Đối tượng tuyên truyền là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, từ nay đến hết năm 2025.
Nội dung tuyên truyền về thực trạng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh thời gian qua và sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU. Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh. Thực trạng, khó khăn, mục tiêu, nhiêu vụ và giải pháp thực hiện các đề án: phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giúp Bình Phước tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững
Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như: tuyên truyền miệng tại các hội nghị báo cáo viên, thông tin thời sự, sinh hoạt, hội họp, tiếp xúc cử tri...; tuyên truyền trên báo chí truyền thông, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của ban, sở, ngành, địa phương, đơn vị; qua hệ thống đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thị xã, thành phố và loa truyền thanh xã, phường, thị trấn; qua hệ thống mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube. Tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, thảo luận sâu. Nắm bắt, định hướng dư luận qua đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và điều tra dư luận xã hội định kỳ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Tuyên truyền bằng pa-nô, áp-phích, bảng led điện tử ngoài trời, các cuộc triển lãm nghệ thuật, hoạt động văn hóa, văn nghệ...