Năm 2025, Bình Phước phấn đấu đưa 9 xã về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao, trong đó có xã biên giới Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh. Xuất phát điểm thấp, với hơn 80% làm kinh tế nông nghiệp, chất lượng, hiệu quả sản xuất hàng hóa chưa cao, mức thu nhập của người dân còn thấp. Đó là những rào cản cho việc hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí, nhưng bù lại chương trình xây dựng NTM nâng cao đang nhận được sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã.
Khát vọng thoát nghèo
Khu vực biên giới xã Lộc Thạnh có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, tuy nhiên phần đa là đất khô cằn, sỏi đá nên để trồng được các loại cây hoa màu ngắn ngày cũng như các loại cây công nghiệp lâu năm cao su, tiêu, điều là bài toán khó. Không để đất hoang hóa, qua nhiều năm kinh nghiệm, người dân đã đưa cây xoài keo từ Campuchia về trồng. Từ một vài héc ta ban đầu, đến nay khu vực này có hơn 30 ha cây xoài keo đang cho thu hoạch và đã thành lập Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Lộc Thạnh hoạt động hiệu quả, thu hút 21 thành viên tham gia.
Người tiên phong đưa xây xoài keo về trồng là bà Nguyễn Thị Kim Chi (hiện là Giám đốc HTX cây ăn trái Lộc Thạnh). Với kinh nghiệm nhiều năm làm kinh tế nông nghiệp ở Campuchia, bà Chi cho biết: Chất đất ở vùng biên giới Lộc Thạnh rất xấu, khô cằn, sỏi đá nên chỉ thích hợp với cây xoài keo có nguồn gốc xuất xứ từ Campuchia. Bởi loại cây này không kén đất, mùa khô hạn không có nước tưới nhưng xoài vẫn sống, sum xuê trái nên thường gọi là rẫy xoài, thay cho tên vườn xoài.
Đặc biệt, xoài keo là loại cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Ngoài chịu hạn tốt thì xoài keo không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu nên chất lượng sạch, an toàn. Bên cạnh đó, giá bán rất rẻ nên rất được thị trường ưa chuộng, chiếm từ 70%-80% hàng hóa xoài ngoài chợ, cửa hàng.“Đây là loại cây trồng giảm nghèo, nếu giá tại vườn chỉ 4 ngàn đồng/kg người dân vẫn có lời, nhưng hiện giá bán 6 ngàn đồng/kg nên lãi khá cao. Đặc biệt, đây là xoài siêu sạch ăn sống, ăn chín đều được, ngoài ra có thể gọt sấy khô xuất khẩu nên không lo lắng về đầu ra. Cùng với đó, mức đầu tư không nhiều nên dễ cạnh tranh với các loại xoài khác”- bà Chi chia sẻ.
Với những ưu điểm vượt trội, các thành viên HTX đang ý tưởng đầu tư xây dựng xưởng gọt sấy khô để tăng thêm giá trị sản phẩm hướng tới xuất khẩu cũng như hoàn thành hồ sơ, thủ tục chứng nhận sản phẩm OCOP thời gian tới.
Là xã biên giới, đông hộ dân tộc thiểu số sinh sống, dù vậy người dân luôn có ý chí trong phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2024 đến nay, Lộc Thạnh không còn hộ nghèo, cận nghèo. Đây là điểm sáng nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở xã vùng biên này.
Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thạnh Nguyễn Văn Hải cho biết: Năm 2023, xã còn 8 hộ nghèo nhưng từ năm 2024 đến nay đã xóa 100%. Để thoát nghèo bền vững, xã rà soát hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo bằng cách sửa chữa nhà, cung cấp vật tư, cây con giống cũng như các nhu cầu thiếu hụt khác để họ tự vươn lên trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Đảng ủy xã phân công các hội, đoàn thể phụ trách từng hộ nghèo, cận nghèo, khi có dấu hiệu tái nghèo, xã huy động, vận động nguồn lực hỗ trợ nên tái nghèo nhiều năm qua không còn xảy ra.
Lãnh đạo UBND xã Lộc Thạnh tham quan mô hình trồng xoài keo của HTX cây ăn trái Lộc Thạnh
Với ý chí, nghị lực của người dân nên mức sống từng bước được nâng cao, tuy nhiên với xã thuần nông nên thu nhập bình quân đầu người Lộc Thạnh mới đạt 77 triệu đồng/năm. Trong khi đó, tiêu chí của xã NTM nâng cao yêu cầu phải đạt 84 triệu đồng/người/năm, vì vậy Đảng bộ, chính quyền xã Lộc Thạnh đang tìm mọi giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân thời gian tới.
Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thạnh Hoàng Văn Lợi cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy chỉ đạo chính quyền, đoàn thể định hướng bà con đầu tư trồng xen canh tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích; đồng thời tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Cùng với đó, Lộc Thạnh đang được tỉnh đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Nỗ lực cán đích đúng lộ trình
Đến cuối tháng 3-2025, qua rà soát, xã Lộc Thạnh đạt 13/20 tiêu chí NTM nâng cao. Còn 7 tiêu chí chưa đạt gồm: Quy hoạch, thu nhập bình quân đầu người, sản phẩm OCOP, giao thông, cơ sở hạ tầng nông thôn, khu dân cư kiểu mẫu và bảo hiểm y tế toàn dân. Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Lợi cho biết: Để cán đích NTM nâng cao theo đúng lộ trình, xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề chỉ đạo UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể rà soát tổng thể các chỉ tiêu, tiêu chí NTM nâng cao; những chỉ tiêu, tiêu chí nào chưa đạt tham mưu UBND huyện đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng cơ sở. Trên cơ sở đó, xã xây dựng lộ trình thực hiện, phấn đấu đến tháng 10-2025 sẽ hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, tiêu chí NTM nâng cao để trình các cấp thẩm định.
“Khi có nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, công chức trực tiếp phụ trách 20 tiêu chí trong bộ tiêu chí NTM nâng cao. Thuộc lĩnh vực, tiêu chí phụ trách của ai thì người đó phải theo dõi giám sát, triển khai đến ban điều hành các ấp cùng chung tay xây dựng. Bên cạnh đó, tham mưu Đảng ủy chỉ đạo, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể xã phối hợp vận động, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, nhất trí của người dân trong việc đầu tư sức người sức của trong xây dựng hạ tầng nông thôn” - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thạnh Nguyễn Văn Hải chia sẻ. |
Lộc Thạnh có 2 trường học, trong đó trường mầm non đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, còn Trường tiểu học và THCS Lộc Thạnh đang được huyện bố trí kinh phí 20 tỷ đồng xây dựng bổ sung các công trình, hạng mục hướng tới đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2025. Cùng với đó, hệ thống giao thông cũng đang được đầu tư vốn duy tu, sửa chữa và xây dựng mới một số tuyến đường, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số đảm bảo đi lại thuận tiện cho người dân.
Tuyến đường trục chính vào ấp Thạnh Phú đang được đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện.
Ấp Thạnh Phú có hơn 200 hộ, trong đó 75% là người dân tộc thiểu số. Là ấp xa trung tâm xã, đông hộ dân tộc thiểu số sinh sống nên ngoài đầu tư bê tông xi măng khoảng 5 km các tuyến đường liên tổ thì hiện ấp đang được huyện đầu tư trải nhựa kết hợp hệ thống mương thoát nước tuyến đường trục chính liên ấp dài khoảng 1,3km. Sau khi hoàn thành sẽ kết nối lưu thông thuận tiện, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số khó khăn này.
Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thạnh Nguyễn Văn Hải cho biết thêm: Ngoài các công trình, dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Ninh làm chủ đầu tư, để hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, xã Lộc Thạnh cần nguồn vốn khoảng 13 tỷ đồng. Vì vậy, xã đang thực hiện việc lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án, kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp để tạo ra nguồn lực tổng hợp; đặc biệt tích cực huy động trong nhân dân để xây dựng NTM nâng cao theo phương châm “dân làm, nhà nước hỗ trợ”, tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tiến hành rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch, lộ trình cho từng tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể để hoàn thành bộ tiêu chí xã NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025; tập trung triển khai hiệu quả các kế hoạch, phương án hỗ trợ của Nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực để tạo khâu đột phá trong xây dựng NTM nâng cao, trong đó tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và mức sống của người dân.