(TG) - Về bản chất, đây là những “lỗi” có thể mắc phải trong quá trình diễn thuyết của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Việc “bắt lỗi” không nhằm “vạch lá, tìm sâu”, phê phán, chỉ trích, mà nhằm mục đích khắc phục, để “lỗi” không còn loang rộng và “nặng lên”, khiến chất lượng, hiệu quả tuyên truyền bị giảm đi.
Ảnh minh họa
“CHÁY” GIÁO ÁN
Xét về lý thuyết, việc phân bổ thời gian giữa các ý, các nội dung của bài tuyên truyền cần có sự hợp lý, khoa học và logic, tạo nên tổng thể cân đối. Việc “cháy” giáo án, cháy “đề cương” xảy ra thường do việc báo cáo viên quá say sưa tập trung vào một phần nào đó, mà quên đi tính cân xứng tương đối giữa các nội dung.
Tất nhiên, cũng có thể báo cáo viên tập trung vào một, hai phần chính, lướt qua ở những phần còn lại, nhưng việc “cháy” giáo án, đề cương bài nói tới mức “đầu voi đuôi chuột”, thậm chí phần đuôi gần như chỉ còn là những đề mục, không phân tích, thiếu thông tin minh chứng… dẫn tới sự thiếu hoàn chỉnh của nội dung tuyên truyền, gây khó khăn cho đối tượng tiếp nhận thông tin.
Không loại trừ việc “cháy” giáo án xuất phát chính từ đòi hỏi của người nghe. Có những trường hợp, trong quá trình tuyên truyền, quán triệt, các học viên đề nghị báo cáo viên nói rõ, phân tích rõ hơn phần hoặc nội dung nào đó, dẫn tới, các phần nội dung sau bị cắt bớt cho kịp thời gian. Việc cắt bớt này “khéo léo” hay “vụng về” phụ thuộc vào bản lĩnh, cách xử lý của báo cáo viên, tuyên truyền viên.
KHÔNG PHÂN BIỆT ĐỐI TƯỢNG TIẾP NHẬN THÔNG TIN
Việc phân biệt các đối tượng tiếp nhận thông tin để lựa chọn hình thức thông tin, phương thức thông tin, nội dung thông tin là một trong những yêu cầu quan trọng của báo cáo viên, tuyên truyền viên. Cách nói chuyện với tầng lớp thanh niên chắc chắn sẽ khác với đối tượng người cao tuổi; giữa đội ngũ lãnh đạo cấp xã sẽ khác với đội ngũ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước… Tuy nhiên, thực tế, không ít báo cáo viên chưa có sự phân biệt rành rọt, chưa lựa chọn được thông tin phù hợp, nội dung cần quan tâm, phương thức chuyển tải thích hợp khi tiếp cận và tuyên truyền cho các đối tượng khác nhau.
Chuyện “dở khóc, dở cười” sẽ xảy ra khi mang những ý tưởng hàn lâm, ngôn ngữ khoa học quá chuyên biệt tới quán triệt cho những cán bộ thôn, xã; hay đưa những kiến thức ở dạng “vỡ lòng” tới phổ biến cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan nhà nước.
THIẾU TƯƠNG TÁC
Thiếu giao lưu, tương tác, trao đổi giữa người tuyên truyền và người nghe là một trong những nhược điểm thường mắc trong quá trình tuyên truyền miệng. Một phần do sự hạn chế về thời gian, dẫn tới, nói hết nội dung là hết giờ, báo cáo viên không thể xoay xở, dành dụm được chút nào, hoặc nếu có chỉ là tầm 10, 15 phút cuối, cũng không đủ để trao đổi, đối thoại, giải đáp thắc mắc.
Chưa kể, không ít báo cáo viên còn chưa có kinh nghiệm, ngại trao đổi, sợ bị đặt câu hỏi khó, nên sẽ càng tiết giảm phần thời gian trống để tương tác người nghe. Thiếu tương tác tạo nên những buổi tuyên truyền có tính độc thoại, kém hấp dẫn và sôi nổi, giảm hiệu quả tuyên truyền, cũng như không tháo gỡ được những khó khăn giúp cho học viên trong quá trình tiếp thu nội dung tuyên truyền.
QUÁ PHỤ THUỘC CÔNG NGHỆ
Trong giai đoạn hiện nay, phần lớn báo cáo viên, tuyên truyền viên đều tận dụng ưu thế công nghệ thông tin để phục vụ bài nói của mình. Chỉ với laptop, thông qua hệ thống máy chiếu, bài giảng được trình bày slide, với text cùng hình ảnh, clip đã thực sự tạo ra sự sinh động, phong phú và dễ tiếp thu hơn rất nhiều đối với người nghe.
Tuy nhiên, nếu không biết tiết chế, gia giảm, người trình bày chỉ “chăm chăm” kích chuột, trình chiếu và người nghe chỉ mải miết xem, hưởng thụ như xem phim, thì sự lắng đọng, sự tiếp nhận thông tin sẽ chỉ dừng ở mức độ tầm trung. Chưa kể nhiều báo cáo viên chưa có kinh nghiệm làm slide, quá câu nệ hình thức, nên tăng các gam màu xanh đỏ, các khối hình vuông tròn, “cao hứng” lại cho slide lúc chạy nhanh, khi chạy chậm làm chóng mặt người tiếp nhận phía dưới.
Cũng có trường hợp dở khóc dở cười, máy tính hoặc máy chiếu trục trặc, buộc phải trao đổi “chay”. Người nói thì lúng túng, bất ngờ vào thế khó, vì vốn phụ thuộc công nghệ, bài chuẩn bị slide lại thường chỉ có ý chính, phụ thuộc video, ảnh minh họa, nên lúc trình bày sẽ bị hụt hẫng, “giảm nhiệt”.
“PHỤ DÀI, CHÍNH NGẮN”
Có báo cáo viên bào chữa lỗi này, rằng, trước khi đi giảng, bên mời thường nói nhỏ: Anh nói cho chúng em vài câu chuyện ngoài lề, cơ mật một chút, vui vẻ một chút, cho anh em đỡ mệt khi nghe truyền đạt. “Được lời như cởi tấm lòng”, người nói khi trình bày sẽ tiết giảm phần chính, đan xen phần phụ. Mà nội dung đan xen lại hơi dày. Người ngồi phía dưới lúc nghe vài câu chuyện vui, ngoài lề được báo cáo viên “chia sẻ riêng, phạm vi nhỏ” cũng thích, nhưng rốt cục tới cuối buổi, những câu chuyện vốn là phần phụ lại chiếm dung lượng khá nhiều trong khi phần chính lại thu nhỏ tối đa. Hiệu quả tuyên truyền vì vậy cũng giảm đi không ít…
DIỄN NGÔN CHƯA HẤP DẪN
Một trong những yêu cầu cần thiết của báo cáo viên, tuyên truyền viên là phải có kỹ năng tuyên truyền để tăng tính hấp dẫn, thuyết phục và lôi cuốn đối với người nghe. Tuy nhiên, không phải bất kỳ báo cáo viên, tuyên truyền viên nào cũng có được kỹ năng này. Giọng nói đều đều, không lên trầm, xuống bổng; khuôn mặt thiếu biểu cảm; ngôn từ khô khan; khả năng thuyết trình chưa tốt… ít nhiều chi phối và làm giảm hiệu quả tuyên truyền. Không ít địa phương phản ánh, đề nghị các hội nghị báo cáo viên của tỉnh cần có báo cáo viên Trung ương về trực tiếp quán triệt, trao đổi. Một phần nguyên nhân cũng là kỹ năng của báo cáo viên địa phương chưa tốt, chưa lôi cuốn và thuyết phục với người nghe.
KHOE THÀNH TÍCH
“Lỗi” này khá cá biệt, nhưng lại thường tập trung vào một số báo cáo cáo viên, tuyên truyền viên lâu năm, được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Người nghe bên cạnh việc tiếp nhận thông tin tuyên truyền, sẽ được nghe “trải lòng” về chuyến đi nước A, nước B, việc dự hội nghị này, hội nghị khác, rồi những chuyện “bếp núc” phía sau; cá biệt còn được nghe kể về “lý lịch” thành tích của báo cáo viên.
Oái oăm là những câu chuyện đôi khi chệch quỹ đạo nội dung bài giảng, chỉ đơn thuần để kể cho vui mà thôi. Những “hương vị” này nếu chỉ là chút xíu thì người nghe còn cảm thấy chấp nhận được, nhưng nếu quá đà, thì những buổi thuyết giảng xen lẫn khoe thành tích cá nhân thực sự sẽ gây ức chế cho người nghe.
*
Những “lỗi” cơ bản nêu trên là những điều mà nhiều người làm công tác tuyên truyền miệng “không ít thì nhiều” đã từng mắc phải, có những lỗi thuộc về kỹ năng (diễn ngôn thiếu hấp dẫn), có những lỗi thuộc về thói quen (quá phụ thuộc công nghệ), có lỗi lại thuộc về bản tính, nhược điểm cá nhân (khoe thành tích), có những lỗi lại cần tích lũy thêm kinh nghiệm để xử lý (cháy giáo án, không phân biệt đối tượng tiếp nhận thông tin, thiếu tương tác)…Với mỗi lỗi, lại tương ứng với cách sửa lỗi khác nhau. Lỗi nhược điểm cá nhân, thì cần nhận rõ, khắc phục. Lỗi kỹ năng thì không cách gì khác hơn là phải thường xuyên trau dồi, lắng nghe góp ý, phê bình, tích cực học tập những báo cáo viên kinh nghiệm.
Một báo cáo viên “già nghề” đã từng chia sẻ rằng, ông thường xuyên tự ghi âm bài nói của mình về để nghe lại, tự chỉnh sửa những lỗi nếu phát hiện ra. Nghe lại, đôi khi thấy tự xấu hổ vì mình nói “chưa tới”, mắc những lỗi cơ bản trong tuyên truyền. Không những thế, ông luôn tìm cách tiếp cận học viên để thăm dò việc tiếp thu thông tin, góp ý cách trình bày của mình.
Nhận ra lỗi, sửa lỗi cũng cốt để hướng tới những buổi tuyên truyền, trao đổi, quán triệt hiệu quả, hạn chế tối đa những giờ quán triệt, học tập “online, lướt mạng” cho hết thời gian…
Suy cho cùng, nhìn lại mình, tự sửa mình âu cũng là một cách để hoàn thiện mình của mỗi báo cáo viên, tuyên truyền viên./.
Song Minh (tuyengiao.vn)