Bình Phước sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Chủ nhật - 09/07/2023 22:30 22.036 0
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 được tổ chức vào đầu tháng 10/2020 đã thành công tốt đẹp, để nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết. Ngày 30/9/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh để thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm, 4 nhiệm vụ ưu tiên, 3 chương trình đột phá và 15 chỉ tiêu cơ bản; thành lập 13 Ban chủ nhiệm các chương trình để triển khai thực hiện và thành lập ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh. Kết quả đã ban hành 58 chủ trương, chính sách trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội một cách thiết thực, sát với chủ trương, đường lối của Đảng và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm quyết tâm đưa Bình Phước chuyển từ vị trí "dự trữ phát triển" thành một động lực phát triển thực sự trong vùng Đông Nam Bộ.
 
55555555555555
Một góc đô thị Đồng Xoài ngày nay

Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội, Bình Phước đã tạo được bứt phá trong phát triển với những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, đó là:

Thứ nhất, cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh theo hướng tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và giá trị gia tăng cao.

Phát triển công nghiệp là trung tâm, theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghiệp chế biến, trọng tâm là chế biến hạt điều, gỗ và thực phẩm; công nghiệp chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; năng lượng tái tạo; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghệ thông tin. Theo đó tỉnh Bình Phước xác định mục tiêu đến năm 2025 phát triển 8.290 ha khu công nghiệp, 25.864 ha khu kinh tế, 730 ha cụm công nghiệp, đồng thời phấn đấu đến năm 2030 phát triển 11.522 ha khu công nghiệp, 25.864 ha khu kinh tế, 1.279 ha cụm công nghiệp. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 18 khu công nghiệp, dự kiến đến năm 2030 có 32 cụm khu công nghiệp được quy hoạch trên diện tích 1.827,41ha.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2023 ước thực hiện là 7,92%, (mục tiêu là 9-10%/năm). Phát triển thương mại, dịch vụ, ưu tiên cho thương mại điện tử, thương mại biên giới để làm cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, kịp thời phục vụ đời sống Nhân dân, tập trung vào các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông... Phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 79.235 tỉ đồng; thương mại hiện đại chiếm khoảng 25%; giao dịch qua kênh thương mại điện tử chiếm 5%; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 13,3%; tăng trưởng tổng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 11%. Kết quả kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện năm 2023 đạt 4,15 tỷ USD, đạt 83% kế hoạch. Dự kiến, đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5 tỷ USD, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội đề ra.

Bình Phước là tỉnh có diện tích lớn trồng các loại cây công nghiệp, cây đặc sản có giá trị, chủ yếu là cao su (245.100 ha), hồ tiêu (13.550 ha), cây điều (152.100 ha), từ thực tiễn nêu trên, tỉnh đã chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng, vững chắc, hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng dựa trên ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Mục tiêu là đến năm 2025 hình thành 01 đến 02 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với diện tích từ 100 – 2.000 ha. Khuyến khích doanh nghiệp và người dân đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ; đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ sinh học, lai tạo giống, vật liệu mới, thông tin, tự động hoá, công nghệ số ... hình thành nên những sản phẩm riêng có gắn với “Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP). Phát huy các lợi thế so sánh và chuỗi giá trị, phát triển cụm, ngành, sản xuất hàng hóa tập trung, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Thứ hai, tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính.

Với quan điểm “Giao thông đi trước một bước” tạo động lực kết nối vùng, tỉnh, tỉnh được Trung ương thuận chủ trương đầu tư những dự án giao thông trọng điểm như: Tuyến đường bộ cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; dự án đường Đồng Phú-Bình Dương;... đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển gắn với đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 khoảng 90.968 tỷ đồng, ước đạt 49,17% … Hệ thống kết cấu hạ tầng được ưu tiên đẩy nhanh xây dựng, hiện đại hóa đã thúc đẩy liên kết vùng, tổ chức không gian phát triển theo 3 vùng, 3 trục động lực tạo nên những hành lang, không gian phát triển mới, với kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương.

Nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định trong điều kiện mới, là một trong những điểm đột phá mà tỉnh Bình Phước luôn quan tâm thực hiện. Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương để cụ thể hóa các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, trong đó đặc biệt chú trọng việc thu hút nguồn nhân lực về công nghệ thông tin phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trên địa bàn; tăng cường năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục công lập, như tái cấu trúc Trường Cao đẳng Bình Phước để làm nòng cốt cho công tác đào tạo nghề của tỉnh; phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập theo hình thức xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo trong tất cả các cấp học, trình độ đào tạo theo đúng quy định của pháp luật. Ước đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 65% (mục tiêu đề ra là 70%). Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; thu hút ít nhất 01 phân hiệu đại học với quy mô đào tạo từ 1.000 sinh viên/năm và đến năm 2030 sẽ tiếp tục thành lập thêm một phân hiệu với quy mô trên 1.000 sinh viên.

Cải cách thủ tục hành chính được tỉnh đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; xây dựng nền công vụ liêm chính, minh bạch; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, hiện nay, tỉnh đã có 1.432 dịch vụ công kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đứng đầu so với cả nước và xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số; từ đó tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh và phục vụ người dân thiết thực, kịp thời. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số là những bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trên địa bàn tỉnh tạo tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thứ ba, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, xây dựng các chính sách phù hợp, tác động tích cực vào phát triển.

Xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội một cách đồng bộ, toàn diện là nhiệm vụ ưu tiên của tỉnh. Thời gian qua, việc  rà soát, sửa đổi, bổ sung những chính sách còn bất cập được tỉnh quan tâm thực hiện, nhất là việc xác định về nguồn lực tài nguyên, đất đai là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, góp phần ổn định tài chính vĩ mô.

Việc đẩy mạnh hợp tác công - tư; tăng cường thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện tốt, nhất là việc mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Úc, New Zealand,… qua các hoạt động ngoại giao, xúc tiến đầu tư; quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia và một số tỉnh Nam Lào được thực hiện có hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã; nâng cao hiệu quả đầu tư công theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các khâu đột phá, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 thu hút tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến khoảng 210.000 tỷ đồng. Trong đó, huy động từ khu vực kinh tế tư nhân (kể cả xã hội hóa và đầu tư theo phương thức PPP) khoảng 120.000 tỷ đồng, đạt 57,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; vốn đầu tư nước ngoài khoảng 50.000 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD), chiếm tỷ lệ 23,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

 
Thứ tư, phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, với quan điểm, mỗi người dân Bình Phước là động lực để phát triển.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã ban hành 06 chủ trương, định hướng về phát triển  văn hóa – xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xác định xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển. Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào, niềm tin, khát vọng phát triển của người dân Bình Phước. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, truyền thống cách mạng; nâng cao chất lượng sáng tác văn học, nghệ thuật. Xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức, xã hội lành mạnh, không ngừng cải thiện toàn diện đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Đổi mới, nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chăm lo công tác phát triển thanh niên, bình đẳng giới, giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Quản lý hiệu quả và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng pháp luật. Huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số  mỗi năm từ 1,5 - 2%.
Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo hướng phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Các chương trình giáo dục phổ thông được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng lộ trình; chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước được nâng lên, giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc triển khai dạy học song ngữ Việt - Anh trong trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đang được triển khai có hiệu quả.

Hệ thống y tế trong tỉnh, nhất là y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đẩy mạnh xã hội hoá về y tế. Thực thi hiệu quả chính sách dân số và phát triển, nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm mức tăng dân số hợp lý và cân bằng giới.

Thứ năm, xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội được tỉnh rất quan tâm, Trong  đó, chủ động xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, quy hoạch đất quốc phòng, xây dựng các công trình chiến đấu, công trình phòng thủ theo lộ trình tỉnh đề ra; giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh tuyến biên giới, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang trong tỉnh chính quy, tinh nhuệ, vững mạnh về mọi mặt. Phát triển các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và đồn, trạm biên phòng để hình thành các khu dân cư biên giới; vùng lõi căn cứ hậu cần, kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện.

Là tỉnh có đường biên giới dài, giáp với một số tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, nên công tác biên phòng, đối ngoại được tỉnh quan tâm, luôn phát huy sự đoàn kết, giữ gìn, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các tỉnh giáp biên của Campuchia và các tỉnh phía Nam nước bạn Lào. Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển của tỉnh, trong đó có các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ...

Thứ sáu, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, được Đảng bộ tỉnh quan tâm thực hiện đạt hiệu quả.

Đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và toàn xã hội; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, thông tin xấu, độc được triển khai thực hiện hiệu quả. Trong nửa nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để chỉ đạo, định hướng công tác chính trị, tư tưởng, nhất là việc phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện công tác an sinh xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực bằng những việc làm thiết thực, cụ thể gắn với đời sống của người dân.

Công tác tổ chức xây dựng Đảng thực hiện đảm bảo đúng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, qua đó hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đã giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Những quyết sách lớn của Đảng đều được tổ chức thảo luận rộng rãi, lấy ý kiến đóng góp của đảng viên và tổ chức đảng từ cơ sở. Công tác cán bộ cơ bản đáp ứng với yêu cầu, quy trình được tiến hành chặt chẽ, công khai, dân chủ, minh bạch; hiện nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 38.757 đảng viên, với 21 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 731 tổ chức tổ chức cơ sở đảng và 2.392 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Kết nạp 3.317 đảng viên, đạt 55,28% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (6.000 đảng viên mới).

Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật được cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy đến các tổ chức Đảng. Trong 3 năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp thành lập 2.765 đoàn kiểm tra, trong đó có 1.722 đoàn kiểm tra của các cấp ủy và 1.043 đoàn đoàn kiểm tra của UBKT các cấp. Qua kiểm tra, giám sát đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, yêu cầu cần khắc phục, sửa chữa, đã thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng và 478 đảng viên vi phạm.

Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, từng bước được nâng lên. Trong đó, Tỉnh ủy luôn sâu sát chỉ đạo, ban hành những chương trình, đề án, kế hoạch chuyên đề về công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Các đơn vị chủ động bám sát nội dung nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và tình hình thực tế của địa phương tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bằng tinh thần đổi mới sáng tạo, quyết tâm cao, nổ lực lớn, Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã bám sát chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh. Trong nửa nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục duy trì ổn định, tăng trưởng bình quân hàng năm, giai đoạn 2020 - 2023 đạt 7,81%. Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn. Diện mạo xã hội, đời sống của đa số người dân từng bước được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người, tính đến hết năm 2022 đạt trên 90 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm còn 1,75% so với dân số toàn tỉnh (đầu nhiệm kỳ là 5,6%). Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Giai đoạn 2020-2022, dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, tỉnh Bình Phước là địa phương trong vùng tâm dịch đã giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”, thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa ổn định phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 của tỉnh đạt 8,42%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (7-7,5%).

Bên cạnh những kết quả đạt được của tỉnh trong nửa nhiệm kỳ qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế. Dự báo tình hình thế giới thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thời tiết diễn biến bất thường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thu nhập của một bộ phận người dân; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi hơn, phức tạp hơn…những vấn đề nêu trên, sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với công tác chỉ đạo, điều hành trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tác giả: Trường Luật

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1587-CV/BTGTU

Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024

lượt xem: 75 | lượt tải:26

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 258 | lượt tải:90

1494-CV/BTGTU

Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

lượt xem: 219 | lượt tải:65
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập183
  • Hôm nay41,941
  • Tổng lượt truy cập14,522,901
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây