Chàng kiểm lâm cụt tay vẫn giữ rừng

Thứ năm - 30/11/2023 04:06 797 0
Bị nhóm lâm tặc “xin nhầm” một cánh tay lúc tuổi đời mới 26 và nhiều lúc cận kề cái chết. Nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, chàng kiểm lâm đã vượt qua mọi nghịch cảnh, khó khăn, gian khổ để tiếp tục với công việc giữ rừng. Đó là kiểm lâm viên Dương Quang Hùng, 40 tuổi, dân tộc Tày, công tác tại Trạm kiểm lâm số 2, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Buổi tối định mệnh
 
Chúng tôi được anh Đinh Duy Thắng, cán bộ Phòng kỹ thuật của Vườn quốc gia Bù Gia Mập lên kế hoạch và dẫn đường đến gặp anh Dương Quang Hùng vào một buổi trưa hè tại chốt bảo vệ rừng ở thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập trên tuyến Quốc lộ 14C, khi anh đang loay hoay dùng một tay hỗ trợ mọi người sửa chốt barie bị hỏng hóc sau khi bị xe ô tô đụng phải. Đến nơi, anh Thắng giới thiệu: “Đây là anh Hùng, người bị một nhóm lâm tặc chặt đứt năm 2009”.
 
Anh Dương Quang Hùng cùng đồng nghiệp sửa chốt barie bị hỏng hóc sau khi bị xe ô tô đụng phải tại chốt bảo vệ rừng ở thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập
 
Trước mặt tôi là một người với nghị lực phi thường, đã vượt qua bao khó khăn để tiếp tục với công việc giữ rừng. Sau khi chiếc barie sửa xong, anh Hùng lên chiếc xe gắn máy mời chúng tôi về Trạm kiểm lâm số 2, cách đó khoảng 3 cây số trò chuyện. Tại đây, anh Hùng đã kể lại câu chuyện buồn ập đến với mình cách nay 14 năm. Anh Hùng là đồng bào Tày, sinh ra và lớn lên ở tỉnh Cao Bằng. Sau khi tốt nghiệp với mảnh bằng Trung cấp lâm nghiệp còn thơm mùi mực mới, cuối năm 2004, anh Hùng vào Bù Gia Mập lập nghiệp, đến năm 2005, anh chính thức khoác bộ đồng phục kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng VQG Bù Gia Mập và bắt đầu công việc của người giữ rừng ở Trạm Kiểm lâm số 2. Cũng như các đồng nghiệp, anh Hùng yêu rừng, yêu công việc giữ rừng, dù khi đó, cuộc sống không chỉ vất vả gấp trăm lần thời điểm hiện nay, mà còn có thể gặp rủi ro, nguy hiểm bất cứ lúc nào bởi tình trạng phá rừng xảy ra như “’cơm bữa”, các đối tượng lâm tặc rất manh động, bất chấp pháp luật, sẵn sàng tấn công lực lượng kiểm lâm.
 
Anh Dương Quang Hùng kể lại câu chuyện mình nhóm lâm tặc “xin nhầm” một cánh tay cách nay 14 năm
 
Đề cập đến buổi tối định mệnh, anh Hùng kể: “Tôi nhớ hôm đó là ngày 9-4-2009, tức sau hơn 1 tuần tôi về tăng cường cho Trạm Kiểm lâm số 1. Khoảng 9 giờ tối, trạm có 5 người trực, gồm 4 kiểm lâm viên và trạm trưởng ở trong phòng, tụi tôi ăn tối xong, đang mỗi người một việc thì thấy có 2 người đàn ông đi trên 1 xe máy chạy vào. Chúng ngó nghiêng, hỏi bâng quơ mấy câu, rồi lên xe rời đi. Vài phút sau chúng lại quay vào, lần này là 2 xe, 6 đối tượng. Sau khi dừng xe, 5 đối tượng bước vào với khuôn mặt hung dữ, trên tay chúng lăm lăm mã tấu, rựa, gậy gộc. Chúng hỏi có Hùng, Bộ ở đây không? Bộ là người cũ của trạm, chúng biết mặt, còn tôi tên Hùng thật, nhưng chưa từng giáp mặt chúng. Nghe hỏi vậy, tôi nói Hùng đây, các anh hỏi có việc gì? Còn Bộ cũng từ trong phòng chạy ra, bị mấy tên lôi ra ngoài dùng tay, gậy đánh tới tấp. Thấy đồng nghiệp bị đánh nên tôi vào can ngăn thì ngay lập tức mấy tên quay sang tôi, vừa đánh vừa đạp tôi ngã xuống chiếc võng. Đúng lúc đó thì 1 tên cầm cây mã tấu dài lao tới chém xuống đầu tôi. Theo phản xạ, tôi giơ tay lên đỡ lưỡi dao, làm cánh tay gần đứt lìa, chỉ còn dính 1 chút da” - Hùng kể lại.
 
Theo lời khai của các đối tượng chém Hùng trước tòa, thì chúng không mâu thuẫn, cũng chưa từng gặp người tên Hùng, chỉ nghe người nhà nói lại bị Hùng kiểm lâm trạm số 1 bắt bớ, gây khó dễ, nên sau khi nhậu say, chúng bàn nhau đến trả thù. Thực chất, người chúng muốn “xin tý huyết” là kiểm lâm viên Nguyễn Mạnh Hùng, nhưng đã chuyển đi, còn Dương Quang Hùng là người mới đến tăng cường. Các đối tượng gây án đều bị bắt ngay hôm sau. Phiên tòa hình sự tuyên bị cáo cầm đầu Điểu Thơi mức án 7 năm tù, những bị cáo còn lại cũng chịu các mức an nghiêm khắc.
 
Anh Hùng cho biết, sau khi bị chém, ban đầu mọi người định đưa thẳng anh xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, nhưng do mất máu quá nhiều khiến anh bất tỉnh, phải ra Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước để cấp cứu, sau đó mới chuyển xuống bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật. “Sau 2 ngày phẫu thuật, cánh tay tôi chuyển màu thâm tím, sau khi bác sĩ khám, hội chẩn, đã quyết định chuyển tôi đi xuống Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng lúc này đã quá muộn rồi. Cánh tay đã bị hoại tử, không thể cứu. Biết mình sẽ chẳng còn cánh tay, tôi thẫn thờ ra và đau khổ chảy dài trên má tôi”, anh Hùng nhớ lại.
 
Cụt tay vẫn giữ rừng
 
Anh Dương Quang Hùng vào bếp nấu ăn co đơn vị
 
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ đi cánh tay hoại tử, anh Hùng được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước nằm điều trị 2 tháng thì xuất viện, nhưng do di chứng hoại tử, vết thương hở, khiến anh phải mất tới 3 năm, tức năm 2012 mới chấm dứt việc mỗi tháng 2 lần di chuyển đi Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM tái khám, lấy thuốc. Điều an ủi lớn nhất đối với anh Hùng sau đó là suốt những năm tháng điều trị ngoại trú, lãnh đạo đơn vị, đồng nghiệp luôn ở bên cạnh, hỗ trợ mọi thứ có thể, từ chi phí điều trị đến công việc hàng ngày. Anh được sắp xếp công việc phù hợp ở văn phòng trụ sở. Ngoài ra, những việc khó khăn do thiếu một cánh tay, luôn có đồng đội bên cạnh giúp đỡ. Đó là những lý do khiến anh không chỉ yêu công việc, mà còn coi những thành viên trong đơn vị như người thân một nhà. “Lúc đó, nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của đơn vị, sự tận tình của đồng nghiệp, chưa chắc tôi đã đủ nghị lực, tinh thần để vượt qua, và chắc không có cảnh bây giờ ngồi đây kể lại chuyện cho các anh nghe” – anh Hùng nói.
 
Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban quản lý VQG Bù Gia Mập nhớ lại: “Hùng không có người thân, gia đình ở gần, nên sau khi sự việc xảy ra, cả tập thể đơn vị chung tay hỗ trợ mọi mặt cho Hùng điều trị. Sau đó, chúng tôi nhiều lần làm hồ sơ đề nghị nhà nước xét công nhận thương binh cho Hùng để cậu ấy có chế độ, nhưng mãi không được, dù bị mất đi một phần thân thể và gánh chịu những hậu quả nặng nề. Họ nêu lý do vụ việc xảy ra ngoài giờ hành chính. Những người giữ rừng như chúng tôi, làm việc 24/24, làm gì có giờ hành chính?”. Sau nhiều năm kiến nghị, mãi đến năm 2014, anh Hùng cũng nhận được một phần công lao, đó là “được hưởng chính sách như thương binh”. Thời gian đầu mỗi tháng Hùng được hơn 2 triệu, còn bây giờ tính theo lương cơ bản, mỗi tháng được gần 3 triệu”.
 
Anh Dương Quang Hùng ngồi ghi lại việc làm hằng ngày
 
Nghe Hùng nhắc đến chuyện vợ, chúng tôi không khỏi tò mò về việc anh “gặp nhau, quen nhau, yêu nhau và cưới nhau” như thế nào? Nghe hỏi, anh Hùng cười hiền nói: “Chuyện là vầy, chắc cũng là do duyên số. Tôi có người em bà con, thời điểm tôi đang điều trị ở bệnh viện tỉnh, cô em này học ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, gần bệnh viện. Lâu lâu lại cùng nhóm bạn học kéo sang thăm. Trong số này có vợ tôi. Nhưng lúc đó tôi cũng không để ý lắm. Đến khi cô em và nhóm bạn này học xong cấp 3, lại cùng xuống Sài Gòn học đại học. Thời điểm đó, mỗi tháng 2 lần tôi xuống Sài Gòn khám, lấy thuốc. Sau đó lại ghé ký túc xá thăm cô em. Vợ tôi và cô em họ không học cùng trường, nhưng vẫn chơi chung nhóm, mỗi lần tôi ghé thăm, cô ấy lại hẹn cả nhóm đi chơi, đi ăn cùng. Dần dần tình cảm nảy sinh, nhưng chính thức yêu nhau lúc nào thì tôi không nhớ”.
Bị mất một canh tay, những tưởng sự nghiệt ngã này sẽ khiến anh Hùng gục ngã. Song, với nghị lực phi thường, từ phục vụ bản thân, nấu ăn đến ăn uống, từ ngồi trên máy vi tính đến công tác tuần tra bảo vệ rừng, anh Hùng đều tự làm thoăn thoắt bằng một tay. Đặc biệt, anh còn rất năng động tham gia các hoạt động, phong trào do đơn vị, địa phương tổ chức. Hồi mới trở lại công việc, tụi tôi cũng hỗ trợ Hùng trong công việc, nhưng không nhiều. Anh em chỉ giúp Hùng đeo cái ba lô nhẹ hơn mọi người 1 chút, vậy thôi. Anh ấy vừa học xong và lấy bằng Đại học lâm rồi đấy - anh Trần Hữu Quyết, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 2, VQG Bù Gia Mập cho biết.
Năm 2014, Hùng cưới vợ, hiện anh đang có 1 gia đình hạnh phúc với đứa 2 con kháu khỉnh, con trai đầu sinh năm 2016 và cô con gái sinh năm 2018. Vợ anh Hùng hiện đang công tác tại một cơ quan nhà nước ở huyện Bù Đốp, mỗi tháng anh về thăm nhà 1 lần. Những năm tháng khổ đau dần qua đi, sau khi cưới vợ, sinh con, anh Hùng ngày càng “lên phong độ”, cả tinh thần lẫn sức khoẻ. Anh quyết định xin lãnh đạo đơn vị quay trở lại rừng, sát cánh cùng anh em đi giữ rừng.

Tác giả: Thanh Trúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 174 | lượt tải:74

1494-CV/BTGTU

Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

lượt xem: 141 | lượt tải:51

118-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029

lượt xem: 555 | lượt tải:267
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập176
  • Hôm nay20,554
  • Tổng lượt truy cập13,520,374
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây