Tạo ‘bước nhảy’ về chất cho ngành giáo dục

Thứ ba - 13/06/2023 21:09 701 0
Do xuất phát điểm của mỗi đơn vị không giống nhau cũng như tư duy, lộ trình thực hiện chưa thống nhất, đặc biệt, việc đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu thực tế và mức độ các đề án đặt ra… khiến việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn.
Bài 2
CẦN ĐẦU TƯ TƯƠNG XỨNG
 
Thiếu nhân lực và trang thiết bị
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để mang lại nền “giáo dục mở”, tuy nhiên trong lộ trình thực hiện không phải đơn vị, địa phương nào cũng gặp thuận lợi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Điển hình tại huyện biên giới Bù Đốp, trong năm học 2022-2023, dù được chính quyền và ngành giáo dục quan tâm phân bổ nguồn nhân lực, trang thiết bị giáo dục, nhưng năm học này, toàn huyện còn thiếu 6 giáo viên Tin học và thiếu 32 bảng tương tác thông minh, tivi để cung cấp cho 22 trường trên địa bàn.

Ông Trần Đình Trọng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp cho biết: Để khắc phục khó khăn về trang thiết bị CNTT phục vụ việc dạy và học đối với một số trường trên địa bàn, chúng tôi chỉ đạo các trường tăng cường sử dụng trang thiết bị hiện có. Đồng thời vận động thầy, cô giáo làm đồ dùng dạy học; tích cực xã hội hóa để mua sắm thiết bị giảng dạy.

Tại huyện Bù Gia Mập, năm học 2022-2023, để đáp ứng nhu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, toàn huyện cần 1.173 máy vi tính, tuy nhiên thực tế chỉ có 759 máy, còn thiếu 414 máy. Đối với môn Tin học, còn thiếu 13 giáo viên so với tổng nhu cầu là 37 người.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Đắk Mai, huyện Bù Gia Mập cho biết: Thực hiện chuyển đổi số trong dạy và học, trường được trang bị các phòng học có hệ thống máy chiếu, kết nối internet. Tuy nhiên, các trang thiết bị CNTT vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Hiện trường chỉ có 20 máy vi tính phục vụ học sinh học môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, số lượng này chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với số học sinh hiện có của trường. Trường đang thiếu các phòng máy tính, phòng học chức năng như: phòng Lap để học tiếng Anh...

 
Một tiết học của cô và trò tại Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, huyện Bù Gia Mập
 
Còn đối với thị xã Chơn Thành, dù được đầu tư bài bản với kinh phí hơn 9,5 tỷ đồng phục vụ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số giáo dục nhưng thực tế địa phương vẫn rơi vào tình trạng thiếu nhân lực và trang thiết bị công nghệ phục vụ dạy và học, thậm chí một số trường còn được đánh giá lạc hậu. Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chơn Thành cho biết: So với mặt bằng chung chưa đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ. Thời gian tới, thị xã cần quan tâm đầu tư hơn nữa cả về nhân lực và vật lực cho nhiệm vụ chuyển đổi số giáo dục.
 
Chuyển đổi số mang lại kết quả tốt, học sinh, giáo viên tiếp cận lượng kiến thức lớn, đa dạng, phong phú và việc truyền đạt kiến thức giữa thầy - trò không chỉ thực hiện trên lớp mà có thể ở những thời điểm thích hợp, bồi dưỡng thêm kiến thức cho giáo viên qua việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Hiện nay, lực lượng chủ chốt tại các đơn vị phục vụ chuyển đổi số là giáo viên Tin học, giáo viên kiêm nhiệm. So với nhu cầu chưa đủ và việc tập huấn còn ít.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT HỒ HẢI THẠCH
 
Cải cách hành chính, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là lộ trình lâu dài cần có sự đầu tư tương xứng về nguồn lực tài chính, con người mới mang lại hiệu quả tích cực. Năm học 2022-2023, tổng kinh phí ngân sách nhà nước và từ xã hội hóa đầu tư cho giáo dục hơn 35,6 tỷ đồng là con số không nhỏ, nhưng so với mục tiêu đề án đặt ra cũng như nhu cầu thực tế thì chưa tương xứng.

Ông Hồ Hải Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Tuy đã triển khai đồng bộ đến từng đơn vị nhưng trong quá trình thực hiện, các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn. Điển hình như cơ sở vật chất, mặc dù đã đầu tư nhưng so với quá trình phát triển vẫn còn thiếu. Bên cạnh đó, một bộ phận nhận thức chưa đầy đủ, đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ làm công tác quản lý thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, ứng dụng CNTT ở các trường còn hạn chế về số lượng và năng lực dẫn đến công tác tham mưu thực hiện chuyển đổi số gặp khó khăn.

Cần hạ thấp “độ vênh”
Trên địa bàn huyện Bù Gia Mập có 33 trường học các cấp, đã triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số vào quản lý, dạy và học, đạt 100%. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục trên địa bàn huyện thực hiện cài đặt VNeID đạt 93,7%, đăng ký kích hoạt định danh điện tử mức độ 2 đạt 63% và đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 66,7%. Đến nay, huyện Bù Gia Mập đã phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí để triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành giáo dục hơn 3,315 tỷ đồng, nhưng thực tế hiệu quả chưa tương xứng.

 
Giáo viên đã thích nghi với việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong dạy và học. Tuy nhiên, đối với học sinh, đặc biệt là học sinh lớp nhỏ, dân tộc thiểu số thì việc ứng dụng CNTT vào học tập, tra cứu tư liệu trên mạng xã hội, các kho học liệu còn chậm, gặp nhiều khó khăn; điều kiện tiếp cận thiết bị điện tử ở mức thấp.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Đắk Mai, huyện Bù Gia Mập NGUYỄN XUÂN PHÚC

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa có đợt giám sát trên diện rộng đối với việc triển khai thực hiện các đề án về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục. Qua giám sát tại các địa phương trong tỉnh đã làm rõ hơn bức tranh về chuyển đổi số giáo dục. Đồng thời, đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị liên quan nhằm nâng cao chất lượng hơn nữa trong thời gian tới.

 Ông Hà Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết: Hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực cho việc giảng dạy CNTT trong trường học các cấp đang là vấn đề đáng quan ngại. Cơ sở hạ tầng phục vụ giảng dạy cần được quan tâm. Bên cạnh đó, các điều kiện để chuyển đổi số trong ngành giáo dục cần được HĐND và các cơ quan chức năng quan tâm trong thời gian tới.

Thực tế tiềm lực tại một số cơ sở giáo dục và mặt bằng chung về kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong tỉnh không đồng đều đã tạo ra “độ vênh” giữa các địa phương, khu vực trong chuyển đổi số giáo dục. Mặt khác, mục tiêu đề án đặt ra quá cao so với thực tế đã tạo ra chênh lệch lớn, khiến việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số ngành giáo dục chưa đạt như kỳ vọng.
 

Tác giả: Nguồn: BPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 162 | lượt tải:69

1494-CV/BTGTU

Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

lượt xem: 118 | lượt tải:48

118-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029

lượt xem: 539 | lượt tải:261
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập156
  • Hôm nay42,912
  • Tổng lượt truy cập13,293,961
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây