Ph.Ăngghen (1820 - 1895). (Ảnh tư liệu) |
Ph.Ăngghen là lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới, đồng thời cũng là một triết gia vĩ đại với những cống hiến kiệt xuất. Mặc dù Ph.Ăngghen rất khiêm tốn, luôn tự nhận mình là cây vĩ cầm thứ hai bên cạnh Mác, luôn khẳng định vai trò sáng lập hàng đầu là thuộc về C.Mác, nhưng những người nghiên cứu về chủ nghĩa Mác đều nhận thấy những đóng góp to lớn, dấu ấn sâu đậm của Ph.Ăngghen trong việc hình thành và phát triển chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng. Đúng như C.Mác đã đánh giá, Ph.Ăngghen là một trong những đại biểu xuất sắc nhất của chủ nghĩa xã hội hiện đại. V.I.Lênin khẳng định: “Muốn đánh giá đúng đắn những quan điểm của Mác, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng tác gần gũi nhất của Mác là Ph.Ăngghen” (1).
Một là, Ph.Ăngghen đã góp phần làm cho triết học phát triển thành chủ nghĩa duy vật biện chứng, trang bị “công cụ nhận thức vĩ đại” cho nhân loại.
Đỉnh cao của chủ nghĩa duy vật trước C.Mác và Ph.Ăngghen là chủ nghĩa duy vật của L.Phoiơbắc. Mặc dù chứa đựng không ít những hạt nhân hợp lý nhưng nhược điểm lớn nhất đó là chưa thoát khỏi tính siêu hình, duy vật về tự nhiên, duy tâm về xã hội. Trong khi đó, phép biện chứng lại bị nhốt trong cái vỏ duy tâm thần bí của triết học cổ điển Đức, đặc biệt là hệ thống triết học duy tâm, bảo thủ, phản động của G.V.Ph.Hêghen. Để xây dựng một thế giới quan, phương pháp luận triết học thực sự khoa học và cách mạng, đem lại cho loài người một công cụ nhận thức vĩ đại, độc lập với C.Mác và cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã có một số tác phẩm độc lập và một số tác phẩm viết chung với C.Mác để tiến hành cải tạo chủ nghĩa duy vật L.Phoiơbắc, phép biện chứng duy tâm của G.V.Ph.Hêghen. Hai ông đã tiến hành một cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử tư tưởng triết học nhân loại bằng việc thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật với phép biện chứng, thống nhất giữa chức năng thế giới quan với chức năng phương pháp luận, thống nhất giữa tính đảng, tính cách mạng và tính khoa học, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của triết học. Ph.Ăngghen đã cùng với C.Mác làm cho triết học trở thành “chủ nghĩa duy vật triết học hoàn bị”, thành “công cụ nhận thức vĩ đại” của nhân loại.
Hai là, Ph.Ăngghen cùng với C.Mác đã sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, thực hiện cuộc các mạng trong toàn bộ quan niệm duy vật về lịch sử thế giới.
Ph.Ăngghen có vai trò rất quan trọng trong việc cùng với C.Mác sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật lịch sử. Tác phẩm “Lược khảo phê phán khoa kinh tế chính trị” - công trình lớn đầu tiên của Ph.Ăngghen về kinh tế được viết từ năm 1843 đến đầu năm 1844. Trong tác phẩm này, ngoài việc phê phán các nhà kinh tế học tư sản, Ph.Ăngghen đã nhìn nhận sâu sắc cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh, nội dung kinh tế và ảnh hưởng xã hội của nó. Tác phẩm đã cung cấp nhiều tư liệu quan trọng cho “Hệ tư tưởng Đức”, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị - Lời tựa” và một số tác phẩm khác của C.Mác và Ph.Ăngghen sau này. Đặc biệt, trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, hai ông đã trình bày những quan điểm duy vật mang tính nền tảng cho việc nhận thức lịch sử - xã hội. Khẳng định: Sản xuất vật chất là cơ sở quyết định sự tồn tại của xã hội và tổng thể những lực lượng sản xuất mà con người đạt được quyết định trạng thái của xã hội; không phải ý thức quyết định đời sống của con người mà chính đời sống của con người quyết định ý thức của họ... Đây là những tư liệu rất quan trọng để sau đó C.Mác hệ thống, khái quát thành tư tưởng cơ bản nhất quan điểm duy vật về lịch sử.
Ba là, Ph.Ăngghen là người đặt nền móng, xây dựng và phát triển học thuyết mácxít về chiến tranh và quân đội.
Chiến tranh và quân đội là một hiện tượng xã hội đặc biệt phức tạp. Nhận thức và giải thích hiện tượng này nhất định phải dựa trên thế giới quan và phương pháp luận triệt để khoa học và cách mạng. Là một nhà tư tưởng quân sự thiên tài, Ph.Ăngghen có công đặt nền móng, xây dựng và phát triển học thuyết mácxít về chiến tranh và quân đội. Với thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, Ph.Ăngghen đã giải thích một cách khoa học nguồn gốc, bản chất, tính chất xã hội của chiến tranh; chỉ ra mối liên hệ giữa chiến tranh và kinh tế, chiến tranh và chính trị; mối quan hệ giữa con người và vũ khí kỹ thuật; vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần và của quần chúng nhân dân trong chiến tranh.
Ph.Ăngghen là người đầu tiên chỉ ra nguồn gốc, bản chất, bản chất giai cấp của của quân đội, bóc trần sự xảo trá, lừa bịp của các học giả quân sự tư sản khi muốn che đậy bản chất giai cấp của quân đội các nhà nước bóc lột. Ph.Ăngghen còn đề ra những luận điểm làm nền móng cho việc xây dựng lực lượng vũ trang của giai cấp vô sản để bảo vệ thành quả cách mạng. Những đóng góp của Ph.Ăngghen trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật quân sự đã góp phần làm phong phú, sâu sắc hơn di sản lý luận của chủ nghĩa Mác trong kho tàng tri thức, văn hóa nhân loại, một mẫu mực về sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử vào nhận thức, giải thích một lĩnh vực đặc biệt phức tạp là chiến tranh và hòa bình, quân sự và quốc phòng, khởi nghĩa vũ trang và đấu tranh cách mạng, xây dựng quân đội cách mạng và bảo vệ Tổ quốc. Khi bàn về tài năng quân sự của Ph.Ăngghen, C.Mác coi ông là “người có uy tín về quân sự bậc nhất” thời bấy giờ. V.I.Lênin gọi Ph.Ăngghen là nhà tư tưởng lỗi lạc của giai cấp vô sản, là nhà am hiểu quân sự vĩ đại.
Bốn là, Ph.Ăngghen có công lao vĩ đại trong việc hệ thống hóa triết học mácxít.
Ngoài những tác phẩm viết chung với C.Mác, những tác phẩm Ph.Ăngghen viết độc lập như “Chống Đuyrinh”, “Biện chứng của tự nhiên”, “Lút vích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”, v.v. đã để lại dấu ấn vô cùng sâu sắc trong việc hệ thống hóa triết học mácxít. Đặc biệt, tác phẩm “Chống Đuyrinh” là một tác phẩm có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống lý luận mácxít, lần đầu tiên Ph.Ăngghen trình bày một cách hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng. V.I.Lênin đã đánh giá “Quan điểm của hai ông được trình bày hết sức rõ và tỉ mỉ trong những tác phẩm của Ăngghen: “Lútvích Phơbách” và “Chống Đuyrinh”, những sách này cũng như “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, đều là những sách gối đầu giường của mọi công nhân giác ngộ” (2). Thông qua nhiều tác phẩm của Ph.Ăngghen mà nhiều luận điểm, nguyên lý, quy luật và phạm trù của triết học mà C.Mác và ông xây dựng đã được trình bày một cách có hệ thống.
Năm là, Ph.Ăngghen đã đưa ra một số dự báo thiên tài trong lĩnh vực triết học.
Ph.Ăngghen tiên đoán chính xác nguyên tử không phải là những hạt vật chất nhỏ bé nhất. Thời Ph.Ăngghen, người ta cho nguyên tử là phần tử nhỏ nhất của vật chất, không thể phân chia. Nhưng với tư duy biện chứng sâu sắc, năm 1885, Ph.Ăngghen khẳng định: “Nhưng các nguyên tử thì tuyệt nhiên không phải giản đơn hoặc nói chung không phải là những hạt vật chất nhỏ nhất mà ta biết”(3). Mười hai năm sau, năm 1897, luận điểm này đã được chứng minh khi Tômxơn phát hiện ra điện tử. Và mãi sau này, V.I.Lênin mới khẳng định: Điện tử cũng vô cùng như nguyên tử, tự nhiên là vô tận.
Ph.Ăngghen dự đoán thiên tài về sự liên hệ, chuyển hóa của các hình thức vận động cơ bản, giữa các khoa học, khoa học càng phân ngành càng dẫn đến sự thống nhất, toàn vẹn. Khi phân tích sự chuyển hóa của các dạng vận động và phân loại các khoa học, Ph.Ăngghen đã chỉ ra những khâu nối, khâu trung gian giữa các vận động, giữa các khoa học, ở điểm tiếp xúc giữa các khoa học, đó chính là nơi người ta phải chờ đợi những thành quả to lớn nhất. Hiện nay, với sự xuất hiện những bộ môn mới như hóa lý, sinh hóa, v.v., đặc biệt là điều khiển học, tự động hóa, những thành tựu to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng chứng minh tính đúng đắn cho dự báo thiên tài của Ph.Ăngghen. Về sự phát triển của khoa học, ông tiên đoán rằng bản thân khoa học càng phân ngành nhỏ bao nhiêu thì nó sẽ càng trở nên một thể thống nhất toàn vẹn bấy nhiêu, đó là đặc điểm quan trọng của khoa học tự nhiên hiện đại. Điều này đã được chứng minh bởi sự phát triển của khoa học hiện nay.
Ph.Ăngghen tiên đoán chính xác mối liên hệ giữa toán học với nhu cầu thực tiễn của con người, bác bỏ chủ nghĩa duy tâm trong lĩnh vực toán học. Toán học là một môn khoa học được mệnh danh là “trừu tượng của trừu tượng”. Do vậy, thời của Ph.Ăngghen và hiện nay chủ nghĩa duy tâm trong toán học vẫn có điều kiện để tồn tại khi lý giải về nguồn gốc của các trừu tượng toán học. Trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”, Ph.Ăngghen cho rằng, ngay toán học, một môn khoa học được coi là trừu tượng nhất cũng không phải do lý tính tự do sáng tạo ra; mà nó xuất hiện do nhu cầu của con người: “Họ quên rằng toàn bộ cái mà người ta gọi là toán học thuần túy đều nghiên cứu những điều trìu tượng, rằng tất cả những đại lượng của họ, nói một cách, chặt chẽ, đều là những đại lượng tưởng tượng và tất cả những sự trìu tượng đẩy đến cực độ đều biến thành những điều vô lý, thành những cái đối lập” (4).
Cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen trong lĩnh vực triết học là không thể phủ nhận. Những cống hiến ấy đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, góp phần minh chứng cho tính hệ thống, tính hoàn bị, tính tự giác và bản chất khoa học và cách mạng của triết học Mác - Lênin. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và sự nghiệp đổi mới hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, những cống hiến về mặt triết học của Ph.Ăngghen nói riêng. Những tư tưởng của Ph.Ăngghen về triết học ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước ta, nhất là trong việc nhận thức và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Cần cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch muốn phủ nhận những cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen, tách rời tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin tiến tới phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Tài liệu tham khảo:
(1). V.I.Lênin toàn tập,tập 26, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, tr.110.
(2). V.I.Lênin toàn tập, tập 23, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.50-53.
(3). C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 20, “Biện chứng của tự nhiên”, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2002, tr.772.
(4). C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 20, “Biện chứng của tự nhiên”, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2002, tr.773.
Tác giả: TS Phạm Công Thưởng Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Ý kiến bạn đọc
Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 92 | lượt tải:45Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 66 | lượt tải:35Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029
lượt xem: 442 | lượt tải:211