Đối với các vấn đề kinh tế - xã hội, dự kiến trong chương trình kỳ họp, Quốc hội đã xác định tiến hành các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; xem xét báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công… Ngoài ra, trong chương trình kỳ họp, Quốc hội cũng dành 2,5 ngày để chất vấn 4 nhóm lĩnh vực, bao gồm: Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng); nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (các vấn đề liên quan đến lĩnh vực: công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường); nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp (các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán); nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội (các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, lao động, thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông).
Từ chiều 31-10 đến hết ngày 1-11-2023, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường những nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, như: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Theo Thông cáo báo chí số 07 kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: tại phiên thảo luận đã có 45 đại biểu phát biểu, 22 đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung sau: khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới; điều chỉnh chính sách tài khóa nới rộng; giải ngân đầu tư công; chương trình tín dụng cho năm lĩnh vực ưu tiên; cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế biển kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh; công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; công trình đường bộ cao cấp; xây dựng cầu cạn trên vùng đất yếu; quản lý chung cư mini; tình hình hoạt động và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; thị trường lao động; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; chương trình chuyển đổi số quốc gia; nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và ban hành các chính sách… Việc dành nhiều thời gian và ý kiến phát biểu thảo luận, tranh luận, chất vấn cho thấy Quốc hội và các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống nhân dân.
Đối với việc đấu giá sim, đây chỉ là một nội dung nhỏ trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Mặt khác, cũng như việc đấu giá biển số xe, thực tế nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu sở hữu những số điện thoại theo sở thích và sẵn sàng trả giá cao để được sở hữu. Vì thế, việc đấu giá số điện thoại vừa đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu và cũng vừa tăng thu ngân sách để thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Không chỉ ở nước ta, mà có rất nhiều nước trên thế giới cũng tiến hành đấu giá số điện thoại như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia… để tạo nguồn ngân sách nhà nước. Thế nên việc đấu giá số điện thoại có gì mà phải xuyên tạc, chống phá?
Mặc dù từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, nhất là hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của Quốc hội đã bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của các địa phương, nhân dân, các tổ chức, chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp… để thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Theo báo cáo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại kỳ họp này, trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu về xã hội, điều đó thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Khi Việt Nam đạt được những thành tựu về kinh tế - xã hội thì có lẽ điều đó càng khiến các thế lực thù địch hằn học. Chúng lợi dụng tất cả sự kiện của Đảng, Nhà nước ta để hạ thấp uy tín của Việt Nam phục vụ ý đồ chính trị của chúng. Do đó, mỗi người dân cần nhận diện, vạch trần thủ đoạn và kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Quốc hội và Nhà nước ta. Làm được điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ Đảng, bảo vệ sự phát triển bền vững của đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Lê Đô
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc