Đồng chí Hoàng Văn Thụ: Trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, tấm gương sáng của đạo đức cách mạng
Trong thời gian học, được chứng kiến nhiều biến động mới của phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi khắp cả nước, đặc biệt là cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (1926) đã thôi thúc Hoàng Văn Thụ cùng nhóm học sinh yêu nước trong Trường Tiểu học Pháp - Việt tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ (Ảnh tư liệu).
Đầu năm 1929, được giới thiệu vào làm việc ở “Tu giới sở”, thông qua hoạt động thực tiễn, đồng chí đã gây dựng được một số cơ sở hoạt động bí mật ở Long Châu và sau đó được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), đồng chí Hoàng Văn Thụ được Chi bộ Đảng phân công phụ trách để phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, chi bộ Đảng chỉ đạo phong trào vùng núi biên giới Việt - Trung được thành lập gồm các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Hoàng Hồng Việt... do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công cùng đồng chí Lương Văn Tri chỉ đạo xây dựng, phát triển phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp giải từ Nhà tù Hỏa Lò ra pháp trường ngày 24/5/1944
(Nguồn: Di tích Nhà tù Hỏa Lò). (Nguồn: Ảnh tư liệu)
Năm 1935, ảnh hưởng của phong trào cách mạng từ Văn Uyên đã lôi cuốn quần chúng tích cực ở Thất Khê, Bắc Sơn tìm đến với tổ chức cách mạng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp tuyên truyền, giác ngộ và đưa nhiều quần chúng trung kiên từ Văn Uyên, Thất Khê sang dự các lớp huấn luyện cách mạng bí mật ở Lũng Nghịu - Long Châu. Các lớp huấn luyện này đã góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ cho việc gây dựng, củng cố phong trào quần chúng cách mạng của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng.
Năm 1937, sau khi trực tiếp chỉ đạo tổ chức xây dựng các cơ sở quần chúng cách mạng ở Bắc Sơn (Lạng Sơn), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới Thông Nông (Cao Bằng) để chỉ đạo vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp, đồng thời trực tiếp chỉ đạo mở một số lớp huấn luyện cán bộ ngắn ngày để làm nòng cốt cho phong trào cách mạng ở Cao Bằng. Từ giữa năm 1938, trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Xứ uỷ Bắc Kỳ phân công tăng cường chỉ đạo củng cố phong trào cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên và Hải Dương. Đầu tháng 8/1938, sau gần 2 tháng củng cố phong trào đấu tranh của công nhân mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), đồng chí Hoàng Văn Thụ về Thanh Hà (Hải Dương) tổ chức quần chúng cách mạng trung kiên ở Thanh Hà, củng cố lại phong trào ở đây sau thời gian bị thực dân Pháp khủng bố khốc liệt.
Ngày 08/9/1939, Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) bàn chủ trương chỉ đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn mới. Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thông báo việc Trung ương Đảng quyết định cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ sở Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật, với cương vị Bí thư Xứ uỷ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đề nghị Xứ uỷ lập tờ báo “Giải phóng” làm cơ quan tuyên truyền của Xứ uỷ và đảm nhận vai trò chủ bút, đồng chí thường xuyên viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương đấu tranh của Đảng, của Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Đầu năm 1940, Hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ tiến hành họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông). Hội nghị chủ trương hoạt động bí mật để giữ vững cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng; đồng thời đẩy mạnh tập hợp lực lượng trong Mặt trận Dân tộc Phản đế, chuẩn bị mọi điều kiện để chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới khi tình thế chuyển biến. Hội nghị đã tiến hành bầu kiện toàn Ban Lãnh đạo Xứ uỷ, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Cuối tháng 12/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Ban Thường vụ Trung ương Đảng giao nhiệm vụ quan trọng đi Tĩnh Tây (Trung Quốc) gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để báo cáo tình hình phong trào cách mạng trong nước và Hội nghị Trung ương lần thứ bảy. Đây là lần đầu tiên đồng chí Hoàng Văn Thụ được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Nhận chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Hoàng Văn Thụ trở về liên lạc và làm việc với Tỉnh uỷ Cao Bằng để chuẩn bị địa điểm đón Người về nước và địa điểm tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Tại Hội nghị (5/1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng; được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Trung ương giao phụ trách công tác dân vận và và Mặt trận. Tháng 8/1941, với trọng trách Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí dự hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ họp tại làng Đông Lĩnh (Thanh Ba, Phú Thọ) và có nhiều ý kiến chỉ đạo về công tác củng cố, phát triển Đảng, về đẩy mạnh phát triển phong trào quần chúng cách mạng. Cuối tháng 9/1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ tham dự Hội nghị cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ để triển khai việc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám tại Dương Húc, Tiên Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Ngay sau đó đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao nhiệm vụ phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám cho Đảng bộ Hà Nội và chỉ đạo việc thành lập các đoàn thể Cứu quốc và Mặt trận Việt Minh.
Để bảo vệ các cơ sở bí mật và cán bộ, cuối năm 1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ quyết định thành lập Đội công tác tiền tiêu (Phụ trách, bảo vệ các cơ sở bí mật và cán bộ ở khu vực Gia Lâm, Từ Sơn (Bắc Ninh); một số cơ sở ở Bắc Giang; khu vực Hoài Đức, đại lý Hoàn Long và một số cơ sở ở Sơn Tây; khu vực ven sông Hồng thuộc các huyện Đông Anh, Yên Lãng, Yên Lạc (Phúc Yên) và các cơ sở làng Mạc, làng Gạc, Từ Liêm) . Ngày 21/12/941, đồng chí Hoàng Văn Thụ tham dự cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng để thảo luận diễn biến tình hình Chiến tranh thế giới thứ hai, tình hình Đông Dương và ra Thông cáo Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng. Năm 1942, theo chỉ thị của đồng chí Hoàng Văn Thụ, các đồng chí Lê Chưởng, Trương Hoàn, Trương Văn An và Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam đã họp tại La Thọ (Điện Bàn, Quảng Nam) để tái lập Xứ ủy Trung Kỳ, cử đồng chí Lê Trưởng làm Bí thư.
Ngày 25/8/1943, Đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Mặc dù bị tra tấn cực hình, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn vững vàng trong tư thế hiên ngang của người chiến sĩ cộng sản trung thành với Đảng, với đồng bào, đồng chí. Không khuất phục được ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản, rạng sáng ngày 24/5/1944, kẻ thù đã xử bắn đồng chí tại Tương Mai (Hà Nội), trong niềm đau thương vô hạn của đồng bào, đồng chí. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí. Tuổi thanh xuân và cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã trở thành bài ca cách mạng vang mãi cho các thế hệ cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ - Người cộng sản kiên cường bất khuất đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tên tuổi của đồng chí mãi mãi in đậm trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Đây cũng là dịp để tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối; qua đó khơi dậy ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.