Sáng 23/3, tại Quảng trường 23/3, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975 – 23/3/2025). Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh đọc diễn văn kỷ niệm. Trân trọng giới thiệu toàn văn diễn văn:
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh đọc diễn văn kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23-3-1975 - 23-3-2025)
Kính thưa: Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam!
Kính thưa: Các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Thủ Tướng Chính phủ, nguyên Thường trực Ban Bí thư;
Kính thưa: Đồng chí Phó Thủ Tướng Chính Phủ, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc Hội, đồng chí Phó Chủ tịch UBMT TQ Việt Nam;
Kính thưa: các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành - đoàn công tác Trung ương; các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các vị Đại biểu Quốc hội tại Bình Phước; Lãnh đạo các tỉnh, thành phố;
Kính thưa: các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Phước, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, các tướng lĩnh, sỹ quan, cựu chiến binh!
Thưa quý vị đại biểu, quý vị khách quý cùng toàn thể Nhân dân trong tỉnh!
Trong không khí phấn khởi, tự hào cùng Nhân dân cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Hôm nay, trên mảnh đất Bình Phước giàu truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Phước long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh (23/3/1975 - 23/3/2025) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thay mặt đảng bộ tỉnh, xin trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; quý vị đại biểu, quý vị khách quý cùng toàn thể Nhân dân trong tỉnh lời chào mừng nồng nhiệt và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thưa quý vị đại biểu và đồng bào, đồng chí!
Tỉnh Bình Phước nằm ở miền Đông Nam bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước. Từ xa xưa, Bình Phước là vùng đất rừng rậm, cư dân thưa thớt, với một số đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Đến thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, cư dân người Kinh đã đến vùng đất này để khai phá lập làng xã gắn với tên gọi Đồng Nai - Gia Định xưa.
Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý đất phương Nam. Nguyễn Hữu Cảnh đặt tên vùng đất mới này là phủ Gia Định, gồm hai huyện Tân Bình và Phước Long. Trong đó, ở huyện Phước Long đặt dinh Trấn Biên - là đất ở phía Đông Sài Gòn, thuộc địa phận các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và một phần của tỉnh Bình Thuận ngày nay.
Từ thời các chúa Nguyễn đến triều Nguyễn, cho đến khi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, vùng đất này đã trải qua nhiều tên gọi và phân chia địa giới hành chính khác nhau. Đến năm 1956, để phục vụ âm mưu đàn áp cách mạng miền Nam, chia cắt hai miền Nam - Bắc, chính quyền Sài Gòn đã thiết lập thêm một số tỉnh mới ở miền Nam, trong đó có Bình Long và Phước Long. Trên địa bàn hai tỉnh này, đầu năm 1971, chính quyền cách mạng đã quyết định thành lập Phân khu Bình Phước, đến cuối năm 1972 đổi tên thành tỉnh Bình Phước và giữ nguyên cho đến ngày giải phóng.
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, Nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Phước nhiều lần đứng lên kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương. Bình Phước là nơi thành lập chi bộ Phú Riềng Đỏ - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam bộ vào ngày 28/10/1929, lãnh đạo công nhân cao su làm nên sự kiện “Phú Riềng đỏ” vào đầu năm 1930, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của Đảng ta, để từ đây phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Bình Phước cũng là nơi thể hiện mạnh mẽ tinh thần đoàn kết một lòng “Quân với Dân như cá với nước”. Đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Phước đã một lòng theo Đảng, theo cách mạng, chia ngọt sẻ bùi để tiếng chày giã gạo nuôi quân trên Sóc Bom Bo vang mãi đến hôm nay.
Thưa quý vị đại biểu và đồng bào, đồng chí!
Với vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, là điểm cuối cùng của hệ thống đường vận tải chiến lược Bắc - Nam trên bộ; là căn cứ địa chiến lược, hậu phương tại chỗ, nơi tiếp nhận sức người, sức của trực tiếp từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Bình Phước đã cùng quân - dân miền Đông chiến đấu quyết liệt, chống phá chiến dịch bình định, càn quét gom dân, lập ấp chiến lược của địch, tạo địa bàn đứng chân cho quân chủ lực, phục vụ cho yêu cầu căn cứ chiến lược và các nhiệm vụ chính trị của Trung ương Đảng và Trung ương Cục giao, xây dựng vùng bàn đạp tấn công Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của đế quốc Mỹ và tay sai.
Với khí chất của người dân miền Đông “gian lao mà anh dũng”, trong suốt 21 năm trường kỳ kháng chiến, quân và dân Bình Phước luôn tỏ rõ chí khí kiên trung, quật cường, sẵn sàng hy sinh của cải và tính mạng cho sự nghiệp cách mạng giành thắng lợi, cùng quân dân miền Đông và cả nước làm nên nhiều chiến công vang dội. Mỗi thời kỳ cách mạng, trên mảnh đất thân yêu này đều có những sự kiện, phong trào đấu tranh nổi bật, tiêu biểu, góp phần tô thắm thêm lịch sử hào hùng của dân tộc, mãi mãi trở thành niềm tự hào của quê hương Bình Phước.
Đó là chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài năm 1965 thắng lợi, sự kiện “Đồng Xoài rực lửa chiến công” đã đi vào lịch sử, làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, buộc đế quốc Mỹ phải bị động chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa vào tham chiến tại miền Nam.
Đó là ý chí, là quyết tâm và niềm tin vượt qua gian khổ, hy sinh để đương đầu với quân xâm lược trong chiến lược “chiến tranh cục bộ”, bẻ gãy hai gọng kềm “tìm diệt và bình định”, đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của địch. Phát động quần chúng tham gia tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, tấn công vào sào huyệt và căn cứ của địch khắp miền Nam.
Đó là chiến dịch Nguyễn Huệ làm nên “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, giải phóng hoàn toàn các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập và từng mảng ấp chiến lược, mở rộng vùng căn cứ nối liền biên giới Campuchia thành hậu phương trực tiếp của chiến trường B2, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris năm 1973, rút hết quân viễn chinh và chư hầu về nước. Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Sân bay quân sự Lộc Ninh cũng chính là nơi vinh dự được đón hàng trăm người con ưu tú, trung kiên của cả nước từ các nhà tù của Mỹ - Ngụy trở về trong niềm thương yêu, xúc động và khâm phục.
Đó là chiến dịch đường 14 - Phước Long cuối năm 1974, đầu năm 1975 với nghệ thuật đánh “bóc vỏ - đánh các chi khu xung quanh trước khi tiến vào trung tâm” đã giải phóng Bù Đăng, Đồng Xoài và toàn tỉnh Phước Long vào ngày 06/01/1975. Lần đầu tiên một tỉnh căn cứ của miền Nam được hoàn toàn giải phóng, là “đòn trinh sát chiến lược”, tạo tiền đề cho Bộ Chính trị, Trung ương quyết định và củng cố quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm hơn.
Trên đà thắng lợi, ta tiếp tục củng cố vùng giải phóng, đồng thời bao vây, tiêu diệt các cứ điểm của địch còn lại trên địa bàn Bình Long. Ngày 23/3/1975, An Lộc - trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Bình Long (thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay) được giải phóng, tạo điều kiện để quân ta dồn lực tiến công và giải phóng Sài Gòn, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày 23/3/1975 ngày giải phóng An Lộc - trung tâm tỉnh lỵ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn ở Bình Phước cũng được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân lựa chọn là ngày giải phóng tỉnh Bình Phước.
Để làm nên những chiến thắng oai hùng đó, để quê hương sạch bóng quân thù, đã có hàng vạn người con Bình Phước và những người con trên mọi miền đất nước chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì Bình Phước, cho Bình Phước và vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Biên niên sử hào hùng của Đảng bộ Tỉnh đã thấm biết bao mồ hôi, nước mắt và cả dòng máu đỏ của bao lớp cán bộ, đảng viên trung kiên qua các thời kỳ. Mỗi cột mốc lịch sử được dựng lên bằng ý chí kiên cường, bằng tình yêu quê hương nồng cháy, bằng tinh thần dấn thân không ngừng nghỉ cho quê hương, xứ sở. Chúng ta càng thêm trân trọng, càng thấm thía sâu sắc giá trị của độc lập, tự do, giá trị của hòa bình và phát triển.
Thưa quý vị đại biểu và đồng bào, đồng chí!
Giải phóng tỉnh Bình Phước đã tròn nửa thế kỷ, tiếng súng, tiếng đạn, bom đã lùi xa, nhưng vết thương chiến tranh vẫn còn đó dai dẳng và âm ỉ, đòi hỏi sự chung tay, đoàn kết, quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt, quan tâm sâu sắc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống cách mạng, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2024, quy mô kinh tế của Bình Phước đạt hơn 115 ngàn tỷ đồng, tăng gấp gấp 92 lần so với lúc mới tái lập tỉnh năm 1997; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9,4% - mức cao so với bình quân chung cả nước; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đến nay xấp xỉ đạt 5 tỷ USD; tốc độ đô thị hóa đạt tỷ lệ hơn 41%; thu nhập bình quân đầu người trên 108 triệu đồng; hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường theo hướng đồng bộ, hiện đại và ngày càng hoàn thiện; các khu công nghiệp, nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai thực hiện; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện; chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; cải cách hành chính, chuyển đổi số có bước phát triển mạnh mẽ; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được thực hiện nghiêm túc… Đây chính là tiền đề quan trọng để Bình Phước hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững vào năm 2030, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam bộ.
Với những đóng góp to lớn trong suốt quá trình kháng chiến, kiến thiết và dựng xây quê hương, đất nước. Tỉnh Bình Phước đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt hôm nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Phước tiếp tục vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Những phần thưởng cao quý và niềm vinh quang lớn lao đó mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn lực tinh thần to lớn cổ vũ Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh ta tiếp tục đoàn kết, tự tin, quyết tâm hoàn thành xuất sắc yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Thưa quý vị đại biểu và đồng bào, đồng chí!
Trong thời khắc thiêng liêng và xúc động này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Phước thành kính tưởng nhớ và đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta.
Trân trọng tưởng nhớ và tri ân các nhà lãnh đạo tiền bối kiệt xuất của Đảng, của dân tộc; các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Trân trọng ghi nhớ, biết ơn và tri ân các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, các tướng lĩnh quân đội, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, các lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cùng các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến mọi miền đất nước đã tham gia và góp phần làm nên thắng lợi ngày 23/3/1975 lịch sử, để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà có cơ hội xây dựng mảnh đất Bình Phước - “bình an và phước lành” như hôm nay.
Trân trọng bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đến những người mẹ, người cha, người anh, người chị; đến Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đã sinh thành, nuôi dưỡng và đưa những người thân yêu, ruột thịt của mình đến chiến đấu, công tác và hy sinh trên mảnh đất này. Xin thành tâm chia sẻ những khó khăn, mất mát, những bất hạnh, đau thương của đồng chí, đồng bào đến nay vẫn còn mang thương tật, di chứng do hậu quả chiến tranh để lại.
Tỉnh Bình Phước xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Trung ương Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xin chân thành cảm ơn các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, lực lượng vũ trang cùng các tỉnh, thành phố trong cả nước đã luôn dành cho Bình Phước sự quan tâm, chỉ đạo, động viên, giúp đỡ, trong suốt chặng đường đã qua, nhất là trong 28 năm tái lập tỉnh, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh giúp Bình Phước vượt qua bao khó khăn để tiến bước đi lên trên con đường xây dựng và phát triển.
Thưa quý vị đại biểu và đồng bào, đồng chí!
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước, chúng ta càng tự hào về những chiến công oanh liệt, truyền thống yêu nước, đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân tỉnh nhà.
Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, 40 ngàn đảng viên và hơn 1 triệu người dân Bình Phước nguyện một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc; quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ. Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Bình Phước sẵn sàng, tự tin tiến bước vào kỷ nguyên mới, để Nhân dân Bình Phước có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Trân trọng kính chúc đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; quý vị đại biểu, quý vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!