối với bà Nguyễn Thị Thanh; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với bà Nguyễn Thanh Hải; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lê Thành Long; phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Tô Lâm; phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lương Tam Quang; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh đối với ông Trần Thanh Mẫn và ông Lương Tam Quang; cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Đinh Tiến Dũng thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận rất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
1.2. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.713.787 tỷ đồng, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.897.466 tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước là 293.313 tỷ đồng, bằng 3,07% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo: (i) Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ trong lập, chấp hành, thực hiện dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm; (ii) Chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong lập, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; chú trọng công tác dự báo, lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước sát thực tế; (iii) Tăng cường, có các giải pháp quản lý, sử dụng chặt chẽ số tăng thu ngân sách nhà nước gắn với điều hành và xây dựng kế hoạch huy động vốn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và vay, trả nợ bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; (iv) Quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, tạm ứng ngân sách nhà nước; kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô; (v) Kiểm soát chặt chẽ, rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách nhà nước; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
1.3. Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) nhằm xây dựng tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và các địa phương khác trong vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản, từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên. Quốc hội đã thống nhất chủ trương đầu tư khoảng 128,8 km đường cao tốc, chia thành 05 dự án thành phần, trong đó Dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
1.4. Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, qua đó thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam với Vương quốc Anh; khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực và thế giới, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
1.5. Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch lần đầu tiên được xây dựng theo Luật Quy hoạch[1], qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch quốc gia, kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo lập cơ sở pháp lý nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển, đảo Việt Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết các bất cập, chồng lấn, mâu thuẫn, xung đột về sử dụng không gian biển, bảo đảm cân bằng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển; giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển.
1.6. Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2035. Việc Quốc hội xem xét thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa, bản sắc, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, tầng lớp dân cư; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2035 tại Kỳ họp thứ 8.
1.7. Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và thống nhất đây là 02 nhiệm vụ quy hoạch rất quan trọng để định hướng phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, tuân thủ Luật Quy hoạch, thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và tương thích với Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, các đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá thêm các yếu tố, điều kiện đặc thù phát triển Thủ đô; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng và nước thải đô thị, tính đồng bộ giữa các phương thức vận tải; những bất cập, hạn chế gây ra các điểm tắc nghẽn và việc thực hiện các quy hoạch thời kỳ trước; cụ thể hơn mục tiêu phát triển; nghiên cứu, hoàn thiện về ngành quan trọng tương ứng với các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá phát triển.
Đối với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, các đại biểu Quốc hội đề nghị hoàn thiện một số nội dung về thực trạng, dự báo, dự kiến phát triển, thời kỳ, tầm nhìn, mục tiêu phát triển các chương trình, dự án đột phá trọng tâm của thời kỳ quy hoạch.
Ý kiến các vị đại biểu Quốc hội được gửi cho các cơ quan để nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện.
1.8. Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, đã quyết nghị:
(i) Thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025).
Thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương, giao Chính phủ:
- Triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập;
- Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 01/7/2024;
- Tiếp tục rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31/12/2024; thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6 năm 2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 01/7/2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù. Trong thời gian chưa sửa đổi, bãi bỏ thì thực hiện như sau: Từ ngày 01/7/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6 năm 2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc). Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 01/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.
- Từ ngày 01/7/2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6 năm 2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%);
(ii) Tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
(iii) Cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 03 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại điểm a khoản 11 Điều 1 của Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội, thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 05 năm (bao gồm 02 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14).
(iv) Cho phép sử dụng 18.220 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023.
Cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án từ nguồn dự phòng chung nguồn ngân sách Trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023; đối với 04 dự án: (1) Dự án sân bay Gia Bình, (2) Xây dựng mới trụ sở Tòa án nhân dân tối cao tại 262 Đội Cấn, (3) Dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân các cấp (giai đoạn 1), (4) Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, cho phép cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án căn cứ nguồn vốn và mức vốn dự kiến bố trí cho dự án từ nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023, nguồn vốn giai đoạn 2026 - 2030 và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có) để hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
(v) Điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Giao Chính phủ chỉ đạo rà soát và quyết định ban hành danh mục đầu tư cụ thể về: các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc; các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; các trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện; các di tích, dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, nằm trong và ngoài danh mục địa bàn xã, thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện hành, ưu tiên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc điều chỉnh bảo đảm các nguyên tắc, hiệu quả đầu tư và mục tiêu chương trình theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và không vượt quá tổng mức vốn của Chương trình đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tác giả: Hiếu Nghĩa (TH)
Ý kiến bạn đọc
Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024
lượt xem: 204 | lượt tải:56Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 313 | lượt tải:96Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 270 | lượt tải:71