Chuyển đổi số nông nghiệp - cuộc cách mạng về tư duy (Bài 1)

Thứ bảy - 18/09/2021 05:52 946 0
 
Bình Phước có gần 90% diện tích tự nhiên là đất nông nghiệp, với 70% người dân sống bằng nghề nông. Vì vậy, tỉnh luôn đặt nông nghiệp ở vị trí chiến lược quan trọng trong tiến trình phát triển nền kinh tế bền vững. Mặc dù chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh vẫn còn manh nha và mới lạ, song ngành nông nghiệp Bình Phước đã và đang nỗ lực khắc phục những tồn tại, khó khăn để tạo luồng sinh khí mới cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân thay đổi tư duy, bắt tay làm nông nghiệp số.
 
NÔNG DÂN CHỦ ĐỘNG CHUYỂN MÌNH
 
Vườn cây được lắp đặt wifi, hệ thống tưới tự động, camera giám sát toàn vườn, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và chủ động tìm kiếm thị trường thông qua các kênh thương mại điện tử… đang dần trở thành lựa chọn của nhiều nông dân thời công nghệ số. Nông dân bắt đầu biết “mua dữ liệu, trông dữ liệu” chứ không chỉ biết “trông trời, trông đất, trông mây” như trước. Họ không chỉ mua vật tư nông nghiệp mà còn biết tích hợp, kết nối thông tin dữ liệu về giá cả thị trường, tham gia sàn giao dịch điện tử, được cạnh tranh bình đẳng về giá trị sản phẩm mình làm ra.
Đưa dữ liệu vào cánh đồng
Với diện tích trồng và liên kết khoảng 800 ha mít ruột đỏ, HTX thương mại - dịch vụ nông nghiệp Phước Thiện, huyện Bù Đốp là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh đang ứng dụng công nghệ cao vào trồng và chế biến mít, hướng đến chuỗi quy trình khép kín từ canh tác, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch theo hướng số hóa.
Trong thời điểm thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, HTX Phước Thiện đang chủ động xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm về mít như: mít tươi hút chân không và mít sấy lạnh với khoảng 5 tấn múi/tháng để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Thành công bước đầu của HTX là việc đàm phán với công ty thu mua tại Hà Lan nhập khẩu với số lượng 2 tấn mít/tuần.

Các sản phẩm mít sấy của Hợp tác xã thương mại - dịch vụ nông nghiệp Phước Thiện đều được dán nhãn, quét mã QR truy xuất nguồn gốc


 
HTX cũng mạnh dạn mở rộng đầu tư xưởng chế biến mít sấy, nhất là hệ thống kho lạnh bảo quản trái cây, sản phẩm mít sau khi đóng gói đều được dán nhãn, quét mã QR truy xuất nguồn gốc. Khi thông tin sản phẩm minh bạch, giá mít bán ra thị trường cao hơn rất nhiều, bình quân mỗi hécta nông dân thu lời 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí. HTX cũng chủ động tìm kiếm thị trường thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, kênh thương mại điện tử. Mặc dù chỉ chiếm 5% tổng diện tích mít toàn tỉnh nhưng sản phẩm mít ruột đỏ mang thương hiệu PT79 đang dần xây dựng chỗ đứng riêng trên thị trường trong và ngoài nước nhờ công nghệ số mang lại.
Sản xuất theo công nghệ giúp theo dõi các thông số trong vườn như nhiệt độ, độ ẩm, điều chỉnh tưới nước, bón phân từ xa chỉ bằng một chiếc smartphone. Bình Phước có thế mạnh rất lớn về nông nghiệp, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân cần chủ động làm nông nghiệp số, bắt đầu từ những ứng dụng nhỏ nhất và chia sẻ công nghệ lẫn nhau, nông dân muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.
Anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trang Thiên Nông

 
Trong kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, bên cạnh 2 HTX sẽ được chọn để chuyển đổi số toàn diện là: HTX thương mại - dịch vụ nông nghiệp Phước Thiện, huyện Bù Đốp và HTX tiêu hữu cơ Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, hiện nay nhiều nông dân trong tỉnh đã chủ động đưa tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình như việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân trên vườn điều và cây ăn trái nhằm tiết kiệm sức lao động, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người nông dân.
Hộ bà Vũ Thị Toán ở thôn 9, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích 2 ha điều. Với diện tích này, nếu phun thuốc thủ công bà phải mất khoảng 3 ngày với 2 nhân công làm việc. Thế nhưng, sử dụng máy bay không người lái thì chỉ sau 2 giờ bà đã hoàn thành việc phun thuốc. Lượng thuốc vẫn đảm bảo phun đều bề mặt, thẩm thấu vào lá cây nhanh, giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật so với xịt bằng cách thông thường, đặc biệt không ảnh hưởng sức khỏe con người. Đây là bước chuyển quan trọng trong việc đẩy mạnh số hóa trong nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp 4.0 hiện nay.
 
Làm việc “cũ” theo tư duy “mới”
Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, nông dân Bình Phước cũng không đứng ngoài cuộc. Đặc biệt với những người trẻ từng đi du học nước ngoài, tiếp cận với nhiều nền nông nghiệp thông minh trên thế giới như anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trang Thiên Nông, thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập. Làm nông ứng dụng số hóa một cách bài bản đang đem lại cho anh hiệu quả rất rõ ràng. Đó là cùng một lúc anh Hoàng làm được nhiều công việc khác nhau, vừa quản lý dự án cho công ty công nghệ của Nhật Bản ở TP. Hồ Chí Minh vừa quản lý nông trang 50 ha, trong đó 12 ha trồng bơ mà không cần quá nhiều nhân công.


Anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trang Thiên Nông sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc cho vườn cây (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)
 
Tất cả diện tích bơ của nhà nông trẻ này không trồng theo cách thông thường như cha mẹ anh vẫn làm mà ứng dụng hoàn toàn công nghệ, thay thế sức người như: Sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu, lắp đặt hệ thống camera giám sát toàn vườn, hệ thống tưới nước tự động điều khiển tắt, mở bằng smartphone; ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản; đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu trái bơ. Việc ứng dụng hoàn toàn công nghệ vào trồng trọt và đầu ra sản phẩm không tốn nhiều chi phí như một số người vẫn nghĩ.
Anh Hoàng chia sẻ: “Thông thường, bơ đến ngày thu hoạch nông dân sẽ để thương lái đến vườn hái xô cả trái già và non nên giá trị không cao. Nhưng tôi thì làm khác. Tôi ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để phân loại, dán nhãn cho từng trái bơ, bảo vệ trái khi hái xuống, tránh va đập, chống mất nước. Vì vậy, bơ luôn bán được giá cao 50-60 ngàn đồng/kg, bán trên các trang thương mại điện tử 80-90 ngàn đồng/kg”.
HTX đang hoàn thiện xây dựng mã số vùng trồng, định danh cho cây trồng. Cây trồng được gắn mã định danh sẽ minh bạch quá trình chăm sóc, quản lý diện tích, số lượng cây, chủng loại giống và năng suất bình quân của mỗi cây. Mỗi vườn cũng sẽ có nhật ký quy trình sản xuất, canh tác trên nền tảng dữ liệu, giúp khách hàng ở xa có thể truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm. Đây mới chỉ là bước chập chững ban đầu, trên thực tế HTX vẫn rất cần sự tư vấn, hướng dẫn chuyên nghiệp của cơ quan chuyên môn.
Ông Nguyễn Viết Vị, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX thương mại - dịch vụ nông nghiệp Phước Thiện

 
 
Trong thời điểm công nghệ số bùng nổ như hiện nay, nhiều nông dân trong tỉnh đã chủ động tham gia sàn thương mại điện tử để bán hàng và giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đặc biệt 21 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh đạt hạng 3-4 sao cũng gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số sản phẩm OCOP trở thành mặt hàng xuất khẩu như hạt điều, tiêu có sự đóng góp không nhỏ của công nghệ. Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ đưa gần 200 sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp lên sàn giao dịch nông sản Bình Phước để kết nối tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước.
Dù tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, nông dân đã chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhưng ở tầm vĩ mô thì ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của nông dân trong tỉnh mới chỉ manh nha. Đa số nông dân vẫn trồng trọt, chăn nuôi theo cách cũ. Ngoài những điểm yếu cố hữu như: trình độ, vốn, kinh nghiệm quản lý, khoa học - công nghệ… thì điểm “nghẽn” cần thay đổi đầu tiên vẫn là tư duy sản xuất. Hiện chuyển đổi số đang dần cho thấy nhiều tiềm năng, lợi thế nếu thực sự biết cách khai thác hiệu quả.
 
Ngân Hà (BPO)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 163 | lượt tải:69

1494-CV/BTGTU

Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

lượt xem: 119 | lượt tải:48

118-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029

lượt xem: 539 | lượt tải:261
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập147
  • Hôm nay22,058
  • Tổng lượt truy cập13,300,463
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây