Tâm sự về nghề, chị Phượng vào làm công nhân tại nông trường cao su Thuận Phú từ năm 2011, hơn 11 năm qua, bản thân chị luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Trong suốt quá trình làm việc, chị luôn nỗ lực học hỏi, nâng cao tay nghề kỹ thuật cạo mủ, thường xuyên hoàn thành đạt và vượt mức sản lượng giao khoán, đạt công nhân có trình độ tay nghề loại giỏi và xuất sắc hàng năm.
Trong phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi chị luôn tích cực hưởng ứng và tham gia nhiệt tình. Đặc biệt, năm 2022 chị tham gia hội thi cấp Nông trường đạt giải nhất, tham gia đội tuyển cấp Công ty, tham gia đội tuyển cấp ngành đạt danh hiệu Bàn tay vàng cấp Tập đoàn (Giải nhất cá nhân).
Trong công việc, chị luôn học hỏi kinh nghiệm, học hỏi sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào nhiệm vụ khai thác mủ cao su của mình. Sản lượng khai thác năm sau luôn cao hơn năm trước. Chị chia sẻ trong hơn 11 năm theo nghề cạo mủ cao su, đã chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của ngành cao su. Có thời điểm giá bán không bù nổi giá thành sản xuất, tiền lương công nhân chỉ được tính bằng gạo, ngày công lao động. Nhiều công nhân không bám nổi nghề đã bỏ vườn cây ra ngoài sinh sống. Nhìn vườn cây cao su lớn lên từng ngày, rồi sự động viên của lãnh đạo nông trường, chị quyết tâm bám trụ, gắn bó trọn đời với cây cao su.
Chị Nguyễn Thị Phượng (đứng thứ ba từ trái qua) dự Hội thi bàn tay vàng
thu hoạch mủ cao su cấp Tập đoàn
Không chỉ cần cù, chăm chỉ, vững chuyên môn, chị Phượng còn có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả cao cho Nông trường cao su Thuận Phú - Công ty Cổ phần cao su Đồng Phú như: Sáng kiến “Trong công tác trang bị vật tư khai thác” và sáng kiến “Tiết kiệm hao võ cạo, cạo đúng quy trình kỹ thuật”. Các sáng kiến của chị đã góp phần tăng thêm sản lượng, làm lợi cho nông trường.
Ngoài nhiệm vụ chính là công nhân cạo mủ, nhận khoán vườn cây của nông trường, chị còn tích cực làm kinh tế gia đình với nhận khoán 3 héc ta vườn cây nhượng quyền, chăn nuôi gia súc gia cầm, thu nhập về khoảng 160 triệu đồng mỗi năm. Bản thân chị cùng với chồng nuôi dạy con ngoan, học giỏi, gia đình êm ấm, hòa thuận, được địa phương công nhận gia đình văn hóa từ năm 2017 - 2022.