Thực hiện Chương trình hành động số 17 -CTr/TU, ngày 30/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 369-KL/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là hình thành 1 đến 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với khoảng 1.000-2.000 ha. Sản xuất nông sản sạch trên diện tích khoảng 17.000 ha, ước đạt 7,77% diện tích đất nông nghiệp (không tính diện tích trồng cây cao su), trong đó có 5.130 ha sản xuất hữu cơ, ước đạt 2,35%.
Tỷ lệ trang trại chăn nuôi heo theo hướng an toàn khoảng 90% tổng số cơ sở chăn nuôi. Trong đó, các huyện, thành phố gồm Đồng Xoài, Chơn Thành, Đồng Phú, Bù Đăng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE; các huyện, thị xã gồm Phước Long, Hớn Quản, Bù Gia Mập, Phú Riềng đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam.
Trang trại chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn đạt khoảng 90% tổng số cơ sở. Trong đó, các huyện, thành phố gồm Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành, Bù Đăng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE; các huyện, thị xã gồm Bình Long, Phước Long, Hớn Quản, Phú Riềng và Bù Gia Mập đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam.
Phát triển nuôi chim yến tại các huyện, thị xã, thành phố. Thu hút được đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến nông sản... với tổng mức đầu tư khoảng 23.500 tỷ đồng. Xây dựng và hình thành 1 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Phước.
Mô hình trồng rau thủy canh nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bình Phước
Phát triển được một số mô hình liên kết giữa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ kết hợp với đô thị sinh thái - khu dân cư - du lịch - cảnh quan trên địa bàn Bù Đăng, Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành. Phát triển 100 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kết luận số 369-KL/TU cũng đặt ra mục tiêu giai đoạn 2025-2030 là hình thành 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích khoảng 5.000 ha. Sản xuất nông sản sạch trên diện tích khoảng 31.500 ha, ước đạt 15,42% (không tính diện tích cây cao su), trong đó có 7.400 ha sản xuất hữu cơ, ước đạt 3,62%.
Nông dân Bình Phước chăm sóc mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao
Tỷ lệ trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn đạt 100% số cơ sở. Tiếp tục duy trì các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được công nhận an toàn dịch bệnh trong giai đoạn 2021-2025 và mở rộng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại các huyện, thị xã còn lại.
Đồng thời, đến năm 2030 xây dựng được 955 nhãn hiệu các loại, trong đó: 10 nhãn hiệu sản phẩm có chứng nhận, 600 nhãn hiệu thông thường; 15 nhãn hiệu tập thể; 50 sản phẩm OCOP; được cấp 250 mã số vùng trồng; mã số cơ sở đóng gói cấp được 30 cơ sở.
Thu hút đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến nông sản... với tổng mức đầu tư lũy kế khoảng 28.000 tỷ đồng. Khai thác có hiệu quá các mô hình liên kết giữa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ kết hợp với đô thị sinh thái - khu dân cư - du lịch - cảnh quan trên địa bàn Bù Đăng, Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành. Phát triển khoảng 200 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.