Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều người không tiếc tuổi xuân, cống hiến máu xương cho đất nước và trở thành những cán bộ, đảng viên gương mẫu, cốt cán. Đáng tiếc, một số người từng có đóng góp cho đất nước, khi nghỉ hưu lại mang tư tưởng công thần, tự đặt mình cao hơn mọi người để đòi hỏi, phán xét. Họ xúc phạm tổ chức Đảng, Nhà nước, coi thường pháp luật, đòi xét lại lịch sử... Nhiều người không biết mình công thần mà cứ nghĩ đang “dấn thân” cho công bằng, dân chủ! “Bệnh” công thần, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, bởi nó sẽ dẫn rất nhanh tới suy thoái tư tưởng, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước, giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
Công thần không ở đâu xa
Buổi sinh hoạt thường kỳ của Chi bộ khu phố P.T, phường T.P, thành phố Đồng Xoài, Bình Phước hôm ấy bàn việc vận động cán bộ, đảng viên, người dân trên địa bàn đóng góp hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng nặng do bão lũ tàn phá. Sau khi đồng chí Bí thư chi bộ triển khai kế hoạch, vài đảng viên đóng góp tại chỗ. Thấy số tiền chưa được bao nhiêu, Bí thư chi bộ yêu cầu các tổ trưởng tổ đảng chủ động lập danh sách đảng viên tham gia vận động các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Nhưng khi xướng tên một vài vị (từng là người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, thành phố trước khi nghỉ hưu) thì nhận được sự phản đối khá gay gắt. Họ viện lý do hoàn cảnh gia đình, sức khỏe không tốt. Có người nói thẳng thừng: Chúng tôi đã cống hiến suốt mấy chục năm là công chức Nhà nước. Giờ hưu rồi, phải để chúng tôi được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Việc vận động là trên tinh thần tự nguyện chứ không thể “khoác vào cổ” chúng tôi nhiệm vụ đi vận động được! Thấy không khí hơi căng thẳng, Bí thư chi bộ ôn tồn nói: San sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung là tùy tâm mỗi người, nhưng đây cũng là nhiệm vụ của chi bộ. Tuy nhiên, đồng chí nào có hoàn cảnh riêng không thể tham gia thì cứ trao đổi, ta sẽ tìm người khác thay. Thế là nổi lên những tiếng xì xào bàn tán. Nhóm đảng viên lớn tuổi và không là cán bộ, công chức Nhà nước cho rằng, mấy vị từng là “lãnh đạo lớn” mắc “bệnh” công thần, kiêu ngạo. Từng là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nhẽ ra các vị càng nên gương mẫu để làm gương cho đảng viên khác. Quyền hành đi liền quyền lợi, chức cao thì có thù lao xứng đáng, các vị kể công ở đây làm gì! Chỉ có nhóm đảng viên trẻ, đang tham gia các hội, đoàn thể ở khu phố, ở phường thì “mắc kẹt” giữa hai luồng ý kiến nên im lặng.
Ngược lại với những đảng viên nói trên, ở chi bộ khu phố P.T, phường T.P có đảng viên Lê Đức Thành, 80 tuổi đời, 55 tuổi đảng. Dù tuổi đã cao, ông vẫn xông xáo, nhiệt tình với công việc của chi bộ, của khu phố cũng như các hoạt động trui rèn bản thân. Ông Thành rất dị ứng với một vài đảng viên tuổi đời chưa cao nhưng đã có tư tưởng “lão giả an chi”, lừng khừng, ít tham gia sinh hoạt định kỳ và hay từ chối khi tổ chức giao nhiệm vụ. Ông nhận xét: ngay cả việc sinh hoạt định kỳ, học tập nghị quyết, nghe nói chuyện thời sự… là nhiệm vụ thường xuyên của đảng viên, họ cũng không tham gia đầy đủ bằng rất nhiều lý do. Với đức tính cương trực, ông Thành thẳng thắn góp ý với cấp ủy chi bộ, rằng phải quan tâm uốn nắn những đảng viên như thế, dù họ từng là ai, độ tuổi nào. Bởi khi còn công tác, anh là “ông nọ bà kia”, nhưng khi đã nghỉ hưu thì bình đẳng như mọi người và phải chấp hành nhiệm vụ của đảng viên.
Một lần, Bí thư Chi bộ Khu phố P.T đang triển khai nghị quyết của cấp ủy cấp trên nhưng không được mạch lạc thì một vị trước khi nghỉ hưu từng là Bí thư một đảng bộ cơ quan gần trăm đảng viên ghé tai tôi nói nhỏ: Sinh hoạt chi bộ cứ thế này chán quá! Tôi nhẹ nhàng trả lời: Các anh chị ấy trưởng thành từ cơ sở, ít có điều kiện để nâng cao trình độ. Họ mà uyên bác như các báo cáo viên chuyên nghiệp thì đã lên tỉnh hoặc ra Trung ương rồi chứ đâu có ngồi ở khu phố, nhỉ! Anh cười ngượng nghịu. Thực tế là trong 7 đồng chí Bí thư chi bộ khu dân cư ở phường T.P, trừ 2 đồng chí là cán bộ nghỉ hưu tham gia cấp ủy có trình độ đại học và cao cấp chính trị, 5 Bí thư còn lại mới chỉ hết phổ thông, thậm chí có người văn hóa mới hết lớp 7/10 và đều mới qua sơ cấp chính trị. Làm sao đòi họ nói hay, nói giỏi được!
Tôi mang câu chuyện ở Chi bộ khu phố P.T trao đổi với đồng chí Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường T.P, đồng chí cho biết: Đảng bộ phường T.P có 16 chi bộ trực thuộc với tổng số 830 đảng viên, trong đó có 7 chi bộ khu phố. Trên địa bàn phường còn có hơn 2.200 đảng viên sinh hoạt theo Quy định 213-QĐ/TW của Bộ Chính trị - đông nhất trong các xã, phường của thành phố Đồng Xoài. Đặc biệt, hầu hết số cán bộ cấp cao của tỉnh và thành phố Đồng Xoài khi nghỉ hưu đều cư trú trên địa bàn phường. Như vậy, xét về số lượng cũng như trình độ văn hóa - chính trị của đảng viên thì Đảng bộ phường T.P có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, đông chưa hẳn đã mạnh, học vấn cao chưa hẳn đã đóng góp nhiều cho cộng đồng, xã hội. Điều này, không chỉ ở phường T.P mà có thể đúng với nhiều cơ sở đảng khác.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy phường T.P cho rằng, nếu nói “công thần”, “kiêu ngạo” thì có vẻ hơi “nâng quan điểm”. Nhưng chuyện một số đảng viên nghỉ hưu, khi góp ý cho cấp ủy, chính quyền địa phương thường nói “hồi tôi còn làm thế này”; “thời của chúng tôi thế kia”; rồi chê cấp ủy, chính quyền chưa mạnh tay, thiếu quyết đoán, lại có lúc nói thiên vị, thiếu tình người… là không hiếm. Trên địa bàn phường T.P có nhiều dự án quy hoạch quá lâu chưa thực hiện được, như việc thi công các tuyến đường: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Bạch Đằng nối dài; công trình cải tạo Hồ Suối Cam, khu quy hoạch Lâm viên mãi vẫn chưa hoàn thiện… khiến người dân bức xúc; Các dự án nói trên triển khai chậm vì nhiều nguyên nhân, liên quan đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, nguồn vốn và có cả nguyên nhân từ cấp cơ sở trong công tác vận động giải phóng mặt bằng. Người dân vì bức xúc mà phát biểu mất kiểm soát, có thể cảm thông. Nhưng các đảng viên từng là lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp thành phố, hẳn phải nắm rõ việc triển khai các dự án lớn ấy nhanh hay chậm là ngoài quyền hạn của lãnh đạo phường. Thậm chí, có những dự án thuộc thẩm quyền giải quyết khi các đảng viên này còn đương chức, nhưng chính họ không giải quyết được, phải bỏ lửng. Thế nhưng khi về hưu, họ lại phê phán, chỉ trích nặng nề những cán bộ đương nhiệm.
Tôi hỏi: Gặp những tình huống ấy, đồng chí ứng xử thế nào? Bí thư Đảng ủy phường T.P cười: Tất nhiên là không nên tranh luận theo kiểu “tay đôi”, nhưng cũng phải “lận lưng” vài “miếng” chớ. Ví dụ: Trước khi vào buổi tiếp xúc cử tri hay họp HĐND, thấy mấy vị thường có ý kiến về chuyện này, dự án kia một cách quen thuộc, mình chủ động gặp, nói chuyện và “nhờ” các chú, bác, các anh chị ấy có gì khúc mắc cứ góp ý thẳng thắn, chân tình, xây dựng. Việc gì trong phạm vi, phường sẽ cố gắng thực hiện. Việc ngoài phạm vi như dự án này kia, phường sẽ ghi nhận đầy đủ ý kiến để báo cáo và tham mưu cấp trên hướng giải quyết. Thế mà đôi khi nhận lại được những cái vỗ vai, bắt tay đầy vẻ cảm thông từ những người hay “ý kiến” nhất đấy!
Tôi cắt ngang: Theo đồng chí, các biểu hiện ấy có nằm trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống được quy định trong Nghị quyết số 04-NQ/TƯ của BCH Trung ương khóa XII? Bí thư Đảng ủy phường trả lời khéo léo, nhưng vẫn thừa nhận rằng: Việc một số đảng viên viện cớ không tham gia vận động hỗ trợ đồng bào miền Trung ở Chi bộ khu phố P.T thực chất là né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; Chuyện “góp ý” theo kiểu chê bai, chỉ trích nằm ở các mục số 4, số 6 trong 27 biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết số 04-NQ/TW đã chỉ ra. Đó là “nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Chưa kể, khi góp ý về các dự án chậm triển khai, nếu không khéo sẽ rất dễ tác động tiêu cực, kích động tư tưởng bất mãn, chống đối trong quần chúng, gây khó khăn cho các dự án khác.
Bên cạnh số đảng viên hưu trí từng là cán bộ cấp cao của tỉnh và thành phố Đồng Xoài, phường T.P còn có hơn 2.200 đảng viên sinh hoạt theo Quy định 213-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Đây là đội ngũ trí thức rất quan trọng trong tham gia xây dựng Đảng ở cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với những đảng viên “213” và các đồng chí Bí thư chi bộ khu dân cư cho thấy, đội ngũ ấy đông nhưng địa phương chưa “khai thác” được gì ở họ. Phần đông họ thờ ơ với những vấn đề, nhiệm vụ của địa phương nơi mình cư trú. Mỗi năm 2 lần sinh hoạt đảng viên “213”, nhưng kỳ sinh hoạt giữa năm thường vắng nhiều; chỉ buổi sinh hoạt cuối năm là họ có mặt đầy đủ, tham gia đóng góp chút ít với địa phương, liên hoan cuối năm và… nhận phiếu đánh giá, nhận xét của cấp ủy nơi cư trú là coi như đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực trạng này không riêng ở phường T.P hay ở Thành phố Đồng Xoài mà phổ biến ở nhiều nơi.
Như vậy, công thần không ở đâu xa mà ở ngay trong tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi ngày có những thời khắc “bệnh” công thần xuất hiện, phát tác. Nếu không thường xuyên trau dồi, rèn dũa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thường xuyên phát ngôn cảm tính, không vì cái chung; Và nếu tổ chức cơ sở đảng không chú ý, bỏ qua những biểu hiện của “bệnh” công thần, sẽ gây nhiều bất lợi cho Đảng, chính quyền, vì người dân thường dựa vào câu “đảng viên đi trước…” để làm theo!
Từ “công thần” đến “trở cờ”
Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có chính kiến, đấu tranh với cái xấu, cái ác, nhưng phải trên tinh thần xây dựng, xuất phát từ lợi ích của Đảng và cộng đồng, xã hội. Những người nhân danh “đóng góp xây dựng” để nói sai sự thật, phán xét hồ đồ, tự nâng mình lên bằng cách bôi nhọ, hạ thấp người khác, chê bai chế độ không chỉ đáng trách mà còn vi phạm quy định của Đảng.
Vài năm trước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật một cán bộ lãnh đạo còn rất trẻ đã là Ủy viên Trung ương, Bí thư cấp ủy một thành phố lớn. Trong những khuyết điểm, vi phạm của đảng viên này, nghiêm trọng nhất là mất dân chủ, không tôn trọng cấp dưới, áp đặt, coi mình là trung tâm, buộc mọi người phải chấp hành. Đó là biểu hiện rõ nhất của “bệnh” công thần. Rồi chuyện một cán bộ cấp tướng bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe do vi phạm đã mạt sát, đe dọa chiến sĩ cảnh sát. Thậm chí còn tuyên bố cách chức cả giám đốc của đồng chí cảnh sát nọ. Với những hành vi ấy, vị tướng này không chỉ công thần, kiêu ngạo mà văn hóa ứng xử còn có vấn đề! Ngay tại Bình Phước, vụ việc một cán bộ là Huyện ủy viên không chấp hành quy định đo thân nhiệt khi qua chốt kiểm dịch và hạch sách nhân viên trực chốt giữa lúc cao điểm dịch covid-19 hồi năm 2020 đã gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người cán bộ, đảng viên. Dù vị cán bộ này đã bị xử lý nghiêm khắc, nhưng hành động bất chấp nguyên tắc đó cũng đã ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch của tỉnh và tổn hại đến uy tín của tổ chức.
Lại có người từng là hình mẫu của lớp lớp thanh niên một thời với câu nói nổi tiếng: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”; từng được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng đã phát ngôn tại một số diễn đàn, trả lời phỏng vấn một số trang mạng có tư tưởng thù địch với Việt Nam, khiến ai cũng phải sững sờ trước sự thay đổi về tư tưởng của ông, đến mức vị tướng già Nguyễn Quốc Thước phải thốt lên: Tôi rất đau lòng! Trong khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang đang tìm mọi giải pháp tích cực nhất để chống “tự diễn biến, tự chuyển hoá” thì một vị tướng lại tự làm vấy bẩn danh dự của bản thân, của Quân đội Nhân dân Việt Nam bằng những thông tin xuyên tạc và rêu rao các luận điệu của những kẻ chống phá, kích động chiến tranh, khiến lòng dân bất an. Một số nhân sỹ, trí thức khác, như vị Giáo sư từng là Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức; vị Giáo sư từng là giảng viên trường Đại học Xây dựng; vị cán bộ lãnh đạo từng là Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh; một nhà văn tên tuổi, từng giữ chức Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ… cũng do mắc “bệnh” công thần mà hủy hoại cả danh tiếng, sự nghiệp khi ở đỉnh cao. Vì kiêu ngạo, tự cho mình minh triết hơn người mà nhóm nhân sỹ này đã ngông cuồng viết “Thư ngỏ” gửi Bộ Chính trị “đòi” từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, “đòi” thay tên nước, “đòi” đổi tên đảng và “đòi cải cách toàn diện” để tiến tới dân chủ (!?).
Người trí thức chân chính, ngoài say mê lao động sáng tạo thì còn phải có lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, biết đồng hành, gắn bó với cộng đồng, dân tộc, với đất nước đã nuôi dưỡng mình khôn lớn, trưởng thành. Vậy mà chỉ vì bất đồng với một vài chủ trương, đường lối của Đảng, họ không thể hiện chính kiến một cách chuẩn mực, theo quy định của Đảng, của pháp luật mà lại trượt dài vào việc bới móc, công kích, xuyên tạc; Thậm chí cấu kết với các phần tử chống phá cực đoan, cơ hội chính trị để hạ bệ lãnh tụ, đòi xét lại lịch sử; phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đòi thực hiện đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập. Cuối cùng, họ thành những kẻ “trở cờ”, quay lưng tuyên bố bỏ Đảng!
Cần loại bỏ “bệnh” công thần, kiêu ngạo cộng sản!
Khi cầm trên tay phiếu khảo sát, đánh giá đảng viên hằng năm có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hẳn rất nhiều đảng viên phân vân, không biết mình có “suy thoái” không và tự nhận ở mức độ nào trong 27 biểu hiện. Tuy nhiên, từ những dẫn chứng đã nêu cho thấy, từ công thần đến suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống đôi khi chỉ là một gạch nối (-). Điều đáng nói là nhiều người cứ tưởng mình là “cứu tinh”, cứ “hồn nhiên” phản biện, góp ý theo kiểu xét nét, quy chụp mà không biết bản thân đã mắc “bệnh”, cứ trượt dài trong những việc làm sai trái mà không biết mình đang bị các tổ chức, cá nhân cơ hội chính trị, phản động triệt để lợi dụng. Chính vì thế, vấn đề này đã được Đảng ta đặt ra một cách nghiêm túc khi đưa “bệnh” công thần là một trong 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Để phòng, chống “bệnh” này, trước tiên các cấp ủy Đảng phải giúp đảng viên nhận thức rõ nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó có biểu hiện công thần là hết sức nguy hiểm, đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Hiện nay, những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập, mở cửa đang tạo ra những kẽ hở trong quản lý, điều hành xã hội mà pháp luật chưa kịp hoàn thiện, thì việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng càng quan trọng hơn bao giờ hết. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận, rèn luyện bản lĩnh chính trị; nhận thức đúng thì hành động sẽ đúng; bản lĩnh vững vàng, kiên định mục tiêu của người Cộng sản thì không thế lực nào có thể mua chuộc được. Đồng thời cần thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về công tác cán bộ. Nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng thời gian qua cho thấy, việc chọn sai người vào những vị trí quan trọng, nhạy cảm rất dễ dẫn tới những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng. Cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nguy cơ suy thoái tư tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các nguyên tắc, quy định của Đảng đối với cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng, nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa các biểu hiện tiêu cực, suy thoái, trong đó có “bệnh” công thần, kiêu ngạo cộng sản. Cần thực hiện thật nghiêm việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, tránh tình trạng nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”; đồng thời triệt để khắc phục “bệnh” thành tích. Khắc phục tình trạng thờ ơ, bàng quan chính trị, quá coi trọng vai trò cá nhân và giá trị vật chất.
Đối với phường T.P và thành phố Đồng Xoài – địa bàn có nhiều dự án “treo”, các cấp ủy Đảng cần quản lý và phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC); thực hiện tốt quy định nêu gương thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày gắn với nhiệm vụ được phân công. Bên cạnh động viên, khuyến khích kịp thời, phải đi kèm với chế độ kiểm tra, giám sát nghiêm túc, để mỗi CBCC trong hệ thống chính trị không dám lợi dụng vị trí việc làm để tham nhũng, tiêu cực; giúp họ phấn đấu, trở thành những tấm gương người thật việc thật tại cơ sở. Với đội ngũ cán bộ, đảng viên hưu trí, các cấp ủy cơ sở cần khơi dậy tinh thần gương mẫu, đi đầu trong chấp hành quy định, nguyên tắc của Đảng và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước ở cơ sở. Quan tâm giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ kế cận và khắc phục triệt để “bệnh” công thần. Qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tại Đại hội lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: Có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng...”. Quả là chẳng to tát, lớn lao gì, bắt đầu chỉ là việc kể công, tự phụ, vài câu chỉ trích, chê bai, không chấp hành sự phân công của tổ chức… Nhưng nếu không được chỉ ra và uốn nắn kịp thời sẽ dẫn rất nhanh đến việc a dua theo những luận điệu chỉ trích, nói xấu Đảng, nói xấu chế độ, trở thành “phát ngôn viên” cho các thế lực thù địch. Việc Đảng ta ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TƯ của BCH Trung ương với 27 biểu hiện suy thoái là đã nhìn rõ các “căn bệnh” mang tính thời đại trong cán bộ, đảng viên. Nếu không được phát hiện, uốn nắn kịp thời, “bệnh” công thần sẽ trở thành những ổ mối ăn mòn chân đê, trở thành mối nguy của Đảng.
Tác giả Linh Tâm (thứ ba từ trái qua) đại diện nhóm tác giả nhận giải A tại Lễ Trao giải cuộc thi chính luận về bảo vệ nên tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 năm 2023
Nhóm tác giả Linh Tâm, Đào Thị Lanh
Giải A, Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3/2023 cấp Trung ương