Ngày 24/01/2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Nội dung kế hoạch yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng cộng đồng dân cư văn minh, ổn định, là “nơi đáng sống, đáng đi về”.
Hệ thống cơ sở vật chất các xã trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại
(hình ảnh: trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Bom Bo, huyện Bù Đăng)
UBND tỉnh đặt ra mục tiêu tại Kế hoạch này: Đến hết năm 2025, phấn đấu có thêm 01 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế có 84/86 xã. Phấn đấu có thêm 09 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu 07 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu có thêm huyện Đồng Phú được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và trình hồ sơ Trung ương thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới đối với thị xã Chơn Thành, huyện Lộc Ninh và huyện Phú Riềng. Huyện Đồng Phú tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí huyện nông thôn mới, đồng thời thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.
Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân ở nông thôn. Tập trung chỉ đạo và thực hiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 06 Chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 18,84/19 tiêu chí (Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới).
Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, nhất là vai trò của người đứng đầu, phải xem xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng, một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện kiên trì, kiên nhẫn, thường xuyên và liên tục, phải xác định xây dựng nông thôn mới "có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc". Tiếp tục hoàn thành các văn bản quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn về các nội dung mới, yêu cầu mới của chương trình; triển khai thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.