Bài 1: HỌC LÀM CÁN BỘ
“Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại". Đó mà một trong những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc trang trọng tại các hội trường trung tâm trong hệ thống trường Đảng trung ương, các trường Chính trị trong cả nước. Mục đích của việc học được Người chỉ ra rất cụ thể. Đáng chú ý trong lời dạy của Bác, để làm cán bộ, cũng cần phải học.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khi nói chuyện chuyên đề nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Bình Phước (năm 2022) đã trăn trở: “Suốt mấy năm nay, thông cáo kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của Bộ Chính trị, tất cả các vụ án, vị nào cũng mắc vào một khuyết điểm giống nhau: vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vô hiệu hóa cả tập thể cấp ủy, vì động cơ lợi ích không trong sáng… Điều này càng thấy rõ vì sao vấn đề cán bộ lúc này nóng bỏng đến như thế, nhất là cán bộ cho tương lai, cán bộ cấp chiến lược…”.
Công tác “then chốt của nhiệm vụ then chốt”
Ông Điểu Saret, Bí thư chi bộ, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, bày tỏ lo ngại tình trạng cán bộ vi phạm pháp luật như thời gian qua sẽ tạo cớ để các thế lực xấu chống phá. Ông cũng khẳng định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cán bộ thiếu tu dưỡng đạo đức, tổ chức thiếu công tác kiểm tra, giám sát, từ đó đề nghị Đảng phải chú trọng hơn đến công tác giáo dục cán bộ, đảng viên. “Cha ông chúng ta trước đây đã dựng nước, giữ nước, thế hệ hôm nay phải có trách nhiệm giữ nước. Trong đó, mỗi đảng viên phải không ngừng học tập, phấn đấu rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức - đó là đạo đức cách mạng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải học hỏi chính trị, tu dưỡng bản thân, tự rèn luyện hàng ngày. Đừng để xói mòn về tư tưởng, về chính trị, về đạo đức…” - ông Điểu Saret nhấn mạnh.
Những băn khoăn của người đảng viên DTTS cũng nhắc lại một thực tế mà Đảng ta đã nhìn thấy và chỉ ra - đó là công tác cán bộ. Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: Trên cơ sở kế thừa, phát triển tinh thần của Đại hội XII, Đại hội XIII thấy rằng công tác cán bộ là cực kỳ quan trọng. Trong thời gian vừa qua chúng ta đã mất mát rất nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao. Trước thực tiễn đó, Đại hội XIII mới quyết định rút nội dung xây dựng công tác cán bộ, vốn nằm trong xây dựng Đảng về tổ chức, thành một chủ thể riêng để tập trung lãnh đạo, để nhấn mạnh và để tổ chức thực hiện cho tốt, vì cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đại hội cũng xác định “công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt”.
Khoa học lãnh đạo bây giờ là phải phát hiện đúng, đánh giá đúng, bổ nhiệm, đề bạt đúng, chính sách cán bộ hợp lý, đặc biệt là chú trọng kiểm soát quyền lực để làm cho Đảng tránh mắc khuyết điểm, sai lầm và không mất cán bộ. Mất cán bộ là mất hết.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Để có đội ngũ cán bộ tốt, một trong những giải pháp được Đảng bộ tỉnh Bình Phước chú trọng chính là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về tư tưởng chính trị lẫn nghiệp vụ chuyên môn, thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển. Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước, ông Nguyễn Hồng Trà, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được nhấn mạnh tại Đề án số 05-ĐA/TU. Trước mắt Ban Thường vụ tập trung quyết liệt làm việc này.
“Xác định công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nhiệm kỳ trước cũng thế mà nhiệm kỳ này cũng thế. Nhưng lần này Ban Thường vụ làm bài bản căn cơ hơn, tức là rà soát, đánh giá công khai, minh bạch, chọn lựa đội ngũ đáp ứng đủ tiêu chí đặt ra để đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận cho nhiệm kỳ 2025-2030 đảm bảo tiêu chuẩn” - ông Nguyễn Hồng Trà nhấn mạnh.
Đề án số 05-ĐA/TU về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu: Hằng năm 100% cán bộ, công chức, viên chức phải được bồi dưỡng theo quy định; xây dựng và tạo nguồn cán bộ cho nhân sự lãnh đạo quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và cả nhiệm kỳ tiếp theo, nhất là cán bộ trẻ. Mỗi năm luân chuyển, điều động ít nhất 5% trở lên đến năm 2025 và 10% trở lên đến năm 2030 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Đột phá công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh năm nay đã có đột phá mới, khi lần đầu tiên tổ chức Lớp bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh. Quy trình sát hạch, tuyển chọn nghiêm ngặt, chặt chẽ, công tâm, để lựa chọn 23 cán bộ tham gia lớp đối tượng 1 và 25 cán bộ tham gia lớp đối tượng 2. Đó là những hạt giống tốt, cả về năng lực, phẩm chất chính trị, kỹ năng và đạo đức cách mạng trong sáng, hứa hẹn sẽ từng bước trở thành những hạt nhân lãnh đạo cao hơn, góp sức phục vụ đơn vị, đưa Bình Phước phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Là một trong 23 học viên của lớp đối tượng 1, ông Mạc Đình Huấn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, bày tỏ việc được lựa chọn tham gia lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn là niềm tin của Đảng dành cho cá nhân ông. Ông tin rằng bản thân mình nói riêng và những cán bộ được Đảng tiếp tục dành sự quan tâm đào tạo nói chung sẽ nhanh chóng trưởng thành.
“Tôi cảm nhận đây là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh đối với công tác cán bộ - một nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Tôi nghĩ rằng học tập là một quá trình không ngừng nghỉ. Học không chỉ là tìm kiến thức mới mà còn là sự hoàn thiện và phát triển bản thân mỗi ngày. Khi ta học tập là ta đang tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự nghiệp của mình, giúp ta tiến xa hơn, có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước” - ông Mạc Đình Huấn tâm đắc.
Các học viên lớp cán bộ nguồn tỉnh Bình Phước đang thảo luận tại một buổi học.
Chú trọng cán bộ dân tộc thiểu số
Không chỉ chú trọng cán bộ nguồn, là tỉnh có tỉ lệ DTTS chiếm trên 19% dân số, nên Bình Phước luôn đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng này. Giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh có 108 lượt cán bộ, công chức, viên chức DTTS được tỉnh cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện đã thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 1.479 lượt cán bộ.
Đảng viên người dân tộc M’nông Điểu Thị Huyền Tâm, giáo viên Trường THPT Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, đang tham gia lớp trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh, bày tỏ: Tôi tin rằng sau khi học xong chương trình này, không chỉ tiếp nhận được nhiều kiến thức, mà quan trọng hơn là tôi rèn luyện được bản lĩnh. Điều này không chỉ giúp tôi biết cách vận dụng những kiến thức được học vào thực tiễn, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ được giao, mà còn giúp bản thân tôi đủ sức vượt qua cám dỗ.
Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 30-7-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X “về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” cho thấy, 15 năm qua,Trung ương đã ban hành 422 văn bản có liên quan đến công tác cán bộ. Con số này tiếp tục khẳng định: công tác cán bộ luôn là “then chốt của nhiệm vụ then chốt”, phải được dành sự quan tâm đặc biệt.
Thanh Phương -Cẩm Liên - Viết Bằng
Giải Nhì Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần 3/2023