CẦN NHẬN RÕ NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC CỦA CÁCH MẠNG DO ĐẢNG LÃNH ĐẠO VÀ NHỮNG TIÊU CỰC TRONG ĐẢNG
Trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương lần thứ tư thường diễn ra vào quý IV năm đầu của nhiệm kỳ. Hội nghị Trung ương lần thứ tư các nhiệm kỳ Đại hội XI, XII và XIII của Đảng đều có nội dung bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều đó cho thấy, Đảng ta đặc biệt quan tâm tới sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới. Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XIII là sự kế thừa, phát triển các nghị quyết hội nghị Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong 35 năm đổi mới, đặc biệt là Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XI và XII.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII nêu rõ thành tựu của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là “từ ngày có Đảng, nhân dân ta đã có người lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, và nhờ thế đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta -Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng”.
Đồng thời, Nghị quyết cũng vạch ra những tiêu cực, hư hỏng của cán bộ, đảng viên, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, nhấn mạnh nhất là sự “phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt Đảng”.
Trung ương nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, “bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân”. Vì vậy, Trung ương nhấn mạnh phải “kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong toàn Đảng”.
Nhân đây, cần nói thêm, nhấn mạnh mấy điểm về chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân là quan điểm của người chỉ chú trọng đến quyền lợi riêng của mình, đặt quyền lợi của cá nhân mình lên trên quyền lợi của toàn thể và của xã hội. Khác với cá nhân chủ nghĩa là nói đến hành vi cụ thể chỉ nghĩ đến quyền lợi của riêng mình, không nghĩ đến quyền lợi của người khác hay của tập thể, nói chủ nghĩa cá nhân là nói đến quan điểm, tức là cách xem xét và giải quyết vấn đề quan hệ giữa cá nhân và tổ chức, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung theo lập trường, quan điểm và tư tưởng nào? Trung ương nói tới chủ nghĩa cá nhân là nói tới cái nguồn, cái gốc có tính chất bao trùm, xuyên suốt, cao hơn, rộng hơn, sâu hơn cá nhân chủ nghĩa, “cha đẻ” của mọi thứ xấu xa, tội lỗi, trong đó, có cá nhân chủ nghĩa. Vì vậy, muốn đẩy lùi các tiêu cực, suy thoái, tha hóa của cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thì phải tiêu diệt, quét sạch, nhổ tận gốc là chủ nghĩa cá nhân.
Đánh giá tư tưởng và ý thức của đảng viên là thông qua cách xem xét, bàn bạc và hành động của đảng viên đối với các vấn đề quan trọng của cuộc đấu tranh chính trị, tư tưởng, tổ chức, đường lối cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Xem thái độ và lập trường của mọi người đối với những vấn đề căn bản của cuộc đấu tranh chính trị, xem cách bàn bạc hành động, xem kế hoạch, phương châm của họ đối với những vấn đề ấy, thì ta biết rõ họ đại biểu cho tư tưởng, quan điểm, mong muốn, và lợi ích của giai cấp nào”(1).
Chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với chủ nghĩa tập thể. Cách đặt vấn đề của chủ nghĩa tập thể là luôn luôn xuất phát từ lợi ích cách mạng để phục vụ cho lợi ích cách mạng. Ý thức và tư tưởng của giai cấp vô sản biểu hiện cụ thể, rõ ràng trong lập trường và thái độ, đường lối và phương châm trong hoạt động và đấu tranh chính trị phục vụ cho lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Người nhận thức rõ và đề cao chủ nghĩa tập thể là người có đảng tính. Tức là bất kỳ bao giờ, ở đâu, bất kỳ việc gì dù lớn hay bé đều phải tính đến lợi ích chung của cách mạng. Tư tưởng của những người theo chủ nghĩa tập thể là chỉ có sự nghiệp của Đảng và dân tộc, lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, việc của cá nhân và lợi ích cá nhân để lại sau. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”(2).
Cách đặt vấn đề của chủ nghĩa cá nhân là xuất phát từ cá nhân để phục vụ cho cá nhân. Do đó, cách giải quyết của người mang nặng chủ nghĩa cá nhân, thậm chí chỉ dính vào chủ nghĩa cá nhân là khi thấy lợi ích cá nhân và lợi ích của Đảng, của cách mạng, Tổ quốc, nhân dân có mâu thuẫn, thì họ không sẵn sàng, không kiên quyết đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên hết, lên trước hết. Thậm chí họ làm ngược lại, đặt lợi ích cá nhân ra trước lợi ích của Đảng; lợi ích của nhân dân phục tùng lợi ích cá nhân; lợi ích toàn thể phục tùng lợi ích nhóm. “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”(3).
Vấn đề chủ nghĩa cá nhân đã được Hồ Chí Minh đề cập từ rất sớm. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Người chỉ ra “trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh nguy hiểm”(4). Chỉ dẫn của Hồ Chí Minh cho ta nhận thức chủ nghĩa cá nhân là bệnh gốc, bệnh mẹ; là vi trùng rất độc; chống chủ nghĩa cá nhân phải đi liền với thực hành chí công vô tư, nêu cao chủ nghĩa tập thể.
Trong di sản của mình, Hồ Chí Minh chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó. “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(5). Phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.
Cần phải hiểu thấu, nói đến chủ nghĩa cá nhân là nói đến tư tưởng tiểu tư sản ở trong mỗi người. Nó chờ dịp thất bại hoặc thắng lợi là ngóc đầu dậy. Nhưng thể hiện từng nơi, từng lúc, từng trình độ, cương vị công tác khác nhau.
Nghị quyết Trung ương chỉ ra đối với cán bộ, đảng viên, chủ nghĩa cá nhân biểu hiện ở chỗ sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân. Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thể lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Phải nhận thức đúng đắn rằng “đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”(6). Bởi vì, “mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích tập thể thì không phải là xấu”(7). Vấn đề là ở chỗ “lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”(8).
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
Hội nghị Trung ươpng 4 khóa XII đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; và kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Theo đó phải chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái”.
Xuất phát từ những lời dạy của Hồ Chí Minh và các giải pháp Trung ương nêu ra, xin nhấn mạnh, làm rõ mấy điểm như sau:
Thứ nhất, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và XIII đều đề cập công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Vấn đề đặt ra là phải xem lại chúng ta đã thực hiện nhiệm vụ, giải pháp này đến đâu? Như thế nào? Cái gì làm tốt, cái gì chưa tốt, nguyên nhân, giải pháp? Phải chăng công tác giáo dục chính trị tư tưởng vẫn chưa thật sự thấm sâu vào tim, óc của cán bộ, đảng viên. Cấp ủy đảng các cấp và cán bộ, đảng viên nhận thức và thực hiện nhiệm vụ này chưa thấu.
Trong những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, có một điều rất quan trọng thể hiện tư cách của một Đảng chân chính cách mạng, xuyên suốt trong lãnh đạo của Đảng. Đó là “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(9).
Nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu và xuyên suốt là phải xem xét lại việc giáo dục chính trị tư tưởng để có biện pháp ráo riết, triệt để khắc phục những gì làm chưa được, chưa tốt. Bởi vì, có được giáo dục chính trị tư tưởng một cách thật sự mà cụ thể là giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên thì mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết và trình độ chính trị, mới chống được chủ nghĩa cá nhân, làm tốt công tác Đảng giao phó cho mình.
Không ít cấp ủy, cán bộ, đảng viên xem nhẹ, coi thường việc học tập chính trị tư tưởng. Họ không hiểu rằng nhận thức sai thì hành động sai; nhận thức lệch lạc, méo mó thì hành động lệch lạc, méo mó. Hiểu không thấu thì làm không đúng. Vấn đề là học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn.
Thứ hai, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII nêu lại, nhấn mạnh việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận. Đây là nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng và rất cần thiết được Hồ Chí Minh bàn tới rất sớm, sâu sắc, toàn diện. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII đã đề cập. Muốn nhân dân, báo chí, công luận thực hiện được vai trò giám sát thì điều quan trọng nhất là xây đắp, vun bồi nền dân chủ. Phát huy quyền làm chủ thật sự của nhân dân. Đây là cốt lõi của giải pháp hoàn thiện tính khoa học của bộ máy và cơ chế.
Dân giám sát là một điểm mới, điểm nhấn trong Đại hội XIII. Muốn thực hiện tốt điều này, không gì tốt hơn học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trước hết, cán bộ, đảng viên phải hiểu thấu rằng “nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn… Công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”(10). Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, khuyến khích, tạo điều kiện cho quần chúng nói. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”(11). Theo Hồ Chí Minh, nhân dân kiểm soát là tốt nhất, đó là kiểm soát từ dưới lên. Người viết: “Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất”(12).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh, phải có “cái lồng nhốt” quyền lực. “Cái lồng” đó là vai trò, trách nhiệm của các tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, cấp ủy. Nhưng nhất định phải dựa vào “cái lồng nhân dân” với nội dung cốt tủy là dân chủ thật sự.
Cơ chế, bộ máy, trong đó có khía cạnh tính nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật đảng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì hàng đầu, xuyên suốt là giải thích, thuyết phục, cảm hóa, giáo dục. Nhưng không phải là không xử phạt. Nếu không xử phạt thì mất hết kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Theo Hồ Chí Minh, “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(13).
Thứ ba, ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng, vì “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Mặt khác, tính xấu của môt người thường, chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân.
Bộ máy, cơ chế dù hoàn thiện đến đâu mà con người hư hỏng thì sẽ phá tan bộ máy. Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Tư tưởng, đạo đức, phong cách, phương pháp của các đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp có ảnh hưởng, tác động rất lớn tới quần chúng nhân dân và xã hội. Công cuộc đổi mới thuận lợi hay khó khăn, thành công nhiều hay ít đều do cán bộ tốt hay kém.
Hy vọng và tin tưởng rằng, nếu nhận thức và hành động đúng thì khía cạnh nhỏ sẽ đem lại kết quả lớn trong việc quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng./.
PGS.TS. Bùi Đình Phong
(1) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.6, tr.292, 127.
(2) (4) (7) (8) (9) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.290, 295, 610, 610, 290, 328.
(3) (10) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.546-547, 668, 526.
(5) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.609, 610.
(10) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.668, 526.
Ý kiến bạn đọc
Tài liệu Hỏi – Đáp sử dụng mạng xã hội đúng cách
lượt xem: 48 | lượt tải:8KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC “Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ TẦM VÓC CHIẾN LƯỢC CỦA CHIẾN THẮNG CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 14 - PHƯỚC LONG” (06/01/1975 - 06/01/2025)
lượt xem: 161 | lượt tải:58Công văn định hướng tuyên truyền tháng 01-02/2025
lượt xem: 113 | lượt tải:18