Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất Nhà thơ Ngân Hoàn, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật khóa I và II, người Chi hội trưởng Chi hội Văn học đầu tiên.
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh sẽ tổ chức chương trình“Nhớ Nhà thơ Ngân Hoàn” để tưởng nhớ ông, người có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh Bình Phước, góp phần đưa sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật lên một tầm cao mới; đặc biệt là ông có Cội nguồn thơ “Tình ca xuyên Việt”, dài 4 tập với gần 300 trang mang giá trị cả tư tưởng, nội dung và nghệ thuật; Một “Hùng ca chiến thắng Đồng Xoài” đã thể hiện kiến văn rộng mở, sự trải nghiệm, tình yêu quê hương tạo được dấu ấn của thi sĩ Ngân Hoàn. Thành công của Ông là giữ được cảm hứng và dẫn dắt người đọc, không gây nhàm chán. Cội nguồn thơ “Tình ca xuyên Việt” với 2.994 câu, đi qua 35 tỉnh, thành, diễn tả đủ loại cung bậc cảm xúc, với vẻ đẹp thiên nhiên đặc trưng của từng vùng, miền. Đặc biệt, tác phẩm của ông đã diễn tả rất sâu sắc về lịch sử, văn hóa, con người; qua những câu, từ hết sức đặc trưng của từng vùng, miền. Riêng với Bình Phước, tác giả đã ưu ái dành ra 294 câu thơ, miêu tả cảnh quan lịch sử của các huyện, thị như Đồng Xoài, Phước Long, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Chơn Thành, Bình Long, Lộc Ninh, qua 15 xã, phường…
Cội nguồn thơ“Tình ca xuyên Việt”của tác giả
Nhà thơ Ngân Hoàn không chỉ có bút lực dồi dào qua những tác phẩm mà còn là người dẫn dắt, gợi mở giúp nhiều anh chị em văn nghệ sĩ trong tỉnh yêu thích, đam mê văn chương, đam mê sáng tác hơn; với thể thơ Lục Bát truyền thống dễ đọc, dễ nhớ tác giả đã khắc họa hình hài đất nước bằng những câu thơ rất duyên và rất tươi đẹp.
Ngàn năm non nước ta ơi
Có đi mới hiểu đất trời của ta
Sông dài biển rộng bao la
Con Hồng - cháu Lạc một nhà Hùng Vương
Có thể nói, tác phẩm của ông đã mang đến một gam màu sáng cho nền văn học Bình Phước; đó là một truyện thơ, bằng sự trải nghiệm của tác giả theo chiều dài đất nước qua những tháng ngày tham gia chiến trường, rồi đi xây dựng kinh tế mới... Trong quá trình lao động nghiêm túc cho sự nghiệp sáng tác, tác giả đã “viết lịch sử đất nước bằng thơ”! Tình ca xuyên Việt đã chứa đựng niềm tự hào Dân tộc qua các giai đoạn lịch sử về truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc. Những tác phẩm của Nhà thơ Ngân Hoàn gợi cho ta nhiều điều để viết, để cảm nhận về quê hương Bình Phước anh hùng.
Những tác phẩm văn học, nghệ thuật nói chung và Ngày thơ Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ, phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…, để các chương trình ngày càng hay hơn, phong phú hơn và trở thành “sân chơi” bổ ích của các văn nghệ sĩ, của những người yêu thơ và đông đảo khán thính giả trên địa bàn tỉnh, đóng góp tích cực vào phong trào văn hoá, văn nghệ tỉnh nhà, góp phần đưa sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật lên một tầm cao mới theo tinh thần Nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Cố nhà thơ Vũ Văn Hân- Ngân Hoàn của chúng ta thì đã từng tâm sự rằng:
Tôi ra đi không có gì để lại
Chỉ có vần thơ trang sách cho đời
Là cây non lặng lẽ dưới chân đồi
Nguyện góp mặt trong rừng cây đất Việt
Chương trình“Nhớ Nhà thơ Ngân Hoàn” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, sẽ góp phần khơi dậy, bồi đắp và nuôi dưỡng tình yêu thơ ca, tình yêu cuộc sống; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển văn hoá - xã hội của địa phương. Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI với chủ đề “Nhịp sống mới” chính là sự tôn vinh những giá trị đích thực của thơ ca - những sản phẩm tinh thần không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Qua đó, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy khả năng sáng tạo, có nhiều sáng tác chất lượng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của tỉnh.