Chuyển đổi số nông nghiệp - cuộc cách mạng về tư duy (Bài cuối)

Thứ bảy - 18/09/2021 05:54 1.588 0
 
Chuyển đổi số muốn thành công phải có sự quyết liệt và chung tay của cả hệ thống chính trị. Đó là quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025 được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-5-2021. Theo đó, nông nghiệp là một trong 9 ngành, lĩnh vực được ưu tiên chọn để chuyển đổi số trước. Tuy nhiên, đây vẫn là khái niệm rất mới với nhiều nông dân. Do đó rất cần những hoạch định chiến lược thúc đẩy nhanh lộ trình số hóa dữ liệu ngành nông nghiệp để kết nối các nền tảng dịch vụ điện tử tiến tới chuyển đổi số toàn diện.
BỨT TỐC ĐỂ KHÔNG BỎ LỠ “CHUYẾN TÀU” 4.0
 Chuyển đổi số giúp giảm thấp nhất tổn thất trong sản xuất, tiêu thụ, đồng thời nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ; vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp còn thấp dẫn đến sản xuất nông nghiệp ở Bình Phước vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún… Để chuyển đổi số rất cần cơ quan chức năng đồng hành, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất bằng những chính sách cụ thể, thiết thực, bám sát nhu cầu thực tế, làm thực chất để không bỏ lỡ “chuyến tàu” chuyển đổi số.
“Chìa khóa” để bứt tốc
Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QÐ-TTg về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, nông nghiệp được xác định là một trong những ngành ưu tiên chuyển đổi số. Cụ thể, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh…
Ngày 18-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Điều này cho thấy, quyết tâm của bộ trong việc đưa số hóa vào từng cánh đồng, khu sản xuất.

Ông Nguyễn Duy Hoàn, thôn Đồng Tháp, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường


Không đứng ngoài xu thế chung, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành NN&PTNT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mũi nhọn của kế hoạch là tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; xây dựng hệ thống dữ liệu về đất đai, quản lý rừng, thủy lợi, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; các thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, thị trường nông sản được cập nhật kịp thời; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, phù hợp với mỗi loại hình sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh sử dụng sàn giao dịch thương mại điện tử và các website kết nối cung - cầu…
Trước thách thức của nền nông nghiệp số đang diễn ra trên toàn cầu, nông dân cần phải chuẩn bị sẵn sàng tư duy mới để đón nhận, cần chuyên nghiệp hơn, linh hoạt hơn và phải “bắt tay” nhau để không còn mạnh ai nấy làm, “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm” như trước. Việc chia sẻ dữ liệu sẽ nâng giá trị, giúp hình thành hệ sinh thái, thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.  
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

 
Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính cũng là mục tiêu ngành nông nghiệp hướng tới. Hiện nay, Bộ NN&PTNT có 113 loại cơ sở dữ liệu và 32 phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, sản xuất, chuyên môn. Từ đó, Sở NN&PTNT đang kết nối với cơ sở dữ liệu giám sát, đánh giá phục vụ công tác quản lý ngành và phần mềm cơ sở dữ liệu thống kê. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đặt chỉ tiêu giải quyết hồ sơ theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100% vào năm 2025.
“Mục tiêu xa hơn đến năm 2030 sẽ phát triển khoảng 35 doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, chủ trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp nhận chuyển giao ứng dụng một phần công nghệ số và 5 doanh nghiệp áp dụng toàn bộ công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tỷ trọng kinh tế số trong ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tối thiểu 25%; năng suất lao động hằng năm tăng bình quân 7,5%” - ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.
“Bắt tay” nhau để không bị bỏ lại phía sau
Trong Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số, tỉnh đặt mục tiêu cụ thể cho ngành nông nghiệp đến cuối năm 2025 phải có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5-7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) được số hóa. Để đạt mục tiêu, bên cạnh sự chủ động của ngành nông nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị viễn thông trong tỉnh đang “bắt tay” nhau triển khai chương trình phục vụ phát triển trên nền tảng công nghệ số đối với ngành nông nghiệp; xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu lớn (big data) về nông nghiệp nhằm phát huy công tác dự báo, phân tích, đánh giá, quản lý và phát triển thị trường.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Đích đến của chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn là người dân. Nghĩa là người dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể thực hiện. Sự “mù mờ” về thông tin sẽ làm ngắt quãng cung - cầu. Ngoài bệ đỡ là cơ chế, chính sách, nguồn lực và sự đồng hành của các cấp, ngành chức năng thì nông dân cần phải thay đổi tư duy và thực sự mong muốn chuyển đổi số. Sở sẽ cùng với Sở NN&PTNT hỗ trợ đào tạo nông dân, nâng tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh vào sản xuất nông nghiệp, minh bạch dữ liệu thông tin từ trồng đến bán sản phẩm”.
Trong kế hoạch chuyển đổi số của ngành nông nghiệp đến năm 2025 sẽ tập trung số hóa vùng nguyên liệu, khâu sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phấn đấu có 20% vùng nguyên liệu, khâu sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh. 50% doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị và 100% sản phẩm OCOP được số hóa. Ngành nông nghiệp đang xây dựng lộ trình về mô hình điểm để nhân rộng và thu hút nông dân, doanh nghiệp tham gia.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở NN&PTNT

 
 
Kết quả bước đầu của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là sự “mở đường” cho chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Nhưng để không hô hào suông mà phải bắt tay làm ngay, làm thực chất và hiệu quả rất cần mỗi nhà nông chủ động vào cuộc, mạnh dạn thay đổi tư duy. Cùng với đó, các hoạch định, chính sách từ ngành nông nghiệp, nhà khoa học, doanh nghiệp để chuyển đổi số thực sự giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất và nâng tầm giá trị nông sản. Vì như lời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số nông nghiệp diễn ra ngày 18-6 vừa qua: “Nếu chúng ta bỏ lỡ chuyến tàu này thì mãi mãi chúng ta sẽ bỏ lại phía sau” và “không đi sẽ không thể đến đích”.
Thực hiện thành công chuyển đổi số ngành nông nghiệp đồng nghĩa Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy đã đi vào cuộc sống. Từ đó, góp phần mở ra cơ hội mới cho nông dân và đồng hành với Chính phủ thực hiện các mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đề ra.


Ngân Hà (BPO)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập133
  • Hôm nay59,585
  • Tổng lượt truy cập16,392,970
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây