Năm cũ qua, năm mới đến, đó cũng là lúc Tết đến Xuân về. Trong hương vị Tết của ngày xuân nắng đẹp, lòng người như hòa cùng trời đất, thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Là người Việt Nam, dù ở đâu, làm gì nhưng khi Tết đến thì ai cũng nhớ về cội nguồn và tổ tiên; ở “nơi đất khách quê người” thì nhớ về Tổ quốc, quê hương. Bác Hồ ta đó, người Việt Nam đẹp nhất, đỉnh cao hội tụ những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, hiểu rất rõ rằng: “Theo phong tục ta, ngày Tết là một ngày rất quan trọng. Trên thì cúng bái tổ tiên, dưới thì sum họp gia đình. Vì vậy, dù đi xa hay công việc cấp bách thế nào, đồng bào cũng tìm về nhà ăn Tết”. Tuy không có được nhiều mùa Xuân, cái Tết chung vui với dân tộc, bởi cuộc đời hoạt động bôn ba nơi hải ngoại, nhưng Bác Hồ lại hiểu rõ hơn hết tục lệ của đồng bào từ Nam chí Bắc trong ngày Xuân, ngày Tết. Đó là tục lệ của “một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”... Từ xa xưa cho đến tận hôm nay, tâm nguyện của người việt trong những ngày lễ, Tết là được thắp một nén hương, nói đôi lời với tấm lòng thành kính trước bàn thờ tổ tiên, trước những nấm mồ nơi an nghỉ của những người có công với dân với nước, những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của đồng bào.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh ngày nay), Xuân Đinh Mùi, 09/02/1967 (Ảnh: Tư liệu)
|
Trong bài Tết, viết trong mùa Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác đã kêu gọi: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái. Trong lúc này toàn quốc và đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn Tết mừng Xuân.
Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui Xuân mừng Tết với:
Những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận.
Những gia quyến các chiến sĩ,
Những đồng bào nghèo nàn,
Sao cho mọi người được hưởng các thú vui về Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”.
Trong một dịp Tết Nguyên đán, khi cả nước đang kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Người đã chúc Tết đồng bào như sau: “Trong ngày trời Xuân tươi ấm, Tết nhất vui vẻ, đại gia đình Việt Nam ở vùng tự do sum họp vui vầy, để tưởng nhớ đến tổ tiên và hân hoan cùng con cháu, tôi ngậm ngùi nghĩ đến đồng bào”.
Chúc Tết, mừng tuổi, tặng quà... là những nét đẹp của dân tộc trong ngày Xuân, ngày Tết. Đó cũng chính là những giá trị văn hóa truyền thống phương Đông. Bác Hồ là nhà hoạt động cách mạng nhưng Bác lại thấu hiểu tâm linh của con người Việt Nam. Tết Tân Tỵ năm 1941 là một cái Tết khó quên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Mồng một Tết năm ấy, sau khi giao nhiệm vụ cho học viên lớp huấn luyện cán bộ vừa bế mạc vào ngày tiễn ông Táo về trời, Bác cùng bà con dân tộc Nùng tại hai làng Nậm Quang và Nậm Tày đến dâng hương ở đình thờ Thành Hoàng làng. Bác đi từng nhà chúc Tết, tặng mỗi gia đình một tờ giấy hồng có 4 chữ “Cung chúc tân niên” (Chúc mừng năm mới) tự tay Bác viết; mừng tuổi các em nhỏ. Trong sâu thẳm tình cảm của Bác Hồ, các cháu nhi đồng và các cụ già cao tuổi luôn luôn được Người quan tâm và dành cho những tình cảm ưu ái nhất.
Bác Hồ có tấm lòng nhân ái bao la như biển cả. Người thường nói: “Người không có gia đình riêng, không có con cái”. Nhưng đại gia đình các dân tộc Việt Nam là gia đình của Người. Tình cảm ấy Bác đã truyền tới mỗi số phận khổ đau trong ngày Xuân, ngày Tết. Nhiều gia đình nghèo ở Hà Nội đã có những đêm giao thừa được Bác Hồ đến thăm, chúc Tết và tặng quà. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng chúc Tết đêm giao thừa là một niềm vui của Bác. Người luôn gìn giữ, nâng niu và phát huy nét đẹp truyền thống đó của dân tộc. Đặc biệt là trách nhiệm của cộng đồng, của xã hội đối với những người, những gia đình có công với cách mạng. Giao thừa năm 1955, Bác Hồ đến thăm Trường thương binh hỏng mắt Hà Nội. Bác hỏi thăm sức khỏe, hỏi có bánh chưng, mứt, kẹo không. Và đêm ấy, nước mắt của Người đã hòa cùng nước mắt của nhiều đồng chí thương binh... Sinh thời, Bác Hồ thường nói: Mùa Xuân là sự khởi đầu của một năm, mùa Xuân ngày Tết không nói chuyện rủi. Đến nay đã 54 năm trôi qua kể từ ngày Bác đi xa, chúng ta không còn có hạnh phúc nghe Bác đọc thơ chúc Tết mừng Xuân, nhưng bù vào đó là hạnh phúc được làm theo lời Bác dặn và thấm nhuần tư tưởng, tình cảm của Bác trong những ngày Xuân, ngày Tết.
“Mùa Xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.
Từ Tết trồng cây mà Bác phát động ngày nào đến mùa Xuân trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” là một sự tiếp nối đẹp đẽ, khẳng định lòng kính yêu của nhân dân ta đối với Bác và nguyện làm theo lời Bác. Giờ đây, cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ miền ngược đến miền xuôi..., với tấm lòng kính yêu vô hạn với Bác Hồ, nhớ lại những mùa Xuân khi người còn sống, ra sức phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, đúng như mong muốn của Bác Hồ.