Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa XII) và Kế hoạch số 99-KH/TU, ngày 05/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh được triển khai sâu rộng, bài bản tuân thủ theo một quy trình khoa học. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh ủy đạt nhiều kết quả. Công tác nghiên cứu, biên soạn, bổ sung, tái bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành được thực hiện nghiêm túc, khoa học. Các công trình lịch sử được biên soạn, xuất bản đảm bảo tính đảng, tính khoa học, tính thống nhất chung với lịch sử đảng, đồng thời thể hiện tính đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước.
Các đồng chí tham dự Hội nghị góp ý bổ sung, tái bản Lịch sử Đảng bộ huyện Hớn Quản
Trong năm 2024, Bình Phước đã biên soạn và phát hành 06 công trình lịch sử: Tái bản bổ sung Lịch sử Đảng bộ huyện Hớn Quản (1930 - 2024), Tái bản bổ sung Lịch sử Đảng bộ thị xã Chơn Thành (1930 - 2024); tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương huyện Bù Đăng; lịch sử đảng bộ và nhân dân các xã, phường: thị trấn Tân Phú (huyện Đồng Phú), Tân Phú, Tiến Thành (Thành phố Đồng Xoài); có 10 công trình đang triển khai sưu tầm, biên soạn: Tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương Bù Đốp, Lộc Ninh; Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân các xã, phường: ĐaKia (huyện Bù Gia Mập), Minh Long (thị xã Chơn Thành), An Lộc (thị xã Bình Long), Long Hưng (huyện Phú Riềng), Tân Tiến, Hưng Phước, Tân Tiến (Bù Đốp), tái bản bổ sung Lịch sử Đảng bộ phường An Lộc (thị xã Bình Long). Nhìn chung, các công trình lịch sử, các ấn phẩm lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống có kết cấu hợp lý, nội dung đảm bảo tính đảng, tính khoa học và tính thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng; đồng thời thể hiện được những nét đặc thù riêng của từng địa bàn, đơn vị. Các công trình đã chú ý đến tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm địa phương, ngành; đánh giá đúng những thành tích và kết quả đạt được trong các giai đoạn lịch sử, góp phần phục vụ công tác tư tưởng, lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và Trường Chính trị tỉnh biên soạn và đưa nội dung tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương vào giảng dạy trong trường chính trị và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin, luận cứ khoa học, đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, tìm hiểu những kiến thức về lịch sử địa phương của giáo viên, học sinh, học viên trong tỉnh, nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh đã biên soạn và đưa vào giảng dạy trong hệ thống trường học. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham gia thẩm định, đóng góp ý kiến vào 5 công trình, tài liệu lịch sử địa phương: Lịch sử Đảng bộ huyện Hớn Quản (1930 - 2024), Tái bản bổ sung Lịch sử Đảng bộ thị xã Chơn Thành (1930 - 2024); tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương huyện Bù Đăng, tài liệu giáo dục lịch sử địa phương tỉnh Bình Phước giảng dạy khối lớp 9 và lớp 12. Ở cấp huyện, Ban Tuyên giáo đã thẩm định, góp ý 7 công trình lịch sử Đảng bộ cấp xã và các ấn phẩm lịch sử. Việc giảng dạy lịch sử Đảng bộ địa phương tại Trường Chính trị, Trung tâm chính trị các huyện, thị, thành phố trong các chương trình bồi dưỡng đều có lồng ghép chuyên đề Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước, lịch sử địa phương vào các chuyên đề, bài giảng. Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Trung tâm chính trị cấp huyện và các trường THPT tổ chức hoạt động ngoại khóa, về nguồn, nghiên cứu thực tế cho học viên, học sinh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành các hướng dẫn tuyên truyền về các sự kiện, ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước đến 100% Đảng bộ trực thuộc, qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử. Một số đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, như Bù Gia Mập, Lộc Ninh và Bù Đăng tổ chức cuộc thi tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ huyện bằng hình thức trực tuyến… Những cuộc thi đã thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia dự thi, gồm cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thuộc tất cả các tầng lớp, lứa tuổi. Nhiều bài dự thi được chuẩn bị công phu về nội dung và hình thức, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm. Đây là những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng có sức tuyên truyền lan tỏa rộng trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều địa phương, đơn vị tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, kết hợp tọa đàm, gặp mặt các nhân chứng lịch sử, ôn lại quá khứ hào hùng của Đảng, đất nước và địa phương.
Trong thời gian tới, tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu rộng Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa XII), kết luận của Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW; các hướng dẫn quy định khác về công tác lịch sử Đảng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; Tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Phước Long (06/01/1975 - 06/01/2025); Theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ngành theo Kế hoạch số 99-KH/TU, ngày 05/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Hướng dẫn, định hướng tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh năm 2025, trọng tâm là triển khai Kế hoạch số 10 - KH/BCĐ, của Ban Chỉ đạo các ngày lễ lớn về hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm năm tròn các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2025 và kỷ niệm trên 100 năm ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhà nước, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu; Triển khai thực hiện Đề án số hóa các sự kiện, nhân vật lịch sử trên địa bàn và tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các ngành, địa phương chỉnh lý, bổ sung, biên soạn sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống; biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh; số hóa các tư liệu lịch sử Đảng tỉnh./.